Chưa đến 5% dân số của các nước đang phát triển tiêu thụ nhiều hơn 5g natri mỗi ngày. Một nghiên cứu ở quy mô lớn trên thế giới cho thấy, ngay cả với những người tiêu thụ nhiều hơn 5g natri/ngày, các nguy cơ về sức khỏe cũng có thể loại trừ, nếu chúng ta cải thiện chế độ ăn uống bằng cách thêm các thực phẩm giàu kali vào bữa ăn hằng ngày như trái cây, rau, thực phẩm từ sữa, khoai tây,...Đây là nghiên cứu được công bố vào ngày 9/8 trên tạp chí The Lancet, được các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Dân số (PHRI) thuộc Đại học McMaster và Hệ thống bệnh viện Hamilton Health Sciences, cùng với các nhà nghiên cứu khác đến từ 21 quốc gia trên thế giới thực hiện.
Nghiên cứu đã tiến hành với dữ liệu 94.000 người từ 18 quốc gia, với độ tuổi từ 35-70, thời gian theo dõi trung bình là 8 năm. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ chỉ xuất hiện khi lượng natri tiêu thụ trung bình của mỗi người lớn hơn 5g mỗi ngày.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong nghiên cứu có 80% người được theo dõi tiêu thụ hơn 5g natri/ngày. Ở các nước khác, phần lớn chỉ có mức tiêu thụ muối trung bình từ 3-5g mỗi ngày (tương đương 1,5-2,5 muỗng cà phê muối).
"Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêu thụ ít hơn 2g natri (một muỗng cà phê muối) mỗi ngày như là biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch, nhưng có rất ít bằng chứng chứng minh về việc sức khỏe sẽ được cải thiện khi tiêu thụ natri ở mức độ thấp." Andrew Mente, tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học tại PHRI cho biết.
Mente cho biết thêm, Hiệp hội Tim mạch Mỹ thậm chí còn khuyến cáo ở mức ít hơn tổ chức Y tế Thế giới, chỉ 1,5g natri/ngày cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. "Khi tập trung vào nhóm có lượng tiêu thụ natri nhiều tại Trung Quốc, chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa lượng natri và các biến chứng tim mạch nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ. Chúng tôi cũng nhận ra rằng tất cả các vấn đề về tim mạch đang giảm dần ở các nhóm và quốc gia tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm giàu kali như hoa quả, rau, thực phẩm từ sữa, khoai tây, các loại hạt và đậu."
Hầu hết các nghiên cứu trước đây liên quan đến lượng natri ảnh hưởng đến bệnh tim mạch và đột quỵ đều dựa trên các thông tin ở mức độ cá nhân, Martin O'Donnell, PGS. về Y học lâm sàng tại Đại học McMaster và là đồng tác giả, nhà nghiên cứu tại PHRI, cho biết:
“Vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho việc những người tiêu thụ lượng natri trung bình cần phải cắt giảm để phòng ngừa bệnh tim và đột quỵ. Phát hiện của chúng tôi đã chứng minh rằng các biện pháp can thiệp cấp cộng đồng để giảm lượng natri nên nhắm vào các nhóm người có mức tiêu thụ natri cao, kết hợp với các phương pháp cải thiện chất lượng ăn uống. Bên cạnh đó, những người có mức tiêu thụ natri trung bình cũng không cần phải cắt giảm lượng natri để hạn chế các bệnh về tim mạch và đột quỵ”
Nghiên cứu này được tiến hành tại nhều quốc gia như Canada, Argentina, Bangladesh, Brazil, Chile, Trung Quốc, Columbia, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Palestin, Pakistan, Philippines, Ba Lan, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thụy Điển, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Zimbabwe.