Kim cương mất ngôi 'vua' độ cứng
08/02/2010
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Trên bài viết đăng tải trên Tạp chí Khoa học về Trái đất và hành tinh, giáo sư Tristan Ferrroir, ĐH Lyon, Pháp, công bố, nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện loại vật chất mới còn cứng hơn cả kim cương. “Phát hiện mới có thể mở ra hướng nghiên cứu mới về các dạng thù hình của các bon”, giáo sư Ferrroir tuyên bố.
Việc phát hiện diễn ra tình cờ khi nhóm của giáo sư Ferrroir tìm hiểu thành phần khoáng vật thu được từ phần còn lại của thiên thạch Havero, rơi xuống Phần Lan vào năm 1971. Khi mài khoáng vật, lưỡi dao làm bằng kim cương bị mòn dần và bụi kim cương rơi xuống túi của người đứng máy.
Điều này đã thực sự gây sửng sốt, vì kim cương vẫn được coi là “vua độ cứng”, được dùng để “điều trị” bất kỳ vật chất nào tồn tại trên trái đất.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về kim cương Changfeng Chen, làm việc tại ĐH Nevada, Mỹ, phát hiện mới đã được dự báo từ cách đây 10 năm, khi các nhà khoa học tìm cách chế tạo kim cương nhân tạo.
Theo Changfeng Chen, sự thay đổi nhiệt độ và áp suất liên tục khi Havero di chuyển trong bầu khí quyển của trái đất đã tạo điều kiện cho phân tử của khoáng vật sắp xếp và tổ chức cấu trúc để đạt độ cứng như bây giờ.
Việc xác định độ cứng của khoáng vật mới đang gặp khó khăn vì số lượng mẫu có hạn, không đủ cho các nhà khoa học làm thí nghiệm. Họ đang quan sát cách sắp xếp phân tử khoáng vật, nhằm xác định một dạng thù hình mới của các bon.
QT (theo Discovery)