Đề tài được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu thành phần vật liệu dệt – polyme đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật xây dựng đê; nghiên cứu xây dựng công nghệ chế tạo vật liệu dệt – polyme bằng các thiết bị có sẵn tại TP.HCM; đề xuất công nghệ và xây dựng thử nghiệm đê bằng ống nhồi cát tại TP.HCM.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, một số nguyên nhân chính làm nhiều đoạn đê và bờ bao trên địa bàn TP.HCM bị bể do triều cường, mưa lũ... trong thời gian vừa qua là chiều cao đê không đủ, nước tràn qua mặt đê gây xói mòn rồi dẫn đến vỡ đê; chân đê bị xâm thực nước làm xói mòn gây vỡ đê; vật liệu xây dựng đê khi ngập nước không đủ sức chịu tải dẫn đến vỡ đê...
Nhóm nghiên cứu đã tính toán thiết kế đê theo công nghệ nhồi cát. Giải pháp cơ bản của công nghệ xây dựng đê bằng ống nhồi cát là thay các khối đá lõi gồm các hạt rời, thi công kiểu đổ tự do khó định hình bằng các ống địa kỹ thuật (ống nhồi cát) được bơm đầy cát. Đất, cát bơm vào ống có thể sử dụng tại chỗ hoặc bùn đất nạo vét kênh mương. Ống nhồi cát được chế tạo từ tổ hợp vật liệu vải polyester GM15 tráng PVC biến tính. Kết quả thử nghiệm cho thấy, đây là loại vật liệu thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tại TP.HCM cũng như khu vực phía Nam, giúp đảm bảo độ bền của công trình.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng thử nghiệm một đoạn đê dài 100m tại bờ hữu sông Sài Gòn thuộc địa phận phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Số liệu quan trắc cho thấy, sau 60 ngày đê khá ổn định về chiều cao mặc dù nền đất ở đây rất yếu. Về hiệu quả kinh tế, chi phí cho xây dựng 1 mét đê thử nghiệm tại Thạnh Lộc là 2.520.000 đồng. Theo tính toán, giá thành này sẽ giảm 20-30% khi triển khai đại trà và đây là giá thành khá cạnh tranh so với các công nghệ hiện hành.
Quy trình công nghệ chế tạo ống nhồi cát thân thiện môi trường. Các tác giả đã kết hợp giữa công nghệ xây dựng thủy lợi và công nghệ vật liệu mới để tạo sản phẩm dễ thi công, giá thành thấp hơn so với các phương pháp truyền thống, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực phía Nam. Nhóm tác giả cho biết, với các điều kiện hiện có, hoàn toàn có thể chủ động triển khai công nghệ này vào thực tế ở quy mô lớn. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như đáp ứng nhu cầu bức bách hiện nay của thành phố về xây dựng hệ thống đê bao đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Hiện nay, các robot SCARA được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như lắp ráp máy móc, sản xuất nhựa, cơ khí, luyện kim...Tuy nhiên, các thiết bị thực hành về robot, tay máy ở các phòng thí nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng còn rất ít, ngay cả với các trường đại học hàng đầu. Khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí. Vì vậy, sản phẩm tay máy SCARA 3 và 4 bậc tự do của dự án này được thiết kế chế tạo dựa trên các yêu cầu có giá thành thấp, trước mắt đáp ứng thực hành về kỹ thuật điều khiển – tự động hóa, sau đó phát triển mô hình phục vụ đào tạo về robot.
Nhóm tác giả đã thiết kế chế tạo thành công 1 robot 3 bậc tự do và 1 robot 4 bậc tự do (SCARA-TP3 và SCARA-TP4) bao gồm các phần: đầu cơ khí SCARA thiết kế, chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam; thiết bị điều khiển, phần mềm điều khiển dùng vi điều khiển PIC; thiết bị phụ trợ (băng tải chứng minh, sensor định vị, webcam, bàn lắp ráp thí nghiệm); chương trình máy tính và phần mềm phục vụ đào tạo dùng C#. Robot 3 bậc tự do có thiết kế cơ khí dạng 2 khớp xoay, 1 khớp tịnh tiến; bán kính làm việc 400mm, trọng lượng chưa tới 20kg. Robot được thiết kế màn hình giao diện với 16 bài thực hành về điều khiển. Sản phẩm đã được ứng dụng thử nghiệm ở Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM và Trường Trung cấp Tây Sài Gòn. Kết quả bước đầu cho thấy, sản phẩm dễ sử dụng, linh hoạt và đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, thực hành của giáo viên, sinh viên.
Công ty AUTQ cho biết, với hồ sơ thiết kế của dự án có thể cho phép chế tạo hàng loạt trong nước. Giá thành của mỗi robot là 30-40 triệu đồng, bằng 60% giá thiết bị ngoại nhập. Hiện công ty đã sản xuất được 2 robot và đang tiếp nhận một số đặt hàng từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Dự kiến năm sau có thể sản xuất thêm mỗi loại từ 10 đến 20 robot SCARA. Theo tính toán của AUTQ, với việc sản xuất và cung cấp 30 robot cho các cơ sở đào tạo trong nước trong 2 năm, có thể tiết kiệm cho nhà nước tới vài tỷ đồng.
Đề tài được thực hiện nhằm thu thập dữ liệu có hệ thống về một số đặc trưng của cơ cấu (phân tầng) xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân TP.HCM hiện nay, qua đó mô tả và phân tích thực trạng cũng như mối liên quan của 3 lĩnh vực này; hình thành một hệ thống chỉ báo xã hội liên quan đến cơ cấu phân tầng xã hội, phúc lợi và lối sống, phục vụ công tác quản lý phát triển thành phố.
Đề tài tiến hành cuộc điều tra định lượng xã hội với bộ số liệu bao gồm hồ sơ của 1.080 hộ gia đình đang sinh sống tại 30 xã phường thị trấn thuộc 24 quận huyện của TP.HCM, được thu thập trong tháng 3-4/2010.
Kết quả phân tích cho thấy, TP.HCM là một thành phố về cơ bản là nơi sinh sống của người Việt nhưng cũng là một thành phố đa dân tộc. TP.HCM cũng là thành phố có tôn giáo tính cao và dân cư mang tính mộ đạo. TP.HCM là một xã hội trung lưu với đặc trưng nổi bật là kinh doanh tư nhân, dịch vụ, chuyên viên kỹ thuật. Người dân TP.HCM có điều kiện kinh tế và mức sống tương đối tốt. Trong 5-10 năm qua, các điều kiện sống được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, TP.HCM có nhiều biểu hiện của sự gắn kết bước đầu với nền kinh tế mới (máy tính, internet, truyền hình cáp). Mức độ hài lòng với công việc và đời sống gia đình chiếm tỷ lệ tương đối cao trong các hộ gia đình.
Cư dân TP.HCM có mức tiêu dùng văn hóa khá cao, tích cực tham gia sinh hoạt và đóng góp cho tổ dân phố, nhưng tham gia các hoạt động tình nguyện phi chính thức còn tương đối thấp. Đa số có đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển của đất nước và đời sống người dân nhưng cũng một số lượng không nhỏ người lo lắng về hàng loạt vấn đề xã hội và đạo đức đang có xu hướng ngày càng nổi cộm.
Sự khác biệt theo địa bàn và đặc biệt là giai tầng xuyên suốt mọi khía cạnh của đời sống. Sự khác biệt đáng kể thể hiện ở tài sản, thu nhập, học vấn, sự hài lòng với công việc và cuộc sống, tiêu dùng văn hóa... Trong khác biệt giai tầng, đáng chú ý nhất là khác biệt về tài sản và thu nhập. Mức bất bình đẳng thu nhập ở TP.HCM là rất cao, sự khác biệt trong việc hưởng thụ chiếc bánh thu nhập xã hội là quá lớn (nhóm 20% giàu chiếm 60%, trong khi nhóm 20% nghèo chỉ được hưởng 4,25% chiếc bánh thu nhập). TP.HCM trong 10 năm qua có khoảng 30% hộ gia đình có cuộc sống không biến động đáng kể, 55% thay đổi theo chiều hướng tích cực, 15% thay đổi theo chiều hướng đi xuống.
Nhóm tác giả đề suất TP.HCM cần có những nghiên cứu có tính hệ thống và chuyên nghiệp các đặc trưng của cơ cấu xã hội TP.HCM về học vấn, dân tộc, tôn giáo, giới, tính trung lưu...; xây dựng các chỉ số liên quan đến cơ cấu phân tầng xã hội, phúc lợi xã hội, văn hóa – lối sống, dư luận xã hội...; rà soát chính sách liên quan đến lát cắt nhóm xã hội – nghề nghiệp và giai tầng; giám sát chặt chẽ và điều chỉnh mạnh mẽ những chênh lệch về tài sản và thu nhập giữa các nhóm xã hội và giai tầng; chú trọng hơn đến việc vận dụng đặc trưng tính hiện đại và truyền thống trong văn hóa – lối sống của cư dân thành phố vào chính sách quản lý và phát triển.