Ô nhiễm môi trường, các vấn đề về sức khoẻ, khan hiếm nguyên vât liệu, nước, thực phẩm và năng lượng là những thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay. Trong khi đó, trên thế giới, các bãi chôn lấp vẫn là lựa chọn hàng đầu trong xử lý chất thải, mặc dù nó có tác động lâu dài đối với môi trường như tạo ra khí thải nhà kính và rất nhiều tạp chất gây ô nhiễm. Theo tiến sĩ nàgành Khoa học môi trường và Kỹ thuật hóa học Yahya Jani, nhiều chất thải nguy hại đổ tại các bãi rác có thể tái sử dụng làm năng lượng hoặc nguyên liệu có giá trị trong nhiều ngành công nghiệp.
Khai thác rác thải - Một lĩnh vực mới trong tương lai
Xem rác thải như một nguồn tiềm năng thay vì một vấn đề nhức nhối là chủ đề chính trong nghiên cứu của Yahya. theo đó, việc khai thác bãi chôn lấp rác được đề xuất như một lĩnh vực mới để đạt được mô hình kinh tế khép kín.
Jani giải thích: "Hơn 50% lượng rác thải đổ vào các bãi chôn lấp hoặc các bãi đổ rác có thể tái sử dụng để tạo ra năng lượng hoặc nguyên liệu thô. Các vật liệu này có thể sử dụng trong các ngành công nghiệp, thay vì bị lãng quên hoặc xem như thứ bỏ đi."
Nghiên cứu của ông cũng bao gồm việc khai thác kim loại từ các chất thải pha lê, thủy tinh và các loại rác khác nhau tại Småland (được xem như vương quốc sản xuất pha lê nghệ thuật tại Thụy Điển).
Khai thác 99% kim loại
"Tôi đã phát triển một phương pháp cho phép khai thác 99% kim loại từ chất thải thủy tinh bị bỏ đi tại nhà máy sản xuất của Pukeberg và công bố kết quả. Đây là công bố đầu tiên trên thế giới về tái tạo kim loại từ pha lê và thuỷ tinh", Jani nói.
Trong nghiên cứu của ông tại Glasriket, Jani sử dụng hóa chất để tái chế các vật liệu từ một hỗn hợp chất thải thủy tinh và phân chúng thành các phần nhỏ dưới 2mm. Công nghệ này bao gồm việc trộn các chất thải thủy tinh cũ với hóa chất làm giảm điểm nóng chảy nhằm chiết xuất kim loại.
"Các phương pháp tôi phát triển có thể sử dụng để chiết xuất kim loại từ tất cả các loại thủy tinh, ví dụ như thủy tinh trong các máy truyền hình cũ và máy tính. Phương pháp này cũng có thể ứng dụng tại các cơ sở công nghiệp tái chế thủy tinh, cho kim loại có độ tinh khiết cao. Nó góp phần khôi phục ngành công nghiệp thủy tinh của Småland bằng cách tạo ra nguồn cung nguyên liệu giá rẻ. Ngoài ra, việc khai thác nguyên liệu từ bãi chôn lấp cũ cũng giúp khử độc và làm giảm các tác động đến môi trường và đe dọa về sức khoẻ", Jani kết luận.
Theo Ủy ban châu Âu, vào năm 2017, 60% (tức 1.800 triệu tấn) chất thải sinh hoạt hàng năm của 500 triệu người dân châu Âu sẽ đổ vào các bãi chôn lấp. Trong luận án của mình, Jani cho thấy việc khai thác những vật liệu có giá trị từ rác thải sẽ góp phần giảm lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên trên trái đất, hạn chế phát thải khí nhà kính và rò rỉ chất độc gây ô nhiễm nguồn nước. Việc khử độc các bãi phế thải sẽ góp phần làm giảm đáng kể tác động lên sức khoẻ con người và môi trường.
Các kết quả từ luận án của Jani đã cho thấy cần phải xem rác thải như một nguồn tài nguyên thứ cấp. Bãi chôn lấp và bãi rác nên được xem như một nguồn tài nguyên trong tương lai, nơi mà con người có thể khai thác nguyên liệu, thay vì coi chúng như một gánh nặng cho sức khoẻ và môi trường.