Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN)
Ở giai đoạn thử nghiệm hiện nay, phương pháp này được khẳng định là cho kết quả chính xác đến 90% liệu một người khỏe mạnh có thể mắc Alzheimer trong vòng 3 năm tới hay không.
Theo kết quả công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine số ra ngày 9/3 của Mỹ, xét nghiệm trên nhằm tìm kiếm 10 dấu hiệu của rối loạn mỡ máu, được cho là tác nhân nguy hiểm dẫn tới bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu có thể giúp người thân của các bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhận thức sớm đưa ra những quyết định tốt nhất về cách thức chăm sóc người bệnh, cũng như hỗ trợ tìm phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân suy giảm trí nhớ.
Giáo sư thần kinh học Howard Federoff và các đồng nghiệp tại
Đại học Georgetown của Mỹ đã thu thập mẫu máu của 525 người tình nguyện từ 70 tuổi trở lên. Ba năm sau đó, các chuyên gia xem xét nhóm 53 người tham gia có các triệu chứng sớm của Alzheimer hay bị suy giảm nhận thức nhẹ (aMCI).
Các nhà khoa học so sánh kết quả xét nghiệm máu của 53 người này với nhóm 53 người khỏe mạnh khác để tìm sự khác biệt. Kết quả cho thấy ở những người có biểu hiện sớm của bệnh Alzheimer có tới 10 lipo protein, là chất bã chuyển hóa của các màng tế bào não, dẫn tới bệnh Alzheimer.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học dựa vào xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ mắc bệnh quên ở người cao tuổi.
Theo giáo sư Federoff, phương pháp này có thể giúp các bác sỹ chẩn đoán sớm nguy cơ mắc bệnh ở những đối tượng nguy cơ cao để có hướng điều trị kịp thời, đồng thời giúp các hãng dược phẩm trong quá trình nghiên cứu, điều chế thuốc phòng ngừa.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần có thêm các nghiên cứu mới cụ thể và sâu hơn để khẳng định tính chính xác của phương pháp này.
Bệnh mất trí nhớ Alzheimer do các protein xấu hủy hoại tế bào não, gây chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 35 triệu người mắc căn bệnh này, dự đoán sẽ tăng tới 115 triệu bệnh nhân vào năm 2050.