Giảm lây nhiễm trong bệnh viện khi điều trị suy hô hấp cấp tính do 2019-nCoV
T.K
12/02/2020
KH&CN nước ngoài
Ba đại dịch cúm của thế kỷ 20, vào năm 1918, 1957 và 1968 đã gây ra hàng triệu ca tử vong, chủ yếu là do suy hô hấp cấp tính. Gần đây, sự bùng phát của hội chứng hô hấp cấp tính nặng do coronavirus, vào năm 2002 và hội chứng hô hấp Trung Đông do coronavirus, vào năm 2012, với việc có sự lây nhiễm từ người sang người và tỷ lệ mắc suy hô hấp cấp tính cao. Báo động ngày càng tăng đối với coronavirus (2019-nCoV) lan truyền từ Trung Quốc.
Trong điều trị, kỹ thuật thông khí không xâm nhập (noninvasive ventilation) là phương pháp rất hiệu quả và phổ biến cho bệnh nhân suy hô hấp cấp, từ nhẹ đến trung bình. Nó giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong so với cho thở tự nhiên hoặc thở máy bằng ống nội khí quản.
Các khoa cấp cứu và phòng hồi sức cấp cứu đang áp dụng kỹ thuật thông khí không xâm nhập ngày càng nhiều cho bệnh nhân để điều trị suy hô hấp cấp tính, chủ yếu dùng mặt nạ hoặc mũ bảo hiểm.
Do coronavirus có thể khuếch tán qua khí dung trong các quá trình điều trị như đặt nội khí quản hoặc nội soi phế quản, có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân và nhân viên y tế trong thời gian xảy ra dịch. Việc lây nhiễm cũng có thể phát sinh xung quanh mặt nạ, khi sử dụng giải pháp thông khí không xâm lấn, như một số mô phỏng đã cho thấy. Như vậy, hiệu quả và mức độ an toàn của kỹ thuật thông khí không xâm lấn khi áp dụng trong đại dịch còn có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, khi xảy ra đại dịch, số giường trang bị cho các đơn vị săn sóc đặc biệt (để thở máy thông qua đặt nội khí quản) có thể không đủ dùng cho bệnh nhân, trong khi kỹ thuật thông khí không xâm lấn cũng có thể tiến hành ở bên ngoài phòng hồi sức cấp cứu.
Để tăng độ an toàn cho quá trình thông khí không xâm lấn, có thể sử dụng mũ bảo vệ cho giải pháp thông khí không xâm lấn để tránh trường hợp khí dung bị phân tán vào không khí qua van lò xo, khi mũ được kết nối với máy thở. Như vậy, khi bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tính do nghi ngờ virus trong đại dịch, nên sử dụng mũ bảo vệ đầu, tránh sử dụng mặt nạ khi ứng dụng kỳ thuật thông khí không xâm lấn.
Tuy nhiên, vấn đề là mũ bảo vệ đầu có giá khá cao so với các loại mặt nạ. Các nhà sản xuất nên phát triển các sản phẩm hỗ trợ kỹ thuật thông khí không xâm lấn giá rẻ, an toàn để sử dụng khi có đại dịch.