Kiểm soát dịch hại cây trồng do virus
17/11/2017
KH&CN nước ngoài
Các nhà nghiên cứu tại Học viện Động vật học Trung Quốc đã tìm ra cách thức virus gây bệnh sọc lá lúa (rice strip virus-RSV), vốn gây ra nhiều thiệt hại cho cây lúa, sinh sôi nảy nở trong rầy nâu. Kết quả này có thể giúp tạo ra các giải pháp kiểm soát sự lây lan của các loại virus gây hại cho lúa gạo, lúa mì, bông và các loại cây trồng khác trong tương lai.
Theo giáo sư Feng Cui, các virus thực vật đều phụ thuộc vào loại côn trùng mang chúng qua lại giữa các cá thể thực vật. Nhiều loài virus có thể sinh sản ngay bên trong tế bào của các loại côn trùng này mà không gây hại cho chúng. Vật chủ của RSV là rầy nâu.
Nhiễm virus ở vật chủ động vật sẽ kích hoạt enzyme c-Jun N-terminal kinase (JNK) phản ứng. Giáo sư Feng Cui và nhóm của cô đã khảo sát tác động của RSV đối với JNK trong rầy nâu. Nghiên cứu tương tác giữa các protein, sử dụng phương pháp phân tích để xác định các hợp chất quan trọng tác động đến JNK, họ phát hiện virus kích hoạt theo nhiều cách thức khác nhau, đặc biệt là qua sự tương tác của protein GPS2 (G protein pathway suppressor 2) và protein capsid.
Wei Wang, một thành viên nghiên cứu cho biết, sự tương tác giữa hai protein này thúc đẩy RSV sinh sôi bên trong rầy nâu, và kết quả là làm bùng phát dịch bệnh, khi côn trùng mang virus vào trong cây lúa. Việc nhiễm RSV đã làm gia tăng một loại protein khác gọi là TNF-α (Tumor Necrosis Factor-α) và làm giảm mức độ GPS2 trong vector côn trùng. Virus capsid chứa các vật liệu di truyền của RSV sẽ cạnh tranh với GPS2 cản trở các cơ chế kích hoạt JNK thúc đẩy quá trình sao chép nhân bản RSV trong vector. Trong khi đó, cơ chế ức chế JNK sẽ giúp giảm đáng kể tỉ lệ tạo ra virus và làm trì hoãn quá trình bùng phát dịch bệnh. Ức chế JNK có thể bằng cách giảm biểu hiện JNK, tăng cường tương tác GPS2 hoặc làm giảm tác động của TNF-a sẽ mang lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp.
“Quá trình ức chế này có thể thực hiện qua công tác nhân giống hoặc các biện pháp biến đổi di truyền. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng một số hóa chất thích hợp với cây lúa để giảm sự lây lan của RSV”, Wang kết luận.