Corona virus ở Trung Quốc có nguồn từ rắn
T.K
31/01/2020
KH&CN nước ngoài
Các bệnh lây nhiễm do virus mới, từ cúm gia cầm, Ebola đến nhiễm Zika đang gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Hiểu được nguồn gốc của chúng sẽ giúp các nhà nghiên cứu thiết lập các chiến lược phòng chống sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra nguồn gốc tiềm tàng của đợt viêm phổi cấp gần đây nhất ở Vũ Hán, Trung Quốc, được công bố trực tuyến trên Tạp chí Journal of Medical Virology.
Nghiên cứu cho thấy, các bệnh nhân bị nhiễm virus (được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên là 2019-nCoV) đã tiếp xúc với động vật hoang dã tại một chợ bán hải sản, gia súc gia cầm và cả rắn, dơi.
Phân tích chi tiết virus và so sánh nó với các thông tin di truyền đã có về các loại virus khác nhau, từ các vị trí địa lý và loài vật chủ khác nhau, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, 2019-nCoV có thể là loại virus hình thành từ sự kết hợp giữa coronavirus được tìm thấy trong dơi và một loại coronavirus chưa rõ nguồn gốc. Kết quả là đã tạo ra một tập hợp hoặc "tái tổ hợp" lại protein virus đã biết và liên kết với các thụ thể trên tế bào chủ. Sự "nhận diện" này là chìa khóa cho phép virus xâm nhập vào tế bào chủ, dẫn đến phơi nhiễm và gây bệnh.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy, 2019-nCoV có khả năng lưu trú ở rắn, trước khi truyền sang người. Sự tái tổ hợp trong protein liên kết với thụ thể của virus có thể đã cho phép truyền chéo giữa các loài, từ rắn sang người.
"Các kết quả từ phân tích tiến hóa của chúng tôi cho thấy, lần đầu tiên rắn đóng vai trò là vật chủ hoang dã có khả năng lan truyền virus 2019-nCoV cao nhất ", các tác giả viết. "Thông tin này rất có ý nghĩa trong việc kiểm soát hiệu quả các ổ dịch viêm phổi do 2019-nCoV gây ra."
Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù cần phát triển các loại vaccine và/hoặc thuốc chống virus hiệu quả, các loại thuốc chống virus đã được cấp phép hiện tại nên được thử nghiệm để chống virus 2019-nCoV.