Nọc độc nhện có thể trở thành cứu tinh của loài ong
09/06/2014
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B số ra ngày 4/6, nọc độc từ một trong những loài nhện độc nhất thế giới có thể trở thành thuốc trừ sâu sinh học giết sâu bọ gây hại, nhưng không ảnh hưởng tới ong - một trong những "chuyên gia" thụ phấn cho cây trồng.
Loài ong là chuyên gia thụ phấn cho cây trồng. (Nguồn: wikipedia.org)
Lâu nay, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân khiến số lượng ong, bao gồm cả ong hoang dã và ong nuôi, giảm ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, theo đó "thủ phạm" có thể là thuốc trừ sâu công nghiệp.
Năm 2013, Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh cấm tạm thời một số loại thuốc trừ sâu sau khi các nhà khoa học cho hay các hóa chất được sử dụng để bảo vệ mùa màng hay tổ ong có thể xâm nhập vào não bộ của ong mật, tác động tới khả năng ghi nhớ và những kỹ năng định vị cần thiết để tìm kiếm thức ăn của ong.
Nhóm nghiên cứu, do Đại học Newcastle (Anh) đứng đầu, đã tìm ra một loại thuốc trừ sâu sinh học an toàn đối với ong, được chế tạo từ nọc độc của nhện mạng phễu Australia kết hợp với protein từ cây giọt tuyết.
Khi cho thử với liều cấp và lặp đi lặp lại, tức là cao hơn mức ong phải chịu trong các cánh đồng phun thuốc trừ sâu công nghiệp, loại thuốc trừ sâu sinh học từ nọc nhện kể trên chỉ ảnh hưởng không đáng kể tới sự tồn tại của ong cũng như khả năng ghi nhớ của loài thụ phấn này. Cả ong trưởng thành và ấu trùng ong đều không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhà khoa học Angharad Gatehouse, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định rằng điều mà các nhà khoa học cũng như người nông dân cần hiện nay là một chiến lược kiểm soát sâu bọ tổng hợp, mà loại thuốc trừ sâu sinh học nói trên chỉ là một phần trong đó.
Thuốc trừ sâu sinh học được cho là hầu như không gây hại cho con người, mặc dù có lượng độc tố cao đối với một số loài sâu bọ chủ yếu.
Ong "đảm đương" tới 80% hoạt động thụ phấn cho các loại cây thụ phấn nhờ côn trùng. Nếu không có loài ong, nhiều vụ mùa sẽ không thể ra quả, hoặc con người phải thụ phấn bằng tay.
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), các loài thụ phấn đóng góp ít nhất 70% vụ thu hoạch lương thực chính của con người. Giá trị kinh tế của các dịch vụ thụ phấn ước tính lên tới 153 tỷ euro (208 tỷ USD) vào năm 2005.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+