Chiếc sọ 1,8 triệu năm tuổi được phát hiện tại Georgia có thể sẽ khiến các chuyên gia đánh giá lại toàn bộ quá trình tiến hóa của nhân loại.
Ngày 18.10, Bảo tàng quốc gia Georgia lần đầu tiên trưng bày chiếc sọ được đặt tên là Sọ 5, đồng thời công bố những phát hiện chấn động giới nhân chủng học và cổ sinh vật học. Khi được phát hiện hồi năm 2005 tại thị trấn Dmasini, cách thủ đô Tbilisi 100 km về phía tây nam, Sọ 5 cũng đã gây xôn xao vì đây là “chiếc sọ còn nguyên vẹn nhất của vượn người nguyên thủy từng được tìm thấy”, AFP dẫn lời Giám đốc Bảo tàng quốc gia Georgia David Lordkipanidze cho biết. Sau 8 năm miệt mài nghiên cứu, một đội chuyên gia quốc tế tuyên bố ý nghĩa và tác động của Sọ 5 còn lớn hơn nhiều và “có thể chúng ta phải viết lại toàn bộ lịch sử tiến hóa của loài người”.
Giám đốc Lordkipanidze khoe Sọ 5 với các phóng viên ngày 18.10 - Ảnh: AFP
Phần xương hàm của Sọ 5 đã được đội của ông Lordkipanidze phát hiện từ năm 2000 bên dưới một di tích pháo đài từ thời trung cổ ở Dmasini. Đến năm 2005, vị giám đốc này “mừng như điên” khi phần hàm và phần sọ ráp đúng lại với nhau, chứng tỏ chúng là của cùng một cá thể. Khi đó, các chuyên gia tạm xếp cá thể này vào một loài mới và đặt tên là Homo Georgicus. Theo chuyên san Science, đây là một cá thể đực trưởng thành, cao khoảng 1,5 m và có thể đã chết do đánh nhau với một con vật ăn thịt hung hãn nào đó, bằng chứng là phần xương hàm “bị tát rời ra”.
Sau khi so sánh Sọ 5 với một số mảnh xương sọ của những cá thể khác được tìm thấy gần đó, các chuyên gia phát hiện rằng tuy có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng tất cả đều thuộc một loài và rất gần với loài Homo Erectus (người đứng thẳng), vốn được xem là một tổ tiên trực hệ của loài người hiện đại (Homo Sapines). Từ đó, Lordkipanidze và các đồng nghiệp kết luận rằng cây gia phả của chi người (chi Homo) không có nhiều nhánh như từ trước nay vẫn tưởng. Sự tiến hóa không quá đa dạng và phức tạp khi những nhóm được cho là các loài khác nhau thật ra đều thuộc Homo Erectus với những đặc điểm khác nhau. Và vì thế những loài như Homo Rudofelsis, Homo Ergaster thậm chí cả Homo Habilis (người khéo léo, được cho là loài đầu tiên của chi người) đều sẽ bị xóa tên. “So sánh Sọ 5 cùng các mảnh xương ở Dmasini với những gì tìm thấy ở châu Phi, chúng tôi phát hiện nhiều điểm tương đồng. Sự khác nhau chỉ là giữa những cá thể và không đủ để phân thành loài riêng. Có thể đưa ra kết luận là tất cả đều thuộc Homo Erectus”, tờ The New York Times dẫn lời Giáo sư Christoph Zolikofer thuộc ĐH Zurich (Thụy Sĩ) cho biết. Giám đốc Lordkipanidze thì nói với các phóng viên trong buổi công bố hôm qua rằng: “Tôi với các anh có giống gì nhau đâu nhưng chúng ta đều thuộc một loài đấy thôi”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn kết luận rằng “cá thể Sọ 5 và những người bạn” có bộ não khá nhỏ, chỉ khoảng 1/3 so với loài người hiện đại nhưng các chi đã tiến hóa gần với con cháu hiện nay: chân dài hơn để đứng thẳng hơn và hông nhỏ hơn. Điều này chứng tỏ rằng trái với những kết luận bao lâu nay, tổ tiên của loài người không cần phải có não quá phát triển để có thể từ châu Phi di cư lên phương bắc rồi tỏa ra khắp thế giới.
Từ những dữ kiện trên, các chuyên gia của Bảo tàng quốc gia Georgia khẳng định Sọ 5 là một trong những phát hiện vĩ đại trong lịch sử ngành cổ sinh vật học và nhân chủng học. Họ cũng đổi tên từ Homo Georgicus thành Homo Erectus Ergaster Georgicus để cho thấy đây không phải là loài mới.
Sọ 5 hiện nay được cất giữ tại một phòng đặc biệt trong bảo tàng và trước mặt các phóng viên hôm qua, Giám đốc Lordkipanidze mang găng tay trắng “vuốt ve chiếc sọ một cách vô cùng nâng niu”, theo mô tả của AFP.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những kết luận trên. “Tôi nghĩ họ đã lầm. Sọ 5 rõ ràng thuộc một loài mới chưa hề được biết đến. Không hiểu sao họ lại không chấp nhận và còn “thô thiển hóa” quá trình tiến hóa”, AFP dẫn lời chuyên gia Bernard Wood của ĐH George Washington (Mỹ) nói. Giáo sư Lee Berger thuộc ĐH Witwatersrand (Nam Phi) cũng cho rằng còn thiếu nhiều bằng chứng để vội vàng đưa ra kết luận. “Cứ mỗi lần ai đó nói “Tôi tìm ra rồi” thì thường họ đều sai lầm”, ông Berger nói.
Nguồn: Thanh Niên