Thông thường, các bác sĩ sử dụng mẫu máu để kiểm tra các dấu hiệu sinh học của bệnh như kháng thể báo hiệu nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn như SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19..., các cytokine biểu thị tình trạng viêm khớp, nhiễm trùng huyết.
Tuy nhiên, những dấu hiệu sinh học này không chỉ có trong máu, chúng cũng có thể được tìm thấy trong môi trường chất lỏng dày đặc bao quanh tế bào của chúng ta, nhưng với hàm lượng thấp nên khó phát hiện được.
Các kỹ sư tại Trường Kỹ thuật McKelvey thuộc Đại học Washington ở St. Louis đã phát triển một miếng dán microneedle có thể dán lên da để thu nhận dấu hiệu sinh học được quan tâm và nhờ độ nhạy chưa từng có của nó, cho phép các bác sĩ lâm sàng phát hiện sự hiện diện của virus.
Tìm dấu hiệu sinh học bằng các miếng dán microneedle tương tự như xét nghiệm máu. Thay vì lấy máu, những miếng dán này phát hiện các dấu hiệu sinh học từ chất lỏng bao quanh các tế bào trên da, được gọi là dịch kẽ da (ISF).
ISF, là dịch nằm ngoài tế bào và các mô, nằm trong khoảng kẽ giữa các tế bào, trong lớp biểu bì. Dịch kẽ lấp đầy không gian giữa các tế bào trong cơ thể và chứa phần lớn các chỉ dấu sinh học tương tự được tìm thấy trong máu. Sau khi thu nhận được các dấu hiệu sinh học này, các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ huỳnh quang để chỉ ra sự hiện diện và số lượng của chúng.
Nhóm nghiên cứu, có một loại vũ khí bí mật được sử dụng là công nghệ huỳnh quang, một nhãn nano huỳnh quang siêu bền. So với các nhãn huỳnh quang truyền thống, các dấu hiệu sinh học cho tín hiệu sáng hơn 1.400 lần và có thể phát hiện được ngay cả khi chúng xuất hiện ở nồng độ thấp.
Công nghệ này có chi phí thấp, dễ dàng sử dụng cho bác sĩ lâm sàng hoặc chính bệnh nhân và có thể không cần đến bệnh viện để lấy máu.
“Ngoài chi phí thấp và dễ sử dụng, miếng dán microneedle có ưu điểm là miếng dán đi sâu khoảng 400 micromet vào mô da, thậm chí không chạm vào dây thần kinh cảm giác hoàn toàn không gây đau đớn”, nhà nghiên cứu Singamaneni cho biết.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí nghiên cứu khoa học Nature Biomedical Engineering.
Anh Phương (CESTI) – Theo ScienceDaily