Ung thư vú là một trong những bệnh thường gặp nhất trong các bệnh ung thư ở phụ nữ và là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhân chết do ung thư. Hiện nay đã có nhiều phương pháp tin cậy, giúp phát hiện nhanh bệnh ung thư vú để chữa trị kịp thời.
Mỗi năm, toàn cầu có khoảng 14,1 triệu người mắc bệnh ung thư và 8,2 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ước tính có 12.000 ca mắc với hơn 4.000 người tử vong mỗi năm, chiếm 20% trong tổng số các loại bệnh ung thư. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm (giai đoạn 1), khả năng điều trị khỏi có thể đạt tới 80% - 90%; nếu phát hiện trễ, tỉ lệ điều trị khỏi rất thấp (dưới 20%).
Hiện nay có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán sớm ung thư vú như: chẩn đoán lâm sàng, chẩn đoán tế bào học, chẩn đoán x quang, chẩn đoán siêu âm, chẩn đoán bằng đồng vị phóng xạ, chẩn đoán chụp nhiệt,... Dưới đây là các phương pháp sử dụng máy móc và kỹ thuật cao để kiểm tra các dấu hiệu sớm nhất của ung thư vú, đã được sử dụng ở Việt Nam.
Siêu âm vú
Siêu âm vú (breast ultrasound) là phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để dựng nên hình ảnh. Sóng âm đi xuyên qua vú và dội lại (echo) từ các mô khác nhau, tạo nên hình ảnh cấu trúc bên trong vú. Cho đến nay, siêu âm là kỹ thuật khám tuyến vú an toàn, đơn giản, rẻ tiền, nhanh chóng, không gây độc hại, không xâm phạm và không đau vì thế có thể dùng siêu âm khảo sát ở mọi lứa tuổi. Siêu âm vú là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không thể thiếu trong quá trình khám và chẩn đoán bệnh tuyến vú; cho phép khảo sát và đánh giá phần nào bản chất của các khối u tuyến vú, cho phép đánh giá được khối u kích thước nhỏ không thể phát hiện khi khám vú bằng tay.
Ưu và nhược điểm của phương pháp siêu âm tuyến vú
Siêu âm vú không chứa tia phóng xạ nên được chỉ định cho những bệnh nhân nữ đang mang thai có những bất thường ở tuyến vú; là kỹ thuật bổ sung hữu ích cho chụp nhũ ảnh khi sàng lọc những phụ nữ có mô vú dày đặc (hạn chế của chụp nhũ ảnh); và cho biết khối u có phải là u nang mà không cần dùng kim để hút chất lỏng ra.
Tuy nhiên, siêu âm vú không được sử dụng để tầm soát ung thư vú thường xuyên vì nó không phát hiện các dấu hiệu sớm nhất của ung thư như khối vôi hóa rất nhỏ, không thể cảm nhận bằng tay, nhưng có thể được nhìn thấy khi X-quang vú. Mặt khác, siêu âm có nhược điểm là phụ thuộc vào khả năng của người đọc và không phát hiện những tổn thương rất sớm của ung thư vú dạng đốm vôi nhỏ.
Ở Việt Nam, siêu âm rất hữu ích trong chuẩn đoán sớm vì phần lớn phụ nữ thường đến khám bệnh khi đã sờ thấy bướu nên có thể khảo sát dễ dàng bằng siêu âm. Siêu âm vú được thực hiện để đánh giá những khối đặc ở vú trên những bệnh nhân nữ dưới 35 tuổi. Ở những bệnh nhân này chụp nhũ ảnh thường không cho thấy kết quả rõ ràng.
Chụp nhũ ảnh bằng X quang Chụp nhũ ảnh sử dụng hệ thống tia X liều thấp để kiểm tra vùng ngực, được thực hiện bởi máy chụp chuyên dụng tại phòng X-quang hoặc trên các phương tiện y tế lưu động; là biện pháp hữu hiệu để phát hiện sớm ung thư vú. Kết quả chụp X-quang tuyến vú là một phim X-quang vú (mammogram). Từ ảnh mammogram có thể chẩn đoán những tổn thương vùng ngực của phụ nữ. | | Nguồn: BS. Đào Anh Dũng - Khoa Ngoại Tổng quát-BV Đa khoa tỉnh Daklak |
Ưu và nhược điểm của chụp nhũ ảnh bằng X-quang
Kỹ thuật chụp vú nhìn thấy được khối u ung thư ở giai đoạn rất sớm với dấu hiệu vôi hóa rất nhỏ. Phương pháp này nhanh, chỉ trong vòng vài phút. Tuy nhiên, chụp nhũ ảnh không nhạy lắm, chỉ khoảng 71 – 96% kết quả là chính xác. Có trường hợp nhũ ảnh chỉ phát hiện được sau khi đã sờ thấy khối u, vì vậy nếu sờ thấy khối u thì nên báo ngay cho bác sĩ, kể cả khi có kết quả chụp nhũ ảnh bình thường.
Đối với phụ nữ châu Á, trong đó có Việt Nam, siêu âm vẫn là phương pháp chẩn đoán ung thư vú được lựa chọn trước tiên vì chính xác, không gây hại và rẻ tiền. Chỉ khi kết quả siêu âm cho thấy vú có vấn đề thì mới cần kiểm tra lại bằng nhũ ảnh.
Phần mềm máy tính phát hiện bệnh (CAD: computer-aided detection)
Từ việc chụp nhũ ảnh bằng phim, hiện nay, nhờ vào tiến bộ kỹ thuật, các bệnh viện bắt đầu số hóa các phim chụp nhũ ảnh. Hình ảnh thu được từ phim X-quang vú thông thường hoặc phim X-quang số. Phần mềm máy tính sẽ kiểm tra những vùng không bình thường về tỷ trọng, khối lượng, hoặc sự vôi hóa; những bất thường sẽ giúp phát hiện ung thư; những điểm sáng trên hình ảnh sẽ cảnh báo cho bác sĩ cần kiểm tra kỹ hơn. Hình ảnh X-quang hỗ trợ bác sĩ phát hiện những khối u nhỏ. Sử dụng phần mềm máy tính phân tích hình ảnh X-quang sẽ gia tăng khả năng phát hiện những vùng mô nhỏ không bình thường đang phát triển và chèn ép ống dẫn sữa bên trong tuyến vú.
Chụp cộng hưởng từ - MRI Chụp cộng hưởng từ hay còn gọi là chụp MRI (Magnetic Resonnace Imaging) là kỹ thuật hiện đại, áp dụng phổ biến trên thế giới và đã xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1996. Nguyên lý của phương pháp dựa vào từ trường khác nhau của các tế bào, từ đó phân biệt các tổn thương tùy theo mức độ cộng hưởng từ trường. Quy trình chụp cộng hưởng từ | | Nhũ ảnh: chỉ thấy một tổn thương ở vú phải. MRI tuyến vú: thấy thêm tổn thương ở vú trái. Phẩu thuật và giải phẩu bệnh có kết quả là ung thư vú hai bên. Nguồn: BS Lâm Xuân Nhã – Bệnh viện chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế |
Ưu và nhược điểm của MRI
MRI cho phép nghiên cứu các khối u về phương diện sinh học và hóa học, nhưng chi phí cao. Mặc dù MRI có độ nhạy trong việc phát hiện ung thư vú cao hơn so với chụp X-quang, nhưng đôi khi cũng bỏ sót một vài ung thư mà tia X-quang có thể tìm ra. Vì thế, chụp MRI vú chỉ được khuyến cáo thực hiện kết hợp với các xét nghiệm khác như chụp X-quang vú hoặc siêu âm vú.
Mặt khác, chụp MRI cũng yêu cầu một số điều kiện an toàn đặc biệt như từ trường cao của máy có thể gây hại đến các thiết bị cấy ghép bằng kim loại bên trong cơ thể. Nếu bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp tim, dùng van tim nhân tạo, dùng máy trợ thính, cấy ghép thiết bị điện tử, đinh nội tủy hay sử dụng kim loại kết hợp xương, vòng tránh thai, răng giả… thì có thể bị hỏng khi chụp MRI. Do vậy, các vật này cần phải lấy ra trước khi chụp MRI. Ngoài ra, thuốc tương phản từ có thể gây dị ứng cho một số bệnh nhân như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tê rần tay, chân và nổi mẩn ngứa.
Phương pháp chụp hình đồng vị phóng xạ ung thư vú (FDG-PET)
Phương pháp đồng vị phóng xạ nhân tạo để thực hiện chụp hình chẩn đoán chức năng của các cơ quan trong cơ thể như tuyến giáp, tim, xương, phổi, thận,… được gọi là xạ hình. Kỹ thuật này giúp khảo sát được chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, phát hiện sớm những thương tổn – điều mà các phương tiện chẩn đoán khác không làm được, ví dụ như khảo sát sự di căn của bệnh ung thư xương. Ưu và nhược điểm của phương pháp chụp hình đồng vị phóng xạ ung thư vú | | Bệnh nhân Nguyễn Th. M. T., nữ, 51 tuổi, chẩn đoán: Ung thư vú trái đã phẫu thuật. Bệnh nhân được chụp PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị hậu phẫu. Trên hình PET/CT mô phỏng thấy rõ hạch nách trái và hạch vú trong. Nguồn: Mai Trọng Khoa – Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – BV Bạch Mai. |
Phương pháp này dùng để xác định vị trí u ung thư trước khi giải phẫu, chụp hình tìm địa điểm di căn ung thư. Phương pháp đồng vị phóng xạ chụp hình vú bén nhạy hơn phương pháp chụp X-quang. Phương pháp này sử dụng bức xạ, nhưng liều lượng rất thấp và chu kỳ bán rã là sáu giờ, nên phương pháp này an toàn với bệnh nhân.
Ngoài các phương pháp trên, hiện còn có nhiều phương pháp khác được sự chấp thuận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) của Mỹ về độ tin cậy như chụp X-quang tuyến vú số (Digital Mammography), sử dụng ảnh nhiệt hồng ngoại để phát hiện sớm ung thư vú (Infrared Thermography), sử dụng điện trở kháng, phương pháp rửa ống tuyến (ductal lavage)…. Tuy nhiên, không có một kỹ thuật nào là hoàn hảo và có độ chính xác tuyệt đối. Vì vậy, việc lựa chọn kỹ thuật nào hay phối hợp giữa các kỹ thuật sao cho thu được kết quả tốt nhất là điều hết sức quan trọng, để có thể vừa giúp tăng tính hiệu quả trong quá trình thăm khám, vừa giảm sự tiêu tốn thời gian cũng như tiền bạc của bệnh nhân.
MINH THÔNG, STINFO số 3/2015
Tải bài này về tại đây.