SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng chế về xe đạp

 

 

 

Cơ cấu đạp làm tăng mômen lực của xe đạp


Số bằng sáng chế: 1-0008351; cấp ngày: 29/03/2010 tại Việt Nam; tác giả: Yi Pin Wei; chủ bằng: Ho Luen Corp.; địa chỉ: 1F, No. 47, Lane 26, Yude Road, WuFeng Township, Tai-chung County, Taiwan.
 

Hệ truyền động của xe đạp thông thường có đùi với một đầu gắn với bàn đạp và đầu kia gắn với lỗ trục xe của đĩa xích. Khi người sử dụng đạp bàn đạp, đùi làm quay đĩa xích, đĩa xích làm quay xích tạo ra sự truyền động. Khi đùi quay một vòng (nghĩa là chân đạp một vòng), đĩa xích cũng quay một vòng. Mômen lực được tạo ra nhỏ, do đó cần nhiều sức người để đạp xe.

 


Sáng chế đề cập đến cơ cấu đạp của xe đạp hai bánh có thể làm tăng mômen lực để tiết kiệm sức đạp. Kết cấu gồm: bộ phận đạp (20) đặt giữa đĩa xích và đùi xe đạp. Bộ phận đạp có thanh dạng cờ lê, có ổ ở một đầu với các răng bánh cóc (311) để đặt bánh đà.


• Thanh dạng cờ lê (30): có rãnh trượt kéo dài ở mặt đáy để giữ cặp bạc trượt thứ nhất của thanh phụ.
 

• Bánh đà (40): có các răng khớp với ổ. Vòng trục trong của bánh đà khớp với trục đĩa xích của đĩa xích và được giữ chặt bằng đai ốc.
 

• Thanh phụ (50): có vòng thép ở đầu dưới, hai mặt tương ứng khớp với với cặp bạc trượt thứ hai chạy trên trục bàn đạp của bàn đạp.
Thanh dạng cờ lê giúp tăng mômen lực để tiết kiệm sức đạp, hiệu quả hơn cơ cấu đạp thông thường.


Xe đạp gấp
 

Số bằng sáng chế: 1-0006615; cấp ngày: 28/09/2007 tại Việt Nam; tác giả: Mihelic Miko; chủ bằng: Studio Moderna SA. (ch); địa chỉ: Viale S. Franscini 40, CH-6900 Lugano, Switzerland.
 

Sáng chế đề cập đến xe đạp gấp có thể gấp thành cơ cấu gọn với phần khung trung tâm vững chắc. 
 


 

Kết cấu xe gồm:
 

• Cụm khung trung tâm gồm ống khung dưới (165), ống đỡ yên (25), ống khung trên (15) và ống đỡ (30), trong đó ống khung dưới, ống đỡ yên, ống khung trên và ống đỡ về cơ bản được gắn cố định với nhau.
 

• Các chi tiết có thể gấp được gồm: cụm chạc trước, cụm bánh xe, cụm tay lái và các bàn đạp.
 

Khi muốn gấp xe đạp, cụm tay lái được mở khóa, quay 180° xuống dưới, đến vị trí vùng giữa khung, sao cho một tay ở phía bên trái và tay kia ở phía bên phải của phần giữa khung. Quay cụm chạc trước 180° quanh khớp nối, bánh xe có thể gấp vào trong vùng giữa của khung, giữa hai phần tách rời nhau của ống khung dưới. Các bàn đạp cũng gấp được giúp giảm chiều rộng xe. Khi cần có thể tháo bánh xe ra để giảm thêm chiều dài xe đạp sau khi gấp.
 

Xe đạp gấp theo sáng chế vừa có thể gấp gọn, thuận tiện cho cất giữ và vận chuyển; lại có kết cấu khung vững chắc, giữ được độ bền và độ thoải mái khi đạp xe.
 

 

Hệ thống bàn đạp cải tiến

 

Số bằng sáng chế: 1-0004196; cấp ngày: 26/03/2004 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Jaimes Jairo; địa chỉ: Suite 303, 81-12 Roosevelt Avenue, Jackson Heights, NY 11372, United States of America. 


Hệ thống bàn đạp thông thường có hai đùi vận hành ngược nhau, quay quanh một trục chính lắp trong giá đỡ ở phần dưới xe đạp. Các bộ phận nối trục giữa là phương tiện duy nhất liên kết đùi với xe đạp, do đó hệ thống này có “điểm chết” khi đùi bàn đạp quay đến vị trí 180° và 360° (vuông góc với mặt đất). Tại “điểm chết”, tổn hao về lực xảy ra làm giảm tốc độ và động lượng của xe.
 

Sáng chế đề xuất hệ thống bàn đạp cải tiến được thiết kế để loại bỏ hiện tượng này, cho phép bảo toàn năng lượng, tăng tốc độ xe đạp.
 

Thiết kế này giúp quá trình vận hành bàn đạp không có “điểm chết”, người sử dụng dễ dàng tăng tốc độ. Mặt khác, hệ thống có kết cấu linh hoạt, dễ sản xuất với các chiều dài khác nhau, theo cả dạng đặc hoặc rỗng để thay đổi trọng lượng tùy nhu cầu.
 

 

Bộ chỉ báo của xe đạp có động cơ điện trợ giúp

Số bằng sáng chế: 1-0004403; cấp ngày: 25/08/2004 tại Việt Nam; tác giả: Ryuji Akiba, Toshiyuki Cho; chủ bằng: Honda Giken Kogyo Kabushiki Kaisha; địa chỉ: 1-1, Minamiaoyama 2-chome, Minato-ku, Tokyo, Japan.
 

Xe đạp có động cơ điện trợ giúp gồm một động cơ điện cùng với pedal như xe đạp thường. Động cơ điện sẽ hỗ trợ giảm nhẹ lực đạp. Sáng chế đề xuất bộ chỉ báo hiển thị các chế độ và tình trạng của động cơ trợ giúp, cho phép người đi xe kiểm tra bằng mắt các tình trạng này. 
 

Bộ chỉ báo (28) được lắp vào một phần tay lái của xe đạp gồm:
 

• Nút ấn (28a)
 

• Đèn hiển thị chế độ (28b) để các hiển thị các chế độ của động cơ trợ giúp.
 

• Khối hiển thị biểu đồ thanh (28c).
 

• Khối hiển thị loại đại lượng (28d): hiển thị các đại lượng "nạp điện", "dẫn động" hoặc "ắc quy".


Khi động cơ trợ giúp của xe chuyển sang chế độ nào thì đèn liên quan tới chế độ đó sẽ nhấp nháy trong vài giây để thông báo sự thay đổi. Nếu ấn nút (28a), khối hiển thị loại đại lượng (28d) và khối hiển thị biểu đồ thanh (28c) sẽ chỉ rõ tình trạng năng lượng của xe.

 

Xe đạp ghép
 
Số công bố đơn: 1148; ngày nộp đơn: 08/03/2007 tại Việt Nam; tác giả và người nộp đơn: Lê Hoài Việt; địa chỉ: 105/35 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.


Giải pháp hữu ích đề cập tới cụm xe đạp có cấu tạo gồm hai hoặc nhiều đơn nguyên ghép lại. (Đơn nguyên: chỉ các chi tiết xe độc lập trong cụm). Kết cấu gồm đơn nguyên chủ động (1), đơn nguyên phụ thuộc (2), khớp các-đăng (3) dùng để liên kết các đơn nguyên.




• Đơn nguyên chủ động (1): là một xe đạp hoàn chỉnh.


• Đơn nguyên phụ thuộc (2): gồm một hoặc nhiều xe đạp không có bánh xe trước.


Kết nối các đơn nguyên với nhau cho phép nhiều người cùng lúc sử dụng xe đạp. Người điều khiển đơn nguyên chủ động (1) có vai trò dẫn hướng, những người còn lại sẽ đạp bánh xe dẫn động (1.3), (2.3) và điều khiển hệ thống phanh (1.5), (2.5) của đơn nguyên mình đang sử dụng. Các-đăng (3) liên kết bằng ốc vít (3.1) với các đơn nguyên (1) và (2), sao cho các thao tác kết nối hoặc tháo rời các đơn nguyên là đơn giản nhất.


Xe đạp điện đơn giản, cải tiến từ xe đạp thường


Số công bố đơn: 1793; ngày nộp đơn: 08/03/2011 tại Việt Nam; tác giả và người nộp đơn: Chen Chuan Sheng; địa chỉ: Fl. 12, No. 137, Sec. 4, JenAi Road, Taipei, Taiwan.
Giải pháp hữu ích đề cập đến xe đạp điện đơn giản hóa, được tạo ra bằng cách lắp cụm dẫn động điện vào xe đạp thường.


Cụm dẫn động điện gồm:


• Bánh răng dẫn động bánh xe (1): được cố định chắc chắn vào các nan hoa của bánh xe và đồng tâm với trục bánh xe.


• Động cơ điện (2): được lắp vào khung xe đỡ bánh xe.


• Bộ acquy (4): được đặt trong hộp. Hộp này gắn vào khung xe, có thể tháo ra lắp vào dễ dàng.


• Núm vận hành (22): lắp vào ghi đông xe đạp để điều khiển hoạt động của động cơ điện.

 
Cơ năng của động cơ điện truyền động đến bánh răng dẫn động bánh xe để điều khiển chuyển động quay của bánh xe. Nhờ phương pháp này, xe đạp thường có thể hoạt động như một kiểu xe đạp điện đơn giản.

 

MINH NHẬT, STINFO Số 10/2013

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả