Cách mạng công nghệ giáo dục quan trọng nhất trong 200 năm qua, mở rộng cánh cửa học vấn đến mọi người, mọi nơi và hứa hẹn ‘đảo lộn’ học đường.
Theo hệ thống đào tạo phương Tây, trường đại học đầu tiên trên thế giới được thành lập năm 1088 tại Bologna, Ý. Thời đó, bài giảng trên lớp là phương tiện truyền đạt thông tin hiệu quả nhất. Sau đó xuất hiện kỹ thuật in ấn, phim ảnh và web. Trải qua bao năm tháng, có biết bao đổi thay trong nhiều lĩnh vực, nhưng thật kỳ lạ, các giáo sư cho đến nay vẫn giảng bài như xưa!
MOOC: niềm hy vọng mới
Một trăm năm trước, đào tạo đại học (ĐH) dường như đã mấp mé một cuộc cách mạng công nghệ. Sự phổ biến của hệ thống bưu điện thời đó cho phép các trường ĐH có thể phân phối bài giảng vượt khỏi khuôn viên nhà trường. Bất kỳ ai có hộp thư đều có thể ghi danh theo học. Nhìn thấy cơ hội mở rộng thành phần sinh viên và tăng doanh thu, các trường đổ xô thiết lập bộ phận đào tạo tương ứng. Đến những năm 1920, các khóa học qua bưu điện đã trở thành cơn sốt thật sự.
Không chỉ mang đến hy vọng mở rộng cơ hội học tập, người ta còn kỳ vọng việc đào tạo từ xa sẽ làm tốt hơn việc giảng dạy truyền thống tại trường vì có thể thiết kế bài học và kiểm tra đánh giá cho từng học viên.
Giờ đây, hy vọng đó một lần nữa được nhóm lên với phương tiện truyền thông mạnh mẽ khác - Internet. Nếu so sánh trang web đào tạo trực tuyến Coursera (http://www.coursera.org) với các trường đại học “top” như Harvard, Stanford, MIT…, trung bình mỗi sinh viên phải tốn 250.000 USD cho bốn năm học, thì Coursera rẻ vô cùng. “Của rẻ” nhưng chất lượng là “vàng thiệt”, vì nhiều giáo sư các trường đại học danh tiếng như Stanford, Princeton, University of Michigan, và University of Pennsylvania tình nguyện tham gia Coursera. Mặt khác, Coursera nhận được khoản đầu tư 16 triệu USD từ các tập đoàn đầu tư như Kleiner Perkins Caufield & Byers và New Enterprise Associates.
Coursera hiện có cả triệu người theo học, từ khắp nơi trên thế giới
Năm rồi, nhiều trường đại học hàng đầu như MIT, Harvard, Stanford và Princeton đã đưa nhiều khóa học miễn phí lên Internet, và hàng triệu người trên khắp thế giới đã đăng ký theo học. Những khóa học mở trực tuyến toàn cầu này còn được biết đến với thuật ngữ “MOOC” – Massive Open Online Course) đang được kỳ vọng sẽ đưa đào tạo chất lượng cao đến với vô số sinh viên không có cơ hội đến trường, gồm cả những người ở những nơi xa xôi hẻo lánh và những người đang đi làm. MOOC cũng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng và hiệu suất giảng dạy trong cũng như ngoài khuôn viên nhà trường.
Giáo sư Robot
Khóa học trực tuyến không phải mới. Các tên tuổi lớn như ĐH Phoenix hay DeVry đã có hàng ngàn khóa học như vậy. Vậy MOOC có gì khác? Theo Sebastian Thrun, một trong những người tiên phong (xem bài "Giáo sư không biên giới" trang 40 số này), đó chính là "sự gắn kết học viên". Đến nay, hầu hết các khóa học trên mạng (hay các nguồn "học liệu mở") chỉ là các bài giảng được quay phim. “Lớp học” nói chung nhàm chán và khó giữ chân người học. Trong khi đó, MOOC có cả video bài giảng lẫn “bảng đen chữ trắng” (tất nhiên là thể hiện trên màn hình), bài giảng thường đan xen các bài tập hay bài kiểm tra – buộc sinh viên không rời bài học. Hình thức củng cố kiến thức này đã được chứng minh là giúp tăng cường việc hiểu và nhớ bài.
Học trực tuyến với bảng đen chữ trắng.
Thêm một sự khác biệt nữa giữa MOOC và các khóa học trực tuyến trước đây: tính kinh tế. Nền tảng điện toán đám mây cho phép lưu trữ số lượng lớn dữ liệu và truyền đi với chi phí rất thấp. Bài học và bài kiểm tra có thể phát miễn phí trên các dịch vụ web như YouTube và các mạng xã hội như Facebook có thể đóng vai trò như “học viện số”, nơi đó sinh viên có thể lập các nhóm học tập hay diễn đàn để thảo luận. Trong vài năm qua, chi phí thiết lập các lớp học đa phương tiện tương tác trực tuyến đã giảm nhanh chóng, cho phép giảng dạy số lượng lớn sinh viên mà không phải đầu tư nhiều.
Không phải ngẫu nhiên mà các MOOC tiên phong như Udacity, Coursera và edX đều được điều hành bởi các nhà khoa học máy tính. Để thực hiện kỳ vọng lớn lao - làm cho đại học trở nên rẻ hơn và tốt hơn - MOOC cần khai thác những đột phá mới nhất trong kỹ thuật xử lý dữ liệu lớn và "máy học" để có thể cung cấp các lớp học phức tạp và đòi hỏi mức độ tự động hóa cao cho hàng ngàn người đồng thời. Nhiều việc trước đây do các giáo sư và trợ giảng thực hiện như chấm điểm, giảng bài, điều hành thảo luận... giờ được thực hiện bởi máy tính. Ngoài ra cũng cần có phần mềm cao cấp phân tích lượng lớn thông tin về hành vi của học viên thu thập được trong quá trình dạy học; thuật toán phát hiện mẫu trong dữ liệu được hy vọng sẽ biết được các phong cách học tập và chiến lược giảng dạy. Những thông tin này có thể khai thác để điều chỉnh công nghệ đào tạo. Những nhà tiên phong MOOC tin rằng những kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo sẽ đưa đại học từ thời đại công nghiệp chuyển sang thời đại kỹ thuật số.
Tương lai máy tính sẽ có thể tạo ra "môi trường học tập" phù hợp với từng học viên, ví dụ các thành phần của giao diện chương trình sẽ thay đổi khi máy tính nhận biết được kiểu học tối ưu cho học viên.
Điều đặc biệt kích thích các nhà khoa học máy tính đề xướng MOOC đó là nhờ quy mô chưa từng thấy của nó, họ có thể tạo ra lượng dữ liệu bao la cần thiết cho việc “học máy” hiệu quả. Tất cả các "biến" trong một khóa học đều được theo dõi. Khi một học viên tạm dừng hay tua lại nhanh video bài giảng, hành động đó sẽ được lưu vào cơ sở dữ liệu. Tương tự, khi học viên trả lời một câu hỏi của bài kiểm tra, chỉnh sửa bài tập hoặc thảo luận trong diễn đàn… tất cả đều được ghi nhận và trở thành "dữ liệu". Khả năng tập hợp thông tin chi tiết về hành vi của học viên sẽ mở đường cho việc "học tập thấu hiểu".
Việc phân tích những con số cũng hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho cả người dạy và người học. Các giáo sư sẽ nhận được báo cáo thường xuyên về những gì đang diễn ra (hay không diễn ra) trong các lớp học của mình. Và dựa trên "những yếu tố tốt nhất ", phần mềm MOOC sẽ hướng dẫn từng học viên theo "lộ trình phù hợp".
Đảo ngược học đường
Những người đề xướng MOOC không cho rằng máy tính sẽ thay thế hoàn toàn giảng đường, nhưng cho rằng đào tạo trực tuyến sẽ thay đổi bản chất của việc giảng dạy trong nhà trường, làm cho nó trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn. Cách giảng dạy truyền thống là học viên đến lớp nghe bài giảng rồi về nhà tự làm bài tập sẽ thay đổi. Khi đó, học viên sẽ tự nghe bài giảng và xem tài liệu giải thích trên máy tính của mình trước, sau đó sẽ tập trung tại lớp để khám phá sâu hơn qua thảo luận với giáo sư hoặc qua bài tập trong phòng thí nghiệm. Về lý thuyết, việc "đảo ngược" này giúp phân bổ thời gian giảng dạy hợp lý hơn, làm phong phú thêm trải nghiệm của cả người dạy và người học.
Cũng có những nghi ngại với MOOC. Một trong những nguyên nhân đó là tỷ lệ học viên bỏ học cao làm “mất điểm” các MOOC đầu tiên. Trong số 155.000 người đăng ký khóa học mạch điện tử nằm rồi của MIT, chỉ có 23.000 người chịu làm bài tập đầu tiên, chỉ khoảng 7.000 người ( 5%) “tốt nghiệp”. Tổ chức lớp có hàng ngàn học viên là một thành tích đáng ghi nhận. Thường chỉ có khoảng 175 sinh viên MIT hoàn thành khóa học mạch điện tử mỗi năm, nhưng tỷ lệ rơi rụng ở trên cho thấy những khó khăn của MOOC. Khi thành phần tham gia lớp học mở rộng hơn, tỷ lệ rơi rụng có thể còn cao hơn. Việc tạo cảm hứng cho nhiều thành phần sinh viên và duy trì sự hứng thú của họ khi ngồi trước máy tính hàng tuần hay hàng tháng không đơn giản.
Người ta còn lo các trường sẽ đổ xô đưa các lớp học truyền thống lên mạng mà không xem xét cẩn thận. Trước khi thành lập Coursera, Andrew Ng đã điều chỉnh chương trình giảng dạy tại Stanford phù hợp với học trực tuyến. Vậy mà vẫn có người phàn nàn chương trình không đủ tính hàn lâm, không kích thích người học động não, làm người học thấy đơn độc.
Có nhiều thách thức mà các nhà tiên phong MOOC phải đối mặt. Càng khó khăn hơn khi các khóa học trực tuyến mở rộng sang những lĩnh vực như nghệ thuật, những lĩnh vực mà tri thức khó hệ thống hóa và thành công của học viên tùy thuộc vào khả năng của người dạy dẫn dắt khám phá những thứ hầu như không có quy luật.
Dù MOOC có thành công như kỳ vọng hay không cũng sẽ buộc các nhà điều hành các ĐH và các giáo sư phải xem xét lại hình thức và ý nghĩa của việc giảng dạy.
Udemy www.udemy.com Thành lập tháng 2/2010, Udemy cung cấp hơn 6.000 khóa học và 25.000 bài giảng, một số miễn phí, một số có phí. Udacity www.udacity.com Được Sebastian Thrun, giáo sư ĐH Stanford sáng lập. Udacity có 11 khóa học miễn phí về khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, … | | edX www.edx.org Được MIT và Harvard liên kết thành lập, cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí từ giữa năm 2012. Coursera www.coursera.org Sáng lập bởi Daphne Koller và Andrew Ng., hai nhà khoa học máy tính của Standford, được nhiều trường ĐH hàng đầu hợp tác cung cấp các khóa học miễn phí. |
Khan Academy
www.khanacademy.org
Tập trung chủ yếu chương trình phổ thông (K-12), có hơn 3.200 video về nhiều chủ đề, tất cả đều miễn phí.