PHƯƠNG PHÁP TẠO RA TƯỜNG GẠCH KHÔNG DÙNG VỮA
Số bằng sáng chế: 2-0000948; cấp ngày: 08/02/2012 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Nguyễn Phú Hòa; địa chỉ: số 4, đường Phan Anh, phường Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng.
Giải pháp hữu ích đề cập đến tường gạch không dùng vữa dùng trong xây dựng, nhờ vào cấu tạo của các viên gạch có mặt trên, mặt dưới và mặt đầu của viên gạch có biên dạng là những gờ lồi và rãnh lõm. Một bên gờ lồi và một bên rãnh lõm liên kết trùng khít nhau theo tiết diện đồng dạng để tạo liên kết các mối ghép theo phương nằm ngang và thẳng đứng của bức tường. Viên gạch còn được tạo lỗ xuyên để lắp đặt các thanh giằng chịu lực được liên kết bằng các bulông để tạo liên kết cứng vững. Tường gạch này có thể sử dụng trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, ứng dụng xây dựng nhà lắp ghép và các công trình công cộng.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT SILIC OXIT VÔ ĐỊNH HÌNH TỪ TRẤU
Số bằng sáng chế: 1-0009997; cấp ngày: 18/01/2012 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Trần Bình, Nguyễn Thạc Sửu, Bùi Đình Hải.
Sáng chế đề cập đến quy trình sản xuất silic oxit vô định hình từ trấu gồm các công đoạn: Than hóa trấu → Tạo viên trấu → Nhiệt luyện than trấu → Nghiền siêu mịn.
Sản phẩm tạo ra là silic oxit siêu mịn để có thể sử dụng làm chất phụ gia cho bêtông chất lượng cao, bêtông cường độ cao.
PHƯƠNG PHÁP SẢN XUẤT CẤU KIỆN XÂY DỰNG TỪ NHỰA PHẾ THẢI VÀ CHẤT THẢI BỤI TĨNH ĐIỆN CÔNG NGHIỆP
Số bằng sáng chế: 2-0000792; cấp ngày: 14/9/2009 tại Việt Nam; tác giả: Nguyễn Ngọc Anh, Ngô Huy Cường, Bùi Văn Sĩ, Cấn Văn Hưởng; chủ bằng: Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hưng Thịnh; địa chỉ: số 1 Nghi Tàm, Q.Tây Hồ, Tp. Hà Nội.
Giải pháp hữu ích đề cập đến phương pháp sản xuất cấu kiện xây dựng từ nhựa phế thải và chất độn phế thải công nghiệp, bao gồm các bước: phân loại nhựa phế thải sau đó phơi khô, đùn và nghiền; ép đùn gia nhiệt nhựa phế thải. Cuối công đoạn ép đùn gia nhiệt, chất độn tro bay lọc tĩnh điện hoặc các chất thải lọc bụi tĩnh điện công nghiệp xi măng với các thành phần gồm C, SiO2, CaO, MgO, Al2O3, được phối trộn với nhựa phế liệu chảy dẻo và tiếp tục được đùn gia nhiệt; hỗn hợp thu được được ép đùn vào khuôn, sản phẩm được định hình và làm nguội gián tiếp bằng nước tuần hoàn.
XI MĂNG COMPOSIT CÓ TÍNH BỀN TRONG SUN PHÁT HOẶC NƯỚC BIỂN
Số công bố đơn: 26899; ngày nộp đơn: 29/3/2011 tại Việt Nam; tác giả: Tetsuya Kato, Shoichi Ogawa, Lưu Thị Hồng, Yoshifumi Ohgi, Lương Đức Long; đơn vị nộp đơn: Taiheiyo Cement Corporation.; địa chỉ: Daiba Garden City Building, 2-3-5, Daiba, Minato-ku, Tokyo, Japan.
Sáng chế đề cập đến xi măng composit chứa clinke xi măng và phụ gia xi măng như các loại xỉ, canxi cacbonat, thạch cao, tro than, khói silic oxit, đá silic oxit, đá lửa hoặc các loại tương tự. Điều này cho phép tạo ra vật liệu xi măng đã hóa rắn có tính bền sun phát và/hoặc tính bền với nước biển tốt. Ngoài ra, vật liệu xi măng đã hóa rắn có nhiệt hyđrat hóa thấp và đủ bền để sử dụng trong thực tế.
PHƯƠNG PHÁP VĂNG CHỐNG HỐ MÓNG TRONG XÂY DỰNG CÁC TẦNG HẦM NHÀ CAO TẦNG CÓ KHẨU ĐỘ LỚN
Số công bố đơn: 26231; ngày nộp đơn: 19/01/2011 tại Việt Nam; tác giả: Nguyễn Đăng Bích; đơn vị nộp đơn: Công ty Cổ phần Xây dựng-Du lịch Hà Nội; địa chỉ: Biệt thự số 11, Lô N12 khu đô thị mới Dịch Vọng, Q. cầu Giấy, Hà Nội.
Sáng chế đề cập đến phương pháp văng chống hố móng trong xây dựng các tầng hầm nhà cao tầng có khẩu độ lớn mà các phương pháp khác không thể đạt được. Phương pháp này sử dụng giàn bailey để văng chống tường tầng hầm, trong đó giàn bailey được cấu tạo để làm việc ở trạng thái chịu nén.
THIẾT BỊ XÂY TRÁT VÁCH TƯỜNG
Số bằng sáng chế: 1-0006851; cấp ngày: 14/02/2008 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Đỗ Thành Tích; địa chỉ: 369/131 đường Lê Thiệt, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú, Tp. HCM.
Thiết bị xây trát tường gồm nhiều mô đun nối tiếp nhau, đặc điểm của thiết bị là có thể vừa xây vừa trát các vách tường phía trong và phía ngoài cùng lúc.
Anh Trung, STINFO Số 7/2012.