Ấn bản đầu tiên của tờ tạp chí khoa học đầu tiên của thế giới được xuất bản tại Anh đúng 350 năm trước đây. Dấu mốc này là một cơ hội để các nhà sử học và nhà khoa học suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành xuất bản khoa học.
Bìa của ấn bản đầu tiên
Kỷ yếu Triết học (Philosophical Transactions) 1 được xuất bản tại London bởi nhà triết học tự nhiên Henry Oldenburg, Thư ký của Hội Hoàng gia vào ngày 06/3/1665. Đây là ấn phẩm định kỳ đầu tiên dành cho khoa học thực nghiệm và khoa học quan sát (khoa học quan sát vào thời bấy giờ chỉ ngành triết học về tự nhiên hoặc triết học thực nghiệm), và cũng là ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Anh cổ nhất đến nay vẫn đang được xuất bản.
Tạp chí được hình thành, một phần để giúp Hội Hoàng gia thực hiện mục tiêu “đẩy mạnh kiến thức về tự nhiên”, giúp các nhà triết học tự nhiên có thể truyền đạt, trao đổi với nhau, và giúp cho các thông tín viên của Hội theo kịp những tin tức trong thế giới nghiên cứu thực nghiệm.
Kỷ yếu Triết học - ấn bản định kỳ vào thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng - đã ngay lập tức thành công bởi loại hình xuất bản này linh động, nhanh, rẻ và ít rủi ro cho các tác giả cộng tác hơn là cách họ tự xuất bản thời bấy giờ; đồng thời nó trở thành một hệ thống đăng ký - bằng chứng về ngày tháng một nhà khoa học đã công bố kết quả của mình trước các đối thủ nghiên cứu khác.
Vào năm 1866, ngay sau kỉ niệm 200 năm của tạp chí, nhà sinh vật học T.H. Huxley đã nhận định rằng, nếu tất cả các cuốn sách được in từ sau năm 1665 bị phá hủy trừ tờ Kỷ yếu Triết học thì những tiến bộ trí tuệ của loài người trong thời kỳ đó vẫn được ghi chép và lưu giữ “tử tế”, tuy không thể đầy đủ.
Sau này, khi tạp chí phát triển thêm quá trình bình duyệt thì tờ Kỷ yếu Triết học thực sự đã phát triển to lớn hơn ý tưởng ban đầu của Oldenburg nhiều. Nó trở nên được sùng bái như một thứ gì đó linh thiêng, như hiện thân của kiến thức loài người trong thời đại tiến bộ nhanh chóng, và là giám hộ cho tính trung thực khoa học. Nó cũng trở thành kiểu mẫu cho xuất bản học thuật ở tất cả các lĩnh vực khác nữa. Theo ước tính, ngày nay có khoảng 30.000 tờ tạp chí khoa học đang được xuất bản.
Vấn đề lòng tin
Nhưng quá trình phát triển của tờ tạp chí này không phải luôn thuận buồm xuôi gió ngay từ đầu. Những khó khăn thực tiễn gây ra bởi bệnh dịch, hỏa hoạn hay chiến tranh vào những năm 1660 thực ra lại không đáng kể bằng vấn đề lòng tin.
Một số đồng nghiệp của Oldenburg cho rằng ông đã quá tự do trong việc truyền bá những ý tưởng của người khác; họ không muốn những nghiên cứu của mình bị mang ra soi xét và đánh giá, hoặc không muốn công trình của mình được quảng bá theo những cách mà họ không kiểm soát được. Các biên tập viên về sau cũng bị buộc nhiều tội khác nhau như tham nhũng, thiên vị, thiếu trình độ v.v. Đến năm 1753, Hội Hoàng gia bị bắt buộc phải tiếp quản tờ Kỷ yếu để giữ gìn danh tiếng cho cả Hội và tạp chí.
Việc tiếp quản đã kéo theo sự hệ thống hóa dần dần việc xuất bản khoa học, thay quyền tự do hành động của những biên tập viên trước bằng một hội đồng biên tập tuân thủ theo quy tắc để tránh sự thiên vị và lộng quyền.
Vào đầu thế kỷ 19, các nhà cải tổ lại bắt đầu phản đối việc quá nhiều thành viên của Hội Hoàng gia chỉ là những kẻ không chuyên, giàu có, mà không có mối quan tâm hay bằng cấp khoa học thực chất nào, và yêu cầu phải xóa bỏ tầm ảnh hưởng của vị thế xã hội, nâng sự xuất sắc trong khoa học thành yếu tố đánh giá nghiên cứu. Kết quả là tạp chí bắt đầu đưa vào hệ thống bình duyệt - ngày nay đã trở thành một quy trình thiết yếu trong xuất bản khoa học hiện đại. Việc chuyển trách nhiệm đánh giá bài báo của Hội đồng sang cho các cá nhân có chuyên môn cũng đánh dấu sự trở lại của tiếng nói có trọng lượng của cá nhân các nhà biên tập.
Những tồn tại ngày nay và bài học từ lịch sử
Dịp kỉ niệm này là một thời khắc tốt để xem xét lại những phức tạp trong lịch sử phát triển của tờ tạp chí, hơn hết là bởi dòng tạp chí khoa học đang trải qua một giai đoạn thiếu chắc chắn căn bản. Việc các nghiên cứu khoa học nào được công bố hay không đã trở thành một chủ đề “nóng”. Mọi người cũng bắt đầu đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc những nghiên cứu được tài trợ công lại phải trả tiền mới có thể tiếp cận được, và các hội đồng cũng như các tổ chức nghiên cứu đang ngày càng cam kết hơn trong việc cung cấp nguồn truy cập mở cho những xuất bản nghiên cứu mà họ tài trợ.
Ngoài ra, còn có những lo ngại về các mối đe dọa đến quá trình bình duyệt, ví dụ như sự chọn lọc các kết quả nghiên cứu để xuất bản, hoặc những gian lận công khai, và cả lo ngại về giá trị của những dữ liệu làm cơ sở cho những kết quả được công bố. Bao trùm tất cả những vấn đề này là việc trong những năm gần đây, đa số các nhà xuất bản khoa học quốc tế cho thấy họ có lợi nhuận hoạt động khoảng 35% hoặc hơn, nhờ dựa một phần rất lớn vào công sức lao động tình nguyện không công của các tác giả, các nhà biên tập và nhà bình duyệt hàn lâm.
Đây không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. Ngành khoa học thời kỳ đầu ở Anh cũng dựa vào công sức lao động tình nguyện trong một thời gian dài đến mức có thể đã làm nản lòng những người tin tưởng rằng khoa học là một trong những chỉ số tiến bộ của loài người, trong đó có nhà sinh vật học Huxley - người từng than thở về việc thiếu những cơ hội nghề nghiệp trong ngành khoa học vào thế kỷ 19. Nhiều tạp chí khoa học đã bị chìm nghỉm do thiếu kinh phí và thiếu sự quan tâm; ngay cả Kỷ yếu Triết học cũng chịu thua lỗ trong suốt 270 năm liền, sau khi Oldenburg qua đời, và chỉ tồn tại được nhờ những khoản trợ cấp lớn từ những người sở hữu, nhà biên tập nối nghiệp ông và từ Hội Hoàng gia sau đó.
Tạp chí khoa học đầu tiên của thế giới đã được duy trì hơn ba thế kỷ như một cam kết cho sự tiến bộ của tri thức, ngay cả khi nó tiêu tốn tiền của và đe dọa khả năng tồn tại của Hội Hoàng gia. Một thách thức cho các tạp chí khoa học từ lâu vẫn là làm sao để cân bằng giữa sự thúc đẩy khoa học một cách không vụ lợi với yêu cầu phải trả công xứng đáng cho những người làm khoa học.
Nhận thức về sự thiếu minh bạch trong quá trình bình duyệt ngày nay, cộng với những lo ngại về việc ai sẽ được hưởng lợi từ mô hình thương mại hóa xuất bản khoa học hiện giờ, đã dẫn đến ngày càng tăng những đòi hỏi phải có truy cập mở và bình duyệt mở. Đây là những vấn đề hệ trọng có liên quan tới tính đáng tin cậy của kiến thức khoa học và tính công bằng nghề nghiệp giữa các nhà khoa học. Chúng ta rất có thể đang phải đối mặt với một điểm đứt gãy lớn trong lịch sử truyền thông khoa học.
Các bài học lịch sử về những điểm đứt gãy tương tự trong quá khứ đã cho chúng ta thấy những giải pháp luôn thay đổi, mỗi giải pháp mới đều đáp lại cái cũ, cuối cùng cũng là để phục vụ cho một nỗ lực luôn kiên định, đó là sự theo đuổi và phổ biến tri thức một cách không vụ lợi. Bất kể kết quả của những tranh luận hiện nay sẽ ra sao, chắc rằng tương lai của truyền thông khoa học sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sự không vụ lợi ấy, vào sự hào phóng thời gian, kiến thức và lời khuyên của các nhà khoa học.
Theo Tiasang