Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực
12/04/2018
KH&CN nước ngoài
Nghiên cứu mới cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra có thể làm tăng nguy cơ thiếu lương thực ở nhiều nước.
Nghiên cứu do Đại học Exeter tiến hành đã kiểm tra xem làm thế nào biến đổi khí hậu có thể gây tổn thương đến các quốc gia khác nhau bằng tình trạng mất an ninh lương thực - khi người ta không thể tiếp cận với nguồn lương thực bổ dưỡng và giá cả phải chăng.
Các nhà khoa học đã xem xét sự khác nhau giữa sự nóng lên toàn cầu ở mức nhiệt từ 1,5°C đến 2°C (so sánh với các mức trước công nghiệp hóa) và phát hiện ra rằng mặc dù cả 2 mức nhiệt đều gây tổn hại đến an ninh lương thực, nhưng nếu ởmức 2°C tác động sẽ tồi tệ hơn tại hầu hết các quốc gia .
Nghiên cứu xem xét 122 nước đang phát triển và kém phát triển ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Giáo sư Richard Betts, Chủ tịch Ủy ban Tác động Khí hậu của Đại học Exeter, cho biết: "Sự biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những trận mưa lớn và hạn hán kéo dài, với các ảnh hưởng khác nhau ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Thời tiết cực đoan có thể làm gia tăng tính tổn thương đối với tình trạng mất an ninh lương thực. Biến đổi thời tiết là không thể tránh khỏi, nhưng nếu sự nóng lên của toàn cầu được giới hạn ở 1,5°C, thì ảnh hưởng sẽ nhỏ hơn ở mức 2°C tác động đến khoảng 76% các nước đang phát triển."
Sự nóng lên toàn cầu sẽ làm khí hậu ẩm ướt hơn, gây ra lũ lụt đe dọa ngành sản xuất lương thực. Ngoài ra, nông nghiệp cũng có thể bị tổn hại do hạn hán thường xuyên và kéo dài ở một số khu vực.
Khí hậu ẩm ướt gây ảnh hưởng lớn nhất ở Nam Á và Đông Á, những dự báo cực đoan cho thấy lưu lượng nước sông Hằng có thể tăng gấp đôi nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C.
Khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán nặng nề nhất dự kiến sẽ là Nam Phi và Nam Mỹ - nơi mà lưu lượng dòng chảy sông Amazon dự kiến sẽ giảm tới 25%.