Kết quả khá bất ngờ, khi các ổ dịch bị phát hiện thuộc nhóm “trong nhà” chiếm tỉ lệ khá lớn (15%). Nguyên nhân, một phần do virus tấn công vào mùa đông, khi người ta dành phần lớn thời gian trong nhà, một phần do ở ngoài trời, không khí trong lành sẽ làm loãng virus do người nhiễm bệnh thở ra và chúng bị tia cực tím tiêu diệt. Trong đó, thời gian truyền nhiễm cao nhất là trong giờ ăn. Vấn đề không phải là lây lan do thức ăn, mà tác nhân chính là các giọt hô hấp phát tán khi ngồi gần và nói chuyện.
Tại các ổ dịch khác, việc lây nhiễm cũng do mọi người sống hoặc làm việc tại các khu vực gần sát nhau, trong thời gian dài.
Bộ dữ liệu của các nhà nghiên cứu cũng cho thấy, tính chất của một hoạt động có thể là tác nhân gây rủi ro hơn một hoạt động khác. Ví dụ, các môn thể thao cường độ cao, khiến người tập phải hít thở nhiều trong một không gian hạn chế, có nhiều rủi ro hơn các hoạt động có cường độ thấp, như yoga, có khá ít rủi ro.
Việc thông gió kém cũng có thể là tác nhân. Điều này minh chứng ở trường hợp một nhà hàng không có cửa sổ. Nguồn không khí bên ngoài duy nhất được cấp từ một quạt hút gió lắp trong phòng tắm, máy điều hòa không khí chỉ tuần hoàn không khí trong nhà. Khi có thực khách bị bệnh vào ăn, các giọt hô hấp sẽ tuần hoàn trong không gian khép kín và ngày càng trở nên đậm đặc hơn.
Do tính chất đặc thù của công việc, các nhân viên ngồi cạnh nhau, trao đổi qua điện thoại trong thời gian dài (ví dụ như các trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại) cũng sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn là việc cùng chạm vào chung một nút bấm trong thang máy.
Từ các dữ liệu nghiên cứu này, một số biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo thực hiện, ví dụ như các nhà hàng và công sở nên lắp các tấm chắn mica giữa các bàn (ăn/làm việc); cải thiện hệ thống thông gió (mở cửa sổ, bật quạt hút và sử dụng bộ lọc HEPA); phục vụ khách hàng bên ngoài nơi làm việc,...
Tuấn Kiệt (CESTI) - Theo sciencenews.org