Loại bỏ microcystin hiệu quả khỏi nước bằng trấu
T.K
15/09/2019
KH&CN nước ngoài
Trấu, một phụ phẩm nông nghiệp rất phong phú và rẻ tiền, đã được chứng minh có thể loại bỏ microcystin, một loại độc chất sinh ra bởi các loài tảo gây hại trong nước.
Các nhà khoa học tại Đại học Toledo đã phát hiện trấu có thể loại bỏ microcystin một cách hiệu quả khỏi nước, một phát hiện có ý rất lớn đối với các cộng đồng. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment.
"Cung cấp nước sạch là rất quan trọng. Tìm ra giải pháp khả thi về mặt kinh tế để cung cấp nước sạch cho người dân trên khắp thế giới là rất cần thiết. Nguyên liệu đơn giản này rất ấn tượng trong việc giải quyết vấn đề này", tiến sĩ Jon Kirchhoff, giáo sư xuất sắc, Trưởng khoa Hóa học và Hóa sinh, nói.
Nghiên cứu, được Kirchhoff và tiến sĩ Dragan Isailovic, trợ lý giáo sư hóa học tại trường Đại học Natural Sciences and Mathematics, dẫn dắt, đã sử dụng trấu hữu cơ xử lý bằng axit hydrochloric và được làm nóng đến 250oC. Sau đó, trấu được phân tán trong nhiều mẫu nước được thu thập từ hồ Erie (phát sinh vụ nở tảo gây hại năm 2017) để đo lượng độc tố mà chúng có thể hấp thụ.
Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng, trấu đã loại bỏ hơn 95% microcystin MC-LR, vốn rất phổ biến tại hồ Erie, với nồng độ lên tới 596 phần tỷ (ppb). Ngay cả ở nồng độ gần 3.000 ppb, hơn 70% MC-LR đã bị loại bỏ và các loại MC khác cũng bị loại bỏ. "Chúng tôi đã nghiên cứu khả năng loại bỏ microcystin có nguồn gốc từ các tế bào vi khuẩn lam khỏi các mẫu trong môi trường thực và vật liệu này đã hoạt động rất tốt", Isailovic nói.
Ngoài khả năng xử lý microcystin, trấu còn rất rẻ. Nung nóng trấu có chứa microcystin đến 560oC sẽ phá hủy các chất độc và tạo ra các hạt silica, có thể dùng cho các mục đích khác.
Các nhà nghiên cứu hy vọng khám phá này có thể giúp phát triển một phương pháp thân thiện với môi trường hơn để xử lý nước bị ô nhiễm do tảo nở hoa có hại, hoặc tạo ra hệ thống lọc rẻ tiền nhưng hiệu quả, cho các nước đang phát triển.