Ong và mối quan hệ cộng sinh với vi khuẩn
T.K
16/10/2019
KH&CN nước ngoài
Điều gì sẽ xảy ra khi không còn ong để thụ phấn cho hoa, như ở một số vùng của Trung Quốc? Để cho cây kết trái, sẽ phải thụ phấn nhân tạo. Không có ong - sẽ là viễn cảnh không ổn chút nào.
Đã có nhiều báo cáo trên toàn thế giới về sự biến mất của những đàn ong. Lý do chính xác làm ong chết vẫn còn chưa rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng do thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, việc phá hủy môi trường sống, mầm bệnh,...Nhóm nghiên cứu tại Đại học Julius-Maximilians-Universität (JMU) Wurzburg ở Bavaria (Đức) lại tập trung vào các loại vi khuẩn sống cộng sinh với ong. Khá nhiều loài vi khuẩn rất quan trọng đối với sức khỏe của ong. Nếu chúng bị tổn hương, những con ong cũng bị liên lụy.
Có nhiều mối liên quan giữa ong và vi khuẩn. Ví dụ, trong ruột ong mật có chứa vi khuẩn giúp tiêu hóa thức ăn và kích thích hệ thống miễn dịch. Trong tổ ong cũng chứa các vi khuẩn hữu ích, một số trong đó sản xuất kháng sinh, giúp ngăn ngừa sự lây lan của nấm gây hại.
"Hầu hết các nghiên cứu về ong đều hướng đến ong sống theo đàn, đặc biệt là ong mật phương Tây Apis mellifera," Tiến sĩ Alexander Keller của Trung tâm sinh học JMU nói. Những con ong đơn độc ít được chú ý, dù hơn 90% trong số 17.500 loài ong được biết đến trên thế giới là những con ong đơn độc. Đây là những loài thụ phấn có tầm quan trọng sinh thái lớn đối với môi trường và nông nghiệp.
Theo Keller, cần nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về quan hệ giữa ong đơn độc và vi khuẩn, giúp chúng chống chọi tốt hơn. Nhiều loài ong đơn độc đang bị đe dọa hoặc đã tuyệt chủng.
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu cho rằng có thể ứng dụng các hiểu biết từ ong mật có thể ứng dụng cho những con ong đơn độc. Tuy có một số điểm tương đồng cơ bản, khả năng này cũng rất hạn chế. Đây là kết luận mà nhóm nghiên cứu JMU công bố trên tạp chí Trends in Microbiology, tóm tắt hiện trạng nghiên cứu về ong và các quần thể vi sinh của chúng. Nghiên cứu cho thấy, những con ong đơn độc chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và những thay đổi do con người gây ra mạnh hơn nhiều so với những con ong sống theo đàn.