Dính ruột rất thường gặp sau phẫu thuật bụng, có thể không gây triệu chứng gì hoặc gây đau bụng mạn tính, tắc ruột... Điều trị kinh điển tắc ruột do dính sau mổ (TRDDSM) là mổ mở sau khi điều trị bảo tồn không cải thiện hay có diễn tiến viêm phúc mạc hay hoại tử ruột. Ở nước ta, gỡ dính ruột qua nội soi để điều trị TRDDSM đã được áp dụng ở một số bệnh viện.
Đề tài thực hiện nhằm xác định tính khả thi, an toàn và hiệu quả của phẫu thuật nội soi trong điều trị TRDDSM.
Phẫu thuật nội soi ra đời đã làm thay đổi quan điểm điều trị nhiều bệnh ngoại khoa trong ổ bụng, ngay cả trong tắc ruột sau mổ. Với lợi thế xâm hại tối thiểu, ít có nguy cơ dính ruột về sau đã được chứng minh qua các công trình thực nghiệm, phẫu thuật nội soi được áp dụng vào điều trị TRDDSM với mong đợi sẽ làm cho thời gian hậu phẫu nhẹ nhàng hơn và giảm được nguy cơ tắc ruột do dính tái phát. Tuy vậy, phẫu thuật nội soi gỡ dính ruột luôn có những thách thức nhất định bởi nguy cơ bị thủng ruột ngay từ lúc vào trocar đầu tiên do ruột dính lên thành bụng trước; ruột trướng làm cho khoảng trống thao tác bị thu hẹp, khó nhìn rõ và dễ bị tổn thương ruột; ruột phù nề, không thể biết trước mức độ chặt, phức tạp của dính ruột, vì vậy, luôn có một tỷ lệ gỡ dính thất bại.
Trong thời gian nghiên cứu, nhóm tác giả đã thực hiện phẫu thuật nội soi để điều trị 81 bệnh nhân bị TRDDSM ở hai bệnh viện Nhân dân Gia Định và Đại học Y Dược TP. HCM. Tỷ lệ thành công là 88,9%, chuyển mổ mở 11,1%. Thời gian mổ trung bình ở nhóm gỡ dính nội soi hoàn toàn là 80 phút, ở nhóm gỡ dính nội soi hỗ trợ là 134 phút. Các bệnh nhân được mổ nội soi thành công thì hồi phục lưu thông ruột sớm, có thể ăn uống trở lại sớm, thời gian nằm viện sau mổ ngắn. Tử vong và biến chứng của phẫu thuật thấp. Biến chứng thường gặp là thủng ruột trong mổ (9,9%). Khi xảy ra, có thể xử trí bằng khâu lỗ thủng qua nội soi nhưng tốt hơn là nên chuyển mổ mở.
Kết quả nghiên cứu của đề tài bước đầu cho thấy, quy trình kỹ thuật gỡ dính ruột nội soi không cầu kỳ về trang thiết bị, không quá khó để thực hiện và mang lại kết quả chấp nhận được. Nhóm tác giả cũng gợi ý các tiêu chuẩn chọn bệnh và xây dựng quy trình kỹ thuật cơ bản để thực hiện gỡ dính ruột qua nội soi.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2010 cả nước cần 25 tỷ viên gạch, năm 2015 là 32 tỷ viên và năm 2020 là 40 tỷ viên. Để đáp ứng nhu cầu vào năm 2020, nếu sử dụng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 – 60 triệu m3 đất sét tương đương 2800-3000 ha đất nông nghiệp; tiêu tốn 5,3 - 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu không nung có ưu điểm lớn là hạn chế được các tác động bất lợi trên. Đồng thời, gạch không nung sử dụng các nguồn vật liệu sẵn có trong tự nhiên như đá, cát, vôi, thạch cao, xi măng, bột nhôm… nên việc khai thác sử dụng chúng không gây tác động đến môi trường; tận dụng được một phần đáng kể phế thải của các ngành nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng…thành vật liệu.
Việc làm chủ công nghệ và thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng không nung đã trở thành vấn đề thời sự trên thị trường ngành xây dựng trong nước những năm gần đây. Chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung thay thế hàng ngoại nhập là một hướng đi thiết thực, hiệu quả, nhiều tiềm năng.
Máy ép chính để sản xuất gạch block không nung.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, sản xuất, chế tạo của Công ty Phan Lâm Anh, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ và xây dựng bộ tài liệu thiết kế kỹ thuật và công nghệ chế tạo các thiết bị của dây chuyền sản xuất gạch block không nung. Các thiết bị trong dây chuyền sản xuất gồm phễu chứa và định lượng nguyên liệu, máy trộn nguyên liệu, hệ thống cấp phối liệu, khuôn định hình sản phẩm, máy ép rung tạo hình sản phẩm, tủ điều khiển trung tâm… Trong đó, máy ép rung tạo hình sản phẩm là thiết bị quan trọng nhất, hoạt động theo cơ chế ép kết hợp với rung tạo ra lực rung ép rất lớn để hình thành các viên gạch block đồng đều, đạt chất lượng cao và ổn định. Công nghệ ép rung hiện đại với tính năng ưu việt này tạo cho viên gạch có cường độ nén cao từ 100-300 kg/cm2, giúp nâng cao tính năng sử dụng.
Dự án đã sản xuất thử nghiệm 10.000 viên gạch và kiểm định đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6477:2011; cung cấp và chuyển giao công nghệ 10 dây chuyền sản xuất gạch không nung cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Quảng Nam, TP. HCM… Qua ứng dụng tại các doanh nghiệp cho thấy, quy trình sản xuất được tự động hóa, thiết bị trong dây chuyền sản xuất vận hành thao tác tiện lợi; thiết bị có độ bền cao, các hệ thống truyền động bằng thủy lực được làm kín trong môi trường khắc nghiệt nên ít bị hư hỏng. Với | Gạch block không nung. |
kết quả này, nhóm dự án đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu Trí tuệ và lập hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM.
Việc nghiên cứu và sản xuất ốc chân cung phục vụ trong điều trị chấn thương, cong vẹo cột sống đã được thực hiện từ lâu trên thế giới bởi các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Mỹ... Tuy nhiên, giá thành của các loại ốc này rất cao, chưa phù hợp với điều kiện của bệnh nhân ở trong nước. Nghiên cứu này tập trung vào việc tham khảo các mẫu ốc chân cung nhập khẩu của nước ngoài, tìm hiểu các tính năng cũng như ưu nhược điểm của từng loại ốc (đơn trục và đa trục), từ đó đưa ra các thiết kế ốc phù hợp với thể trạng người Việt Nam, hiệu chỉnh một số chi tiết để phù hợp với điều kiện chế tạo và vật liệu có được.
Nhóm nghiên cứu đã thiết kế, sản xuất thử thành công bước đầu ốc chân cung theo công nghệ trong nước được gọi tên VJ. Mẫu ốc được sản xuất từ hai nguyên liệu sắt y khoa 316L và titanium y khoa với sự phối hợp của Đại học Bách Khoa TP. HCM và Trung tâm NEPTECH (Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM); Công ty Pritic, JYS (Nhật Bản) hỗ trợ cung cấp vật liệu gia công cũng như đánh bóng ốc chân cung.
Sản phẩm VJ - ốc chân cung được thiết kế để dùng trong các phẫu thuật nắn chỉnh và cố định gãy xương sống lưng hay thắt lưng. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng thử nghiệm lâm sàng trên 16 trường hợp bệnh nhân bị gãy xương sống vùng ngực và thắt lưng nặng đã được phẫu thuật tại Khoa Cột sống A, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. HCM. Kết quả cho thấy, ốc chân cung được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam đáp ứng cả hai yêu cầu cơ học và sinh học. Sau thời gian theo dõi trung bình 8 tháng và lâu nhất 12 tháng, ốc không bị cong, sút, gãy hay long ra; thanh nối cũng không bị cong hay gãy. Có 15/16 ca không bị phản ứng kim loại; 1/16 ca có viền đen quanh thân ốc nhưng không ảnh hưởng đến cơ tính của ốc. Cấu hình ốc vững cho phép bệnh nhân ngồi lên trong vòng tuần đầu sau mổ không cần nẹp thân chứng tỏ ốc VJ có đủ các đặc tính cho phép ứng dụng lâm sàng thường quy. Giá thành không cao, một cấu hình 6 ốc và 2 thanh nối hoàn chỉnh cho một ca mổ khoảng 150-180 USD, trong khi nếu dùng các sản phẩm nước ngoài giá thành khoảng 1100-1700 USD.
Các kết quả bước đầu của đề tài cho thấy khả năng làm chủ công nghệ sản xuất ốc chân cung là sản phẩm kỹ thuật cao, mở ra hướng sản xuất các dụng cụ chấn thương và chỉnh hình ứng dụng trong nước. Qua đó cũng chứng minh, sự phối hợp giữa khoa học công nghệ và y khoa trong nước sẽ mở ra hướng đi tích cực trong việc sản xuất các chi tiết kết hợp xương với giá thành phù hợp trong ngành cột sống và chấn thương chỉnh hình, góp phần giúp bệnh nhân nghèo được chữa trị với các sản phẩm y khoa chất lượng cao.
BÍCH VÂN, STINFO số 11/2013