SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát hiện "hành tinh cô đơn" trong vũ trụ

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một hành tinh cô đơn trong vũ trụ, cách trái đất 80 năm ánh sáng, trôi nổi trong không gian mà không có ngôi sao chủ nào sưởi ấm cho nó.

Theo hãng tin NBC, các chuyên gia Viện Thiên văn thuộc ĐH Hawaii khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy một thiên thể trôi tự do trong không gian như vậy. Nó có mọi đặc điểm của một hành tinh trẻ xoay quanh một ngôi sao trẻ, nhưng lại trôi một mình”.
 
Trong quá khứ, các nhà thiên văn học xác định những hành tinh cô đơn như vậy có thể tồn tại, nhưng giờ họ mới phát hiện ra bằng chứng đầu tiên. Hành tinh có tên PSO J318.5-22 lớn gấp sáu lần sao Mộc.


Hình vẽ minh họa hành tinh cô đơn PSO J318.5-22 - Ảnh: NBC

Một số nhà thiên văn học tranh luận rằng định nghĩa của “hành tinh” là các thiên thể hình thành xung quanh các ngôi sao. Do đó, cần phải gọi PSO J318.5-22 là “thiên thể có khối lượng tương tự hành tinh” (planemos) chứ không phải là hành tinh.
 
Nhóm chuyên gia Viện Thiên văn cho rằng có thể PSO J318.5-22 được hình thành xung quanh một trong nhóm sao trẻ Beta Pictoris, xuất hiện 12 triệu năm trước đây. Nhiễu động trọng lực có thể đã đẩy PSO J318.5-22 ra khỏi quỹ đạo sao chủ của nó ngay sau khi nó ra đời.
 
Các nhà khoa học cho biết thông thường rất khó quan sát các hành tinh vì chúng ở bên cạnh sao chủ quá sáng. “PSO J318.5-22 không xoay quanh ngôi sao nào, do đó rất dễ nghiên cứu. Nó sẽ giúp chúng tôi tìm hiểu các hành tinh khí lớn tương tự như sao Mộc” - chuyên gia Niall Deacon thuộc Viện Max Planck cho biết.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả