Nỗ lực phát triển công nghệ tái chế nước thải từ ngành công nghiệp dầu khí
07/05/2018
KH&CN nước ngoài
Phòng thí nghiệm Phân tích và Xử lý môi trường (CLEAR) tại Đại học Texas ở Arlington (UTA), Mỹ đã tăng cường hợp tác với nhà cung cấp thiết bị khai thác dầu khí Challenger Water Solutions (CWS) để phát triển công nghệ tái chế nước thải sản xuất dầu và khí đốt thành nước có thể sử dụng lại.
Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment về hệ thống xử lý nước đa chức năng được CWS thiết kế để tái sử dụng nước trong sản xuất, nhóm nghiên cứu của CLEAR đã chỉ ra các điều kiện, phương thức xử lý để loại bỏ chính xác các chất gây ô nhiễm, chất thải từ sản xuất dầu mỏ để tái chế và sử dụng chúng.
Kevin Schug, Phó trưởng Khoa Khoa học và là Giám đốc của CLEAR cho biết: “Việc khai thác hydrocarbon được mở rộng đáng kể, đặc biệt là ở miền tây Texas, và phụ thuộc vào nguồn nước ngọt để kích ứng các giếng sản xuất. Đây là tiềm năng lớn cho hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất. Tuy nhiên, việc tái chế và tái sử dụng rất khó đảm bảo cả về mặt hiệu quả và lợi ích kinh tế, do các yếu tố hóa lý rất phức tạp của các giải pháp xử lý chất thải. Qua quan hệ đối tác với CWS, chúng tôi đã có thể đánh giá các thành phần hữu cơ, vô cơ và sinh học quan trọng trong suốt quá trình hệ thống xử lý nước hoạt động, và chuyển đổi chất thải thành nguồn tài nguyên tái sử dụng trong ngành công nghiệp dầu khí".
TS. Zacariah Hildenbrand, người đồng sáng lập và là cộng tác viên khoa học của CLEAR cho biết:“Những nỗ lực không ngừng nghỉ của UTA bao gồm cả việc phát triển các biện pháp tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại trong nước vốn có khả năng kháng lại các biện pháp khử trùng truyền thống.” Thỏa thuận tài trợ nghiên cứu (lần thứ 2 trong năm) giữa CWS và CLEAR sẽ mở đường cho sự phát triển của công nghệ mới.
“Vi khuẩn khử sulfate và sắt-oxy hóa chỉ là hai trong những loại vi khuẩn gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu khí. Các vi khuẩn gây ô nhiễm có thể tạo ra màng sinh học và các tác nhân ăn mòn, ảnh hưởng đến sản xuất và cơ sở hạ tầng. Phương pháp không sử dụng hóa chất mà chúng tôi đang phát triển không chỉ đảm bảo rằng nước tái chế có thể sử dụng lại được, mà nó còn có thể tăng cường khả năng phục hồi dầu tại các giếng, nơi các sinh vật bám bề mặt đang là bài toán nan giải", Hildenbrand nói.