Xử lý hạt giống bằng súng điện tử
08/09/2016
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học thuộc Viện Fraunhof đã tiếp tục phát triển công nghệ của các nhà nghiên cứu Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây để diệt các loại vi sinh vật độc hại mà không cần dùng đến thuốc hóa học.
Thường vi sinh vật có mặt trong hạt giống và chúng thường bắt đầu gây hại khi được gieo trồng. Để loại trừ hiện tượng này, nông dân thường dùng thuốc để xử lý hạt giống và diệt vi sinh vật gây hại, tuy biện pháp này hiệu quả nhưng những loại hóa chất bám trên vỏ và bề mặt hạt giống này thường gây hại đến môi trường khi được vùi vào đất.
Các nhà nghiên cứu về tia điện tử và công nghệ plasma (FEP) của Viện Fraunhofer đã chứng minh người ta vẫn có thể bảo vệ hạt giống mà không phải dùng đến hóa chất độc hại khi phát triển một phát minh của nhà vật lý ứng dụng Manfred von Ardenne của Cộng hòa Dân chủ Đức, người nắm giữ 600 bằng sáng chế trong các lĩnh vực kính hiển vi điện tử, công nghệ y tế, công nghệ hạt nhân, vật lý plasma, công nghệ truyền hình-radio và tự lập một phòng thí nghiệm về vật lý điện tử (Forschungslaboratorium für Elektronenphysik).
Trong quá trình nghiên cứu, ông đã sáng chế ra súng điện cực, loại súng này có thể diệt sạch vi sinh vật trên vỏ hạt giống, đem lại gợi ý cho các nhà nghiên cứu về FEP tiếp tục phát triển kỹ thuật này và làm ra một thiết bị xử lý hạt giống có thể xử lý 15 tấn hạt trong một giờ. Do thiết bị nguyên bản lớn nên các kỹ sư phải nghiên cứu để lắp đặt loại thiết bị nhỏ hơn để phục vụ các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, mục tiêu là loại súng điện cực mới có công suất thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế. Để làm được điều đó phải hạ giá thành các bộ phận của thiết bị. Hơn nữa bên cạnh khả năng xử lý hạt ngũ cốc, thiết bị này cũng xử lý được các loại hạt rau, hoa có kích thước nhỏ hơn nhiều so với hạt lúa mì hay đại mạch.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã phát triển một nguồn điện mới có khả năng làm giảm nhiệt tiêu thụ, qua đó tiết kiệm điện năng. Về nguyên tắc, thiết bị này hoạt động như một bóng hình ở tivi loại cũ. Từ đầu nóng của miếng kim loại gắn ở các điện cực, điện được hình thành và gia tốc trong một trường điện từ rồi bay thẳng và xuyên qua các hạt giống được đưa quay vòng liên tục. Năng lượng từ nguồn điện này tác động vào vi sinh vật và tiêu diệt chúng. Phương pháp này không để lại lượng tàn dư hóa chất như phương pháp dùng hóa chất.
"Việc xử lý hạt giống bằng điện góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp", ông Andreas Prelwitz, giám đốc điều hành hãng Nordkorn, bình luận. Tuy nhiên hạn chế của phương pháp điện từ là không diệt trừ được những vật gây hại tồn tại trong đất.
Thiết bị đầu tiên, có thể để trên xe bán tải để có thể vận hành di động, dự kiến sẽ xuất xưởng vào năm 2017 và được bán trên thị trường Đức cũng như xuất khẩu.
Nguồn: http://tiasang.com.vn