Tạo “Mặt trời" bằng tia laze cho năng lượng sạch
17/03/2009
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu sử dụng các hệ thống laze mạnh để mô phỏng phản ứng xảy ra trong nhân mặt trời, qua đó tạo ra một "mặt trời nhỏ" để thu được một nguồn năng lượng sạch rất lớn.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu nổ nhiệt hạch (NIF) ở bang Califonia, Mỹ dự định trong vòng hai tuần tới sử dụng 192 chùm tia laze với tổng công suất lên tới 500 nghìn tỷ watt, chiếu tập trung vào một hộp hình cầu nhỏ chứa hydro nhằm tạo ra phản ứng tổng hợp nhiệt hạch, tương tự như phản ứng xảy ra trong lòng mặt trời.
Các nhà khoa học hy vọng sẽ hoàn thiện thí nghiệm này vào năm 2010 và tạo ra được phản ứng nhiệt hạch để sản xuất nguồn năng lượng to lớn.
Các nhà khoa học cho biết phản ứng nhiệt hạch là sự kết hợp giữa các hạt nhân có khối lượng nhỏ tạo thành hạt nhân có khối lượng lớn hơn. Phản ứng này chỉ xảy ra trong các điều kiện nhiệt độ và áp suất cực lớn, và giải phóng nguồn năng lượng lớn gấp nhiều lần phản ứng phân rã hạt nhân trong các vụ nổ nguyên tử.
Theo Giám đốc Viện nghiên cứu nổ nhiệt hạch Ed Moses, nếu thí nghiệm trên thành công, loài người sẽ có cơ hội sử dụng nguồn năng lượng tốt nhất, an toàn, vô tận và hoàn toàn sạch (không thải ra khí chứa cacbon). Giấc mơ trong 50 năm qua của con người về việc tạo ra phản ứng nhiệt hạch trên trái đất để phục vụ mục đích hòa bình sắp trở thành hiện thực./.
BH (theo Hà Nội mới)