Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng của véc - ni Shellac F trong dự phòng sâu răng và điều trị sang thương sâu răng mới chớm ở trẻ em 12 tuổi Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, TP. HCM.
Véc - ni fluor được sử dụng phổ biến trong dự phòng sâu răng. Shellac F là một véc-ni fluor có thành phần nền nhựa cánh kiến thiên nhiên do Khoa Răng Hàm Mặt – Đại học Y Dược TP. HCM nghiên cứu chế tạo thử nghiệm, với sự hợp tác hỗ trợ từ Khoa Nha – Đại học Adelaide (Nam Úc) và Khoa Hóa – Đại học Bách khoa TP. HCM.
Nghiên cứu được thực hiện trên 207 trẻ 12 tuổi với 3 nhóm thử nghiệm là nhóm sử dụng Shellac F, nhóm sử dụng Duraphat® và nhóm chứng (không sử dụng véc - ni fluor). Các trẻ được bôi véc - ni 3 tháng 1 lần và khám đánh giá tình trạng sâu răng 6 tháng 1 lần.
Kết quả đánh giá sau 24 tháng cho thấy, tỷ lệ giảm sâu răng toàn bộ ở nhóm sử dụng Shellac F và Duraphat® là 52% và 56% so với nhóm chứng. Tỷ lệ sâu răng mới ở hai nhóm này thấp hơn so với nhóm chứng từ thời điểm 12 tháng. Mức độ gia tăng số mặt răng sâu mất trám trung bình ở nhóm Shellac F và Duraphat® sau 24 tháng, thấp hơn so với nhóm chứng. Không có sự khác biệt về tỷ lệ giảm sâu răng mới và mức độ gia tăng số mặt răng sâu mất trám trung bình ở hai nhóm sử dụng Shellac F và Duraphat®. Xét về các tổn thương sâu răng đã thành lỗ, tương ứng tiêu chuẩn đánh giá sâu răng của WHO, tình trạng sâu răng ở hai nhóm sử dụng Shellac F và Duraphat® ít trầm trọng hơn so với nhóm chứng trên tất cả các chỉ số đánh giá. Tỷ lệ giảm sâu răng của nhóm sử dụng Shellac F là 37% và nhóm sử dụng Duraphat® là 12%, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Đề tài cũng xây dựng quy trình sử dụng Shellac F trong dự phòng sâu răng điều trị tổn thương sâu răng mới chớm. Quy trình này áp dụng trong ngăn chặn bệnh sâu răng, đặc biệt trên đối tượng trẻ em từ 12-15 tuổi có nguy cơ sâu răng trung bình và cao.
Kết quả nghiên cứu cho phép đánh giá hiệu quả của véc - ni fluor trong ngăn chặn sâu răng, đặc biệt đối với tổn thương sâu răng mới chớm là các tổn thương còn trong giai đoạn hoàn nguyên. Đồng thời mở ra hướng sản xuất Shellac F trong nước với các nguyên vật liệu sẵn có, đóng góp cho các chiến lược dự phòng và điều trị sâu răng, chăm sóc răng miệng cộng đồng, phù hợp với điều kiện nước ta.
Nước thải sau chưng cất cồn (NTSCCC) có giá trị dinh dưỡng cao, không chứa vi sinh vật tạp nhiễm, có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, nhưng hiện tại chưa được tận dụng và không bảo quản được lâu, gây ô nhiễm môi trường, tăng chi phí cho xử lý. Đề tài được thực hiện nhằm xây dựng qui trình công nghệ tận dụng NTSCCC để sản xuất chế phẩm sinh học (CPSH) dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nhóm nghiên cứu đã tận dụng NTSCCC từ nguyên liệu tinh bột gạo chưa tách nước của Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây để sản xuất CPSH BIO-HR. Công ty CP Rượu Bình Tây sản xuất cồn thực phẩm từ nguyên liệu tinh bột gạo và tinh bột khoai mì với qui mô 20.000 lít/ngày, và thải ra lượng NTSCCC khoảng 180-200 m3/ngày. CPSH BIO-HR có giá trị dinh dưỡng, thành phần gồm Bacillus sp. ≥ 107 CFU (Colony Forming Unit)/ml, Lactobacillus sp. ≥ 107 CFU/ml, | Sản phẩm của đề tài, CPSH BIO-HR có giá thành 15.000 đ/lít. Ảnh: BV. |
Saccharomyces sp. ≥ 107 CFU/ml, Coliforms trong giới hạn cho phép, pH 4, có mùi thơm và vị chua. Thời gian bảo quản 3-6 tháng.
BIO-HR đã được thử nghiệm trong nuôi cá tra giống, gà lương phượng, heo cai sữa và heo thịt. Hiệu quả cho thấy, BIO-HR giúp cải thiện sự tăng trọng, giảm FCR (hệ số tiêu tốn thức ăn) của cá tra giống, gà lương phượng, heo cai sữa và heo thịt (trọng lượng trung bình tăng tương ứng 4,5%, 21%, 5-7% và 6,7%; FCR giảm tương ứng 38%, 15%, 13-22% và 7,6%), và giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi và chuồng trại. Ngoài ra, tỷ lệ sống của cá tra giống tăng 54,6% và cải thiện chất lượng nước ao nuôi.
Kết quả đề tài cũng xây dựng được qui trình công nghệ sản xuất chế phẩm BIO-HR từ NTSCCC với quy mô pilot (1.000 lít/mẻ). Quy trình gồm 5 bước cụ thể, đơn giản, chất lượng ổn định. Qui trình sản xuất CPSH BIO-HR đã được chuyển giao cho cán bộ và công nhân kỹ thuật của Nhà máy Rượu Bình Tây.
Nhóm nghiên cứu cho biết, hiện đã cung cấp cho các công ty, trang trại và người dân chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản gần 4000 lít chế phẩm BIO-HR (giá thành 15.000đ/lít) để thử nghiệm và sử dụng trong chăn nuôi heo, gà, cá, tôm. Theo tính toán, sản xuất 10.000 lít chế phẩm BIO-HR, với giá bán 15.000 đ/lít, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được là 82.169.000 đ.
Kết quả nghiên cứu được đánh giá có tính ứng dụng cao không chỉ trong chăn nuôi mà còn có thể sản xuất phân bón, phân vi sinh, đáp ứng nhu cầu ngành nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường.
Đề tài được thực hiện với mục tiêu nhận định và đánh giá tổng quan hiện trạng và hệ thống hóa toàn bộ các đề xuất định hướng phát triển hệ thống vườn – công viên (VCV) tại TP.HCM; xác định các tiêu chuẩn cụ thể cần thiết của hệ thống VCV đô thị, mô hình hệ thống VCV hợp lý, hiệu quả trong không gian đô thị TP. HCM.
Theo đó, mạng lưới VCV ở TP. HCM phát triển tương đối đầy đủ về mặt số lượng và diện tích tại quận 1, 3. Trong khi đó, một số các quận nội thành hiện hữu khác (như quận 4, 5, 6) cũng như một số quận mới phát triển (như Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh) và những huyện ngoại thành như Nhà Bè, Bình Chánh... gần như chưa có công viên hoặc đang trong tình trạng thiếu thốn cây xanh trầm trọng. Sự phát triển của hệ thống VCV vẫn đang diễn ra nhưng thiếu định hướng phát triển. Hình thức tổ chức thẩm mỹ của hệ thống VCV vẫn rất nghèo nàn và rập khuôn.
Hệ thống VCV đô thị tại TP. HCM khá đa dạng về các loại hình, chủng loại thực vật, tuy nhiên một số loại hình VCV rất quan trọng của cấu trúc đô thị như công viên rừng thì hầu như chưa có. Việc phân định hệ thống VCV phúc lợi công cộng và VCV kinh doanh thu phí đang dần hoàn chỉnh. Cấu trúc của một hệ thống VCV đô thị đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, tính hệ thống của hiện trạng VCV tại thành phố chưa rõ nét; chưa thực sự đảm bảo yêu cầu hỗ trợ điều kiện môi trường sống, chưa thể hiện được tính chất kích thích phát triển kinh tế đô thị.
Nhóm nghiên cứu cũng xác định các tiêu chí cần thiết của định hướng phát triển hệ thống VCV đô thị tại TP. HCM dựa trên phát triển bền vững về xã hội, tự nhiên, kỹ thuật và tài chính; đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư và sử dụng.
Đề tài đã đề xuất mô hình lý thuyết của hệ thống không gian xanh đô thị TP. HCM mà trong đó hệ thống VCV là thành tố cốt lõi với những thành phần và loại hình có đặc trưng riêng của đô thị TP. HCM. Mô hình hệ thống không gian xanh TP. HCM được đề xuất gồm 4 thành tố: mảng xanh đô thị, vành đai xanh đô thị, hành lang xanh nông thôn, những dòng nước và những tuyến kết nối xanh. Mảng xanh đô thị nằm trong khu vực trung tâm đô thị bao gồm VCV đô thị và các không gian khác như vườn hoa công cộng, các công viên – vườn hoa – đường dạo ven sông và ven kênh rạch... là thành phần cơ bản sẵn có và cần bảo vệ nghiêm ngặt. Phạm vi khu vực này là từ đường vành đai số 1, bán kính khoảng 10 km (với Bưu điện trung tâm thành phố là tâm). Vành đai xanh đô thị nằm trong khu vực giữa vành đai 1 và 2 của thành phố bao gồm hệ thống VCV ngoài đô thị và các không gian xanh khác. Phạm vi khu vực này từ km 10 đến km thứ 20 (đường vành đai 1 đến đường vành đai 2) tính từ trung tâm thành phố, bao trọn trái tim của đô thị TP.HCM. Các thành phần cơ bản và cấu trúc của hệ thống vành đai xanh bao gồm những không gian mở, những vùng đất tự nhiên rộng xen kẽ các khu đô thị (Long An, Bình Dương...), các tuyến giao thông, rừng cây công nghiệp... Hành lang xanh nông thôn là khu vực nằm ngoài km 20 của thành phố, bao gồm các khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đặc biệt là các khu vực rừng đặc dụng tại Bình Chánh, Củ Chi và khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ... Những dòng nước và tuyến kết nối xanh là hệ thống sông và kênh rạch kết nối toàn bộ không gian TP.HCM; là hệ thống VCV bám theo các dòng sông, kênh rạch, theo các tuyến trục giao thông tạo nên một mạng lưới các công viên kết nối các khu vực không gian xanh toàn thành phố.
>> Danh sách các đề tài / dự án nghiệm thu trong quý 2 năm 2013. <<
Bích Vân, STINFO Số 8/2013