Theo nghiên cứu của Bosch (một tập đoàn công nghệ lớn tại Đức) khi ôtô di chuyển ở dải tốc độ 50 km/giờ, nếu tài xế nhìn vào điện thoại khoảng ba giây, quãng đường xe đi được là 42m. Cứ 10 tai nạn xảy ra thì một trong số đó do tài xế phân tâm hoặc buồn ngủ.
Tai nạn gây ra bởi sự xao lãng của tài xế khi lái xe xảy ra hàng năm trên khắp thế giới. Sử dụng điện thoại, nói chuyện với hành khách trong xe hay buồn ngủ là những nguyên nhân khiến tài xế không kịp xử lý trong những tình huống "trở nên bất ngờ".
Chính từ mong muốn giải quyết vấn đề nói trên, Bosch vừa phát triển một công cụ hỗ trợ người lái với trí thông minh nhân tạo (AI). Bosch sử dụng một camera tích hợp vào vô-lăng để ghi lại các hành vi của tài xế. Khi phát hiện họ ngoái đầu về phía hành khách hoặc hàng ghế sau, hệ thống cảnh báo bằng âm thanh.
Nhờ có công nghệ trí tuệ nhân tạo, hệ thống có thể xác định
tài xế mỏi mệt hoặc đang buồn ngủ hay không. Ảnh: Bosch
Công nghệ này có thể nhận biết vị trí mí mắt và mức độ chớp để xác định tài xế mỏi mệt hoặc đang buồn ngủ hay không. Ngoài âm thanh cảnh báo, hệ thống này có thể tự động giảm tốc độ của xe theo mức cho phép trên đường đi, cài đặt tốc độ trong những trường hợp khẩn cấp. Những chức năng này cũng là một phần trong tiêu chuẩn đánh giá an toàn Euro NCAP với ôtô mới có thể áp dụng bắt đầu từ 2025 tại châu Âu.
Theo hãng sản xuất, hệ thống AI thu thập hành vi của tài xế và chỉ giới hạn riêng mẫu xe đó, không được lưu trữ, chuyển cho một bên thứ ba. Ở kỷ nguyên xe tự hành trong tương lai, đây là công cụ hiệu quả để giữ cho tài xế sự tập trung khi họ muốn tự cầm vô-lăng điều khiển. Hệ thống cũng giúp phát hiện, phát cảnh báo cho phụ huynh khi họ rời đi nhưng bỏ quên trẻ em trong xe.
Trước đó, theo tin tức trên Mashable, các nhà khoa học đã phát minh ra một thiết bị có khả năng báo động khi người lái xe buồn ngủ, góp phần giảm đáng kể các vụ tai nạn giao thông không đáng có.
Trước khi bắt đầu hoạt động, thiết bị trên phải được gắn vào kính chắn gió để dễ dàng theo dõi khuôn mặt của bạn khi đang lái xe. Máy sẽ phân tích tần suất chớp và chuyển động mắt, biểu cảm khuôn mặt như ngáp hoặc số lần rời mắt khỏi đường để xác định xem tài xế đang tỉnh táo, buồn ngủ hay phân tâm.
Nếu phát hiện tài xế đang mất tập trung, thiết bị sẽ cảnh báo liên tục bằng tiếng bíp và những lời nói nhắc nhở để “giục” tài xế dậy. Thiết bị này phù hợp cho những tài xế trẻ, lái xe đêm khuya, hoặc những người lái xe đường dài trong tình trạng sức khỏe không ổn định. Được biết, loại máy nêu trên không cần kết nối mạng và có thể hoạt động 24/7, được bán từ cuối tháng 12/2018 với giá là 99 USD (hơn 2 triệu đồng).
Những thiết bị, hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo để phán đoán hành vi,
tình trạng lái xe đang được cái hãng xe phát triển rộng rãi. Ảnh: Mashable
Liên quan tới vấn đề đảm bảo an toàn cho lái xe chạy đường dài, hãng Ford cũng đã nghiên cứu và cho phát triển một hệ thống cảnh báo người lái được trang bị camera giúp nhận biết làn đường, cảnh báo khi xe có khả năng đi chệch khỏi phần đường đang di chuyển một cách không kiểm soát, đồng thời hiển thị biểu tượng một ly cà phê để nhắc nhở người cầm vô-lăng nên dừng lại và nghỉ ngơi.
Cùng với sự phát triển của các hệ thống phần mềm thông minh, Ford đã tiếp tục nghiên cứu phát triển để hệ thống cảnh báo này hoàn thiện hơn, theo hướng thông minh và gần gũi hơn; với các dòng xe được tích hợp hệ thống kết nối SYNC 3, chỉ cần bạn nói “I need a coffee (Tôi cần uống một ly cà phê)”, chiếc xe sẽ tự động tìm kiếm địa điểm gần nhất để bạn có thể dừng xe và nghỉ ngơi.
Các dòng xe của Ford hiện đã được tích hợp hệ thống này bao gồm: Ranger, Everest, Focus và Explorer... Tuy nhiên, Ford vẫn chưa thể phát triển được hết các kết nối ngôn ngữ theo từng thị trường, mà phân bổ theo các ngôn ngữ phổ thông và quan trọng (cho kinh doanh) như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc...
Khả năng nhận biết tình trạng tỉnh ngủ và sức khỏe của người lái sẽ là tiền đề cho công nghệ xe bán tự động sau này. Công nghệ này của Ford sẽ nhận biết các chướng ngại vật hay tai nạn phía trước để cảnh báo người lái bằng cách rung, phát ra âm thanh cảnh báo hay bật đèn trên màn hình.
Giống như việc sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông, lái xe trong tình trạng thiếu ngủ có thể gây mất tập trung, giảm khả năng điều khiển phương tiện và tốc độ phản ứng của người lái xe.
Trong khi đó, tình trạng thiếu ngủ của người dân tại các quốc gia ở châu Á luôn ở mức nghiêm trọng nhất thế giới. Tại Seoul, trung bình một người chỉ ngủ 6 tiếng/ngày. Tại Trung Quốc, lái xe trong tình trạng thiếu ngủ là nguyên nhân gây ra hơn 187.000 vụ tai nạn mỗi năm. 29% lái xe ở Australia thừa nhận họ đã từng tham gia giao thông trong trạng thái không tỉnh táo ít nhất một lần mỗi tháng và 20% trong số đó thậm chí đã ngủ gật ngay cả khi đang ngồi sau tay lái.
Nhiều lái xe đã hoàn toàn kiệt sức nhưng vẫn cố gắng điều khiển phương tiện giao thông di chuyển trên đường, và điều này đã gây ra những hậu quả đáng báo động.
|
Hán Hiển