SpStinet - vwpChiTiet

 

Mối liên hệ nhân quả giữa ô nhiễm không khí và cái chết sớm

Theo một nghiên cứu mới đây của Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan, việc gia tăng tiêu chuẩn về chất lượng không khí của Mỹ đối với ô nhiễm hạt mịn (theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO), có thể cứu sống hơn 140.000 người trong suốt một thập kỷ. 

Theo các tác giả nghiên cứu, được công bố ngày 26/6/2020 trên Tạp chí Science Advances, có bằng chứng rõ ràng và toàn diện về mối liên hệ nhân - quả giữa phơi nhiễm lâu dài với ô nhiễm không khí hạt mịn (PM2.5) và tử vong sớm.

"Nghiên cứu sử dụng những dữ liệu lớn nhất về người lớn tuổi ở Mỹ; cùng nhiều phương pháp phân tích, thống kê để tìm hiểu các nguyên nhân, đã cho thấy, các tiêu chuẩn hiện tại của Mỹ về nồng độ PM2.5 không đủ để bảo vệ sức khỏe, cần được nâng cao hơn để bảo vệ các tầng lớp dễ bị tổn thương, ví dụ như người già", nghiên cứu sinh tiến sĩ Xiao Wu, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu được kế thừa từ một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm PM2.5 và ozone, thậm chí ở mức dưới tiêu chuẩn chất lượng không khí hiện tại của Mỹ, đã làm tăng nguy cơ tử vong sớm ở người cao tuổi.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu trong 16 năm của 68,5 triệu người đã đăng ký Medicare (97% người Mỹ trên 65 tuổi); điều chỉnh các yếu tố như chỉ số cơ thể, yếu tố hút thuốc, dân tộc, thu nhập và giáo dục. Họ đã kết hợp mã khu vực (zip code) của người tham gia với dữ liệu ô nhiễm không khí thu thập từ các địa điểm trên khắp nước Mỹ. Để ước tính mức độ ô nhiễm không khí PM2.5 hàng ngày cho mỗi khu vực, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng các dữ liệu vệ tinh, thông tin sử dụng đất, biến thời tiết và các thông tin khác. Họ đã sử dụng hai phương pháp thống kê truyền thống và ba phương pháp tiên tiến để nhận diện chính xác các yếu tố nhân - quả.

Kết quả thống nhất trên cả năm loại phân tích, cho thấy có "bằng chứng mạnh mẽ" về mối liên hệ nhân - quả giữa phơi nhiễm với PM2.5 và tỷ lệ tử vong của những người đăng ký Medicare, ngay cả khi ở dưới mức tiêu chuẩn quy định của Mỹ về chất lượng không khí (12 µg/m3/năm). Theo các tác giả, nếu hàng năm giảm 10 µg/m3 PM2.5 sẽ giảm 6-7% nguy cơ tử vong. Từ phát hiện này, họ ước tính, nếu Mỹ đưa mốc tiêu chuẩn PM2.5 hàng năm ở mức 10 µg/m3 như chỉ dẫn của WHO, sẽ cứu sống 143.257 sinh mạng trong một thập kỷ.

Các tác giả cung cấp các phân tích bổ sung, cho phép đánh giá nguyên nhân và tìm ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tử vong sớm.

T.K (CESTI) - Theo sciencedaily.com

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả