SpStinet - vwpChiTiet

 

SHTP - 10 năm đồng hành cùng doanh nghiệp

10 năm hoạt động với nhiều nỗ lực không ngừng, Khu Công nghệ cao Tp. HCM (SHTP) nay đã trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam. Hướng đến năm 2015, SHTP kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị khoa học công nghệ có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế, công nghệ tri thức của Tp. HCM và khu vực phía Nam. Con đường phía trước rộng mở nhưng còn nhiều khó khăn, SHTP rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.


Hoạt động doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Tp. HCM 
 

 

Hiện nay, đã có 27 dự án công nghệ cao đang hoạt động, trong đó có các dự án của những công ty uy tín như Intel (sản xuất chipset), Jabil (linh kiện điện tử) của Hoa Kỳ; Nidec (động cơ bước) của Nhật Bản; Datalogic (thiết bị đọc mã vạch) của Italia; thẻ thông minh các loại (MK, VTC), FPT (phần mềm), Vinagame (nội dung số), Nanogen (dược phẩm cao cấp) của Việt Nam, … Giá trị sản xuất trong năm 2011 đạt 1.010 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2010. Riêng Công ty Intel đạt 450 triệu USD (chiếm 45%), trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1.000 triệu USD (tăng gấp đôi so với năm 2010), tiêu thụ nội địa đạt 10 triệu USD và giá trị nhập khẩu là 972 triệu USD.

 
Lũy kế từ đầu đến nay, giá trị xuất khẩu đạt 2.707 triệu USD, nhập khẩu đạt 2.564 triệu USD. Đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC của Tp.HCM (năm 2008 là 35%, năm 2009 là 66%, năm 2010 là 50%, năm 2011 là 90 %). Nộp ngân sách bình quân hàng năm khoảng 120 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 17.500 lao động (trong đó năm 2011 là 5.801 lao động, tăng 3.751 lao động so với năm 2010).


Đã có 10 dự án triển khai hoạt động R&D theo cam kết (chi phí cho R&D từ 2% đến 38%) tăng gấp đôi so năm 2010; 03 doanh nghiệp ở mức nghiên cứu cải tiến, phát triển sản phẩm và các doanh nghiệp còn lại đang xây dựng kế hoạch triển khai R&D.


Trong giai đoạn I, SHTP đảm bảo các loại hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và thu hút các dự án sản xuất CNC, dịch vụ CNC có uy tín trên thế giới. Phân khu sản xuất CNC đã tạo cơ sở cho các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo tại SHTP, góp phần nâng cao năng lực nội sinh và tạo sức lan tỏa trong khu vực.


Mở rộng quan hệ quốc tế
 

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm xây dựng và phát triển khu công nghệ cao (KCNC) là mối quan tâm hàng đầu của SHTP. Từ năm 2004 đến nay, SHTP hợp tác với trường Đại học Georgetown để đặt hàng nghiên cứu về chiến lược phát triển KCNC; cùng Đại học Goerge Town (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo “Mô hình phát triển Khu Công nghệ cao thứ 2” trong năm 2012. Từ năm 2007, Ban Quản lý SHTP là thành viên chính thức Hiệp hội Các KCNC châu Á (ASPA) thực hiện quảng bá, học hỏi, thu hút và phát huy năng lực nội sinh trong hoạt động CNC.


Trong thời gian tới, tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đơn vị ngoại giao, các đại diện lãnh sự quán các nước để giới thiệu về SHTP, tạo mối quan hệ hỗ tương giữa SHTP và các doanh nghiệp CNC nước ngoài, chú trọng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu đào tạo như Hiệp hội Công viên Khoa học Quốc tế nhằm trao đổi chuyên gia, học thuật; chia sẻ cơ sở vật chất và xây dựng các chương trình nghiên cứu đào tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế.
 

Và còn rất nhiều việc phải làm…
 

Trong quá trình quản lý hoạt động, Ban Quản lý SHTP chú trọng củng cố mô hình, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động để đủ sức tổ chức triển khai, quản lý vận hành một dự án lớn, chưa có tiền lệ như SHTP. Ngoài việc chủ động và linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Quản lý đã tích cực chủ động đề xuất với Chính phủ và UBND Tp.HCM tổ chức nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc khó khăn hoặc kiến nghị của nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện hải quan điện tử, phân cấp mạnh trong việc cấp phép đầu tư. Thế nhưng công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp tại SHTP còn nhiều trở ngại, trong đó:


Một là hạ tầng kỹ thuật, phát triển dịch vụ còn chậm: chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật cho nhóm dịch vụ CNC (văn phòng cho thuê) và dịch vụ tiện ích (ngân hàng, bưu điện, kho bãi, vận chuyển, logicstic, nhà hàng, nhà ở chuyên gia, trung tâm y tế, thương mại, thể thao…). Các phân khu chức năng này thuộc giai đoạn II và rơi vào khu vực chưa hoàn tất thu hồi mặt bằng. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm dự án nghiên cứu phát triển (R&D) và dịch vụ CNC. Ngoài ra, vấn đề giao thông kết nối SHTP với các hạ tầng ngoài SHTP đến nay vẫn còn khó khăn. Ngay cả hệ thống hạ tầng giai đoạn I trong SHTP vẫn còn đang hoàn thiện.
 

SHTP chưa tạo ra được sự khác biệt đáng kể so với các khu công nghiệp khác ở trong nước như Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương), Khu Chế xuất Tân Thuận, Công viên Phần mềm Quang Trung (Tp.HCM), Khu Công nghiệp Quế Võ, Quảng Châu… (Bắc Ninh, Bắc Giang). Các khu vực này đã thu hút được nhiều dự án CNC trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vì lợi thế hạ tầng kỹ thuật, các loại dịch vụ hỗ trợ và ưu đãi tương đương đều đã sẵn sàng. Ở cấp độ khu vực, SHTP phải cạnh tranh gay gắt với các nước có thế mạnh về nguồn nhân lực có trình độ cao và sự phát triển toàn diện của các chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực CNC như Ấn Độ, Trung Quốc, Philipines, Thái Lan...
 

Hai là nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đáp ứng: yếu và thiếu nguồn nhân lực là một trở ngại để thu hút đầu tư cũng như triển khai hoạt động R&D của SHTP hiện nay.
 

Ba là ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008, kéo dài đến năm 2011 với diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư của doanh nghiệp.
 

Bốn là hạ tầng xã hội, phát triển dịch vụ còn chậm, chưa tạo được sự khác biệt đáng kể so với các khu công nghiệp khác ở trong nước, đặc biệt nhóm hạ tầng cho dịch vụ CNC và dịch vụ tiện ích như nhà sinh hoạt công nhân, nhà lưu trú công nhân, trạm xá, nhà ở chuyên gia…hiện vẫn chưa có.
 


 

Để khắc phục những tồn tại, thu hút đầu tư lĩnh vực CNC và phát triển các khu CNC cần có chiến lược cùng các giải pháp đồng bộ, các cơ chế chính sách cho các dự án CNC và các ngành công nghiệp phụ trợ CNC trong các khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX-KCN) để khuyến khích đầu tư, và sự liên kết giữa SHTP với các KCX-KCN để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đầu tư là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển, cụ thể:
 

– Cần sớm ban hành chính sách thuế thu hút ngành CNC theo hướng ưu đãi thống nhất cho các ngành CNC mũi nhọn; mở rộng đầu tư các dự án CNC hoặc dự án thay đổi theo hướng công nghệ tiên tiến. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, chuyển đổi ngành nghề từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu phát triển và hướng tới đầu tư phát triển ngành công nghiệp CNC.
 

– Thúc đẩy nhanh hơn nữa thủ tục xác nhận doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn CNC theo hướng đơn giản hóa, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thuộc lĩnh vực CNC trong các KCX-KCN, trước mắt có thể sử dụng hội đồng thẩm định của SHTP để chứng nhận cho các doanh nghiệp CNC của các KCX-KCN.
 

– Ban hành danh mục các sản phẩm hỗ trợ cho ngành CNC, trên cơ sở đó có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án này để cung ứng linh kiện, phụ kiện sản phẩm CNC như: giá đất cho thuê thấp hơn, được hỗ trợ để đầu tư sản xuất, ưu đãi về thuế…
 

– Liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo bổ sung.
 

– Tạo sự kết nối chặt chẽ giữa KCNC và các KCX-KCN, qua đó các kết quả R&D, các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu của doanh nghiệp của KCNC sẽ là tiền đề cho việc đầu tư của các doanh nghiệp KCX-KCN. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ tại các KCX-KCN sẽ là động lực để thu hút nhiều hơn các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào KCNC.
 

– Cần có chính sách tích cực hơn nữa để triển khai xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các KCNC như: nhà lưu trú công nhân, siêu thị, trung tâm y tế, trung tâm văn hóa, nhà trẻ, bếp ăn công nghiệp nhằm phục vụ tốt cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
 

– Quy hoạch KCNC phải gắn liền với quy hoạch phát triển khu đô thị nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp và người lao động.
 

THANH UYÊN, STINFO Số 7/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả