Trung Quốc là trung tâm thế giới trong bản đồ cổ
15/01/2010
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Một tấm bản đồ thế giới có tuổi đời hơn 400 năm, với Trung Quốc ở vị trí trung tâm, vừa được trưng bày tại thư viện quốc hội Mỹ.
China Daily cho biết, Matteo Ricci - một nhà truyền giáo người Italy - vẽ tấm bản đồ vào năm 1602 theo yêu cầu của vua Minh Thần Tông. Nó là một trong hai bản sao còn được giữ ở trạng thái tốt. Một người sưu tầm tại Nhật Bản đã giữ nó trong nhiều năm trước khi bán cho Quỹ James Ford Bell vào tháng 10 năm ngoái với giá 1 triệu USD. Với mức giá đó, nó trở thành tấm bản đồ đắt giá thứ hai từng được bán. Do đây là một trong những bản đồ quý và dễ hư hại nên nó đã được in lên 6 tờ giấy gạo cỡ lớn.
Khu vực Bắc Mỹ trên tấm bản đồ của nhà truyền giáo Ricci.
Theo AP, tấm bản đồ có kích thước 3,65 m x 1,52 m. Nó biểu thị nhiều khu vực trên thế giới bằng hình vẽ và lời chú giải. Ricci đề tên nhiều nước tại châu Mỹ, như Chih-Li (Chile), Wa-ti-ma-la (Guatemala) và Ka-na-ta (Canada). Bang Florida của Mỹ được mô tả là "vùng đất của các bông hoa". Châu Phi được chú thích là "nơi có dãy núi cao nhất và dòng sông dài nhất thế giới".
Ford W. Bell - một trong những người quản lý Quỹ James Ford Bell - nói với tờ Pittsburgh Tribune-Review rằng bản đồ được trưng bày trong thư viện quốc hội Mỹ là một trong số hai bản đồ cổ có chất lượng tốt nhất.
Bản đồ được in lên 6 tờ giấy gạo cỡ lớn.
"Ricci là một nhà truyền giáo cực kỳ thông thái. Ông đặt Trung Quốc vào trung tâm của thế giới mới để ghi nhận sự quan trọng của đất nước này. Tất nhiên, Ricci là người phương Tây đầu tiên tới Bắc Kinh. Người Trung Quốc kính trọng Ricci và ông được chôn tại Trung Quốc", Bell nói.
Không có bất kỳ phiên bản nào của tấm bản đồ Ricci được tìm thấy tại Trung Quốc. AP cho biết, chỉ có vài bản sao chép được lưu giữ trong các thư viện Tòa thánh Vatican và các nhà sưu tầm ở Pháp, Nhật Bản.
QT (theo VnExpress)