Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu lớn nhất và quan trọng nhất trong lịch sử đã khai mạc ngày 7/12 tại Copenhagen, Đan Mạch. Những nhà tổ chức đã gửi thông điệp đến các nhà ngoại giao từ 192 quốc gia rằng, đây có thể là cơ hội tốt nhất cuối cùng để đi đến một Hiệp định để bảo vệ thế giới khỏi những thiệt hại do sự ấm lên toàn cầu.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 tuần, trong một tâm trạng lạc quan sau nhiều những hứa hẹn của những nước giàu và các nền kinh tế mới nổi về việc hạn chế các khí nhà kính, là vấn đề đã nêu lên trong nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết.
Connie Hedegaard, Bộ trưởng Bộ Môi trường Đan Mạch, Chủ tịch Hội nghị đã có bài phát biểu quan trọng về những cam kết tăng cường và hỗ trợ tài chính cho những nước nghèo trong những năm tới nhằm giúp họ chống lại những tác động về biến đổi khí hậu. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ hội mà nếu bỏ lỡ sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể tạo ra một cơ hội tương tự.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen phát biểu trong Hội nghị
Thủ tướng Đan Mạch cho biết sẽ có 110 nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ tham dự vào những ngày cuối cùng của Hội nghị và sự có mặt của Tổng thống Barack Obama được coi như một tín hiệu lạc quan rằng, một thỏa thuận chung đang đến gần hơn.
Hội nghị khai mạc với những đoạn clip của trẻ em từ khắp thế giới mong muốn sẽ được lớn lên trong một thế giới không có thảm họa nóng lên của Trái đất. Bên lề hội nghị, những nhà hoạt động môi trường cố gắng lôi cuốn sự chú ý của mọi người đến những chiến dịch của họ nhằm giảm nạn chặt phá rừng, phát triển năng lượng sạch và hạn chế khí thải cacbon .
Shinaz Mohamad đang ngâm mình trong bể nước
với lời kêu gọi: "Hành động ngay bây giờ để bảo vệ sự sống!"
Shinaz Mohamad, một nhà hoạt động từ Maldives, ngâm mình vào trong một bể nước gần 200 gallon (750 lít) nước để minh họa về sự dâng lên của mực nước biển đang đe dọa quốc đảo của ông. Shinaz nói, trong khi nước đang dâng lên đến ngực: "Tôi muốn cảnh báo mọi người rằng điều đó (nước biển dâng cao) đã xảy ra. Chúng ta phải tìm cách chấm dứt sự ấm lên toàn cầu".
Một trong những điều Hội nghị hướng tới là bản Tuyên bố chung kêu gọi thế giới hạn chế tối đa nhiên liệu hóa thạch và các ngành tạo ra những chất gây ô nhiễm khác, thay thế bằng những nguồn năng lượng xanh hơn và chuyển hàng trăm tỉ đôla từ những nước giàu tới những nước nghèo mỗi năm để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nếu không có những cam kết như vậy, Trái đất sẽ phải đối mặt với hậu quả của sự tăng lên của nhiệt độ, dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật, ngập lụt ở những thành phố ven biển, thời tiết khắc nghiệt hơn, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và sự lây lan của dịch bệnh mạnh mẽ hơn.
Cả thế giới cần hành động sớm để chống sự ấm lên toàn cầu, Rajendra Pachauri, người đứng đầu Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu cho biết những người hoài nghi sự ấm lên toàn cầu đã và đang thông đồng để che giấu những bằng chứng không thích hợp với lý thuyết của họ, và đánh cắp những tài liệu chứng minh hiện tượng này là cơ sở dữ liệu của các trường Đại học.
Lượng khí thải cần được cắt giảm nhiều hơn nữa
Cuộc đàm phán đã kéo dài trong hai năm mà chưa thu được kết quả gần đây đã xuất hiện những tím hiệu đáng mừng mang tính đột phá với các cam kết mới từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ về việc khống chế lượng phát thải khí nhà kính.
Tuần đầu tiên của hội nghị sẽ tập trung vào việc soạn thảo lại các văn bản phức tạp, và sẽ được thảo luận và thông qua trong tuần sau với sự tham gia của những Bộ trưởng môi trường và các nguyên thủ quốc gia trong những ngày cuối cùng của Hội nghị.
Yvo de Boer, chuyên viên cao cấp về Môi trường LHQ phát biểu: “Copenhagen sẽ chỉ thành công nếu nó mang thông điệp có ý nghĩa và chúng ta phải hành động ngay lập tức”.
Giữa những quyết định đó là một nguồn tài chính được đề xuất là 10 tỉ đôla/ năm trong ba năm tới nhằm giúp những nước nghèo thực hiện những chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau đó, hàng trăm tỉ đôla sẽ được cung cấp mỗi năm nhằm giúp thế giới tìm ra những nguồn năng lượng mới và thích nghi với khí hậu mới.
Thủ tướng Đan Mạch, Lars Loekke Rasmussen nói: "Các thỏa thuận mà chúng tôi chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo ký kết sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội. Trách nhiệm cuối cùng thuộc về các công dân của thế giới, những người sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu chúng ta không hành động".
Một chương trình môi trường của LHQ vào ngày Chủ nhật
dành cho cam kết của các nước công nghiệp và các quốc gia đang phát triển cố gắng giảm phát thải khí nhà kính, nhằm duy trì nhiệt độ trung bình tăng dưới 2 độ C (3,6 độ F).
QT (theo AP)