Mối liên quan giữa việc sử dụng thiết bị công nghệ ở người lớn và sự gia tăng các hành vi tiêu cực ở trẻ nhỏ
12/07/2018
KH&CN nước ngoài
Những phụ huynh dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại hoặc xem TV trong các hoạt động gia đình như bữa ăn, giờ chơi hoặc giờ đi ngủ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài giữa họ và con cái. Theo Brandon T. McDaniel (Đại học bang Illinois) và Jenny S. Radesky (Đại học Y khoa Michigan), "technoference" có thể khiến trẻ cảm thấy thất vọng, hiếu động thái quá hoặc có các hành vi tiêu cực như hờn dỗi hay giận dữ. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pediatric Research (xuất bản bởi Springer Nature) đã đánh giá vai trò và các tác động của thiết bị kỹ thuật số trong hoạt động nuôi dạy con cái và hành vi của trẻ nhỏ.
Technoference là sự gián đoạn trong các tương tác hàng ngày giữa người với người do các thiết bị công nghệ gây ra. Các nghiên cứu gần đây đã ước tính rằng các bậc cha mẹ thường sử dụng TV, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh trung bình 9 giờ mỗi ngày và điện thoại thông minh chiếm 1/3 khoảng thời gian này. Nguyên nhân là do tính di động và tiện lợi của điện thoại thông minh nên chúng thường được sử dụng trong các hoạt động gia đình như bữa ăn, giờ chơi, giờ đi ngủ và đó là những khoảng thời gian quan trọng, liên quan đến việc định hình cảm xúc xã hội của trẻ. Khi các bậc cha mẹ sử dụng các thiết bị điện tử, họ sẽ có ít sự tương tác với con cái và trở nên khó chịu hơn khi con trẻ cố gắng thu hút sự chú ý của họ.
Trong nghiên cứu này, 172 gia đình (tổng số 337 phụ huynh) có trẻ em từ 5 tuổi trở xuống đã trả lời một bảng hỏi trực tuyến như một phần của dự án nghiên cứu về việc nuôi con và các mối quan hệ trong gia đình (nghiên cứu được tiến hành vào giữa năm 2014 và 2016). Các phụ huynh tham gia đã cho biết một số thông tin như: tần suất các thiết bị công nghệ làm gián đoạn sự giao tiếp hoặc các hoạt động của họ với con cái mỗi ngày; đánh giá một số hành vi nội tâm của trẻ (mức độ thường xuyên giận dỗi hoặc dễ tổn thương) cũng như hành vi bên ngoài (cách trẻ tức giận hay dễ dàng thất vọng); mức độ căng thẳng và trầm cảm của cha mẹ, sự hỗ trợ trong việc nuôi dạy con cái đến từ phụ huynh còn lại và việc sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ.
Trong hầu hết các trường hợp, đều có sự tác động của một hay nhiều thiết bị công nghệ lên sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, ở một số giai đoạn trong ngày. Công nghệ có thể là giải pháp giúp cho cha mẹ tránh phải đối mặt với những hành vi khó chịu ở trẻ, nhưng giải pháp này cũng có những điểm hạn chế. Việc sử dụng thiết bị điện tử có thể làm cha mẹ đánh mất cơ hội để mang lại cho trẻ những hỗ trợ ý nghĩa về mặt tinh thần và những phản hồi tích cực, đồng thời cũng khiến con trẻ biểu hiện nhiều hành vi tiêu cực hơn (như trút giận hoặc hờn dỗi). Điều này chỉ làm gia tăng thêm áp lực lên các bậc cha mẹ, khiến cho họ sử dụng các thiết bị công nghệ ngày càng nhiều.
"Kết quả này cho thấy mối quan hệ tác động lẫn nhau lẫn nhau theo thời gian giữa cha mẹ thường xuyên sử dụng thiết bị công nghệ và hành vi bên ngoài của con trẻ. Nói cách khác, đứa trẻ có nhiều vấn đề về hành vi thì cha mẹ sẽ chịu nhiều áp lực hơn, khiến cho họ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, dẫn đến các hành vi tiêu cực ở trẻ càng trở nên trầm trọng." McDaniel nói.
Radesky cho biết: “Trẻ em có xu hướng bộc lộ nhiều hành vi tiêu cực hơn để đối phó với technoference thay vì chấp nhận điều đó”. Phát hiện này cho thấy, các hành vi xấu của trẻ thường gia tăng khi chúng nỗ lực để thu hút sự chú ý của cha mẹ đang sử dụng thiết bị di động.