LEAP – rotbot thân mềm nhanh nhất được tạo ra từ cảm hứng về loài báo
16/05/2020
KH&CN nước ngoài
Các nhà nghiên cứu đã phát triển ra một loại robot mềm, đặt tên là LEAP (Leveraging Elastic instabilities for Amplified Performance), có khả năng di chuyển trong nước hoặc trên cạn nhanh hơn so với các robot trước đây. Chúng có khả năng nâng các vật nặng và cầm, nắm rất linh hoạt.
Báo là loài chạy nhanh nhất trên cạn, chúng đạt được tốc độ này là nhờ xương sống có thể uốn cong rồi kéo giãn trong khoảnh khắc cực ngắn, giữa hai trạng thái cân bằng. "Dựa vào đặc điểm sinh học của loài báo chúng tôi đã tạo ra một loại robot mềm, có xương sống giống như lò xo, với hai trạng thái ổn định”, Jie Yin, trợ lý giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ tại Đại học North Carolina State University cho biết.
Thân của chúng được làm từ silicon, tích hợp thêm hai bộ dẫn động khí nén cùng lò xo linh hoạt (để mô phỏng hệ xương sống). Khí được luân phiên bơm vào/ra khỏi hai bộ dẫn động, giúp lưu trữ và giải phóng năng lượng cực nhanh, nén và giãn lò xo trong khoảnh khắc cực ngắn giữa hai trạng thái cân bằng. Nhờ đó, cơ thể robot có thể tạo ra phản lực và phóng lên khỏi mặt đất.
Những con robot LEAP dài khoảng 7 cm, nặng khoảng 45 gram, có khả năng di chuyển với quãng đường gấp 2,7 lần chiều dài cơ thể mỗi giây (lb/s), nhanh hơn gấp 3 lần so với robot thông thường, bơi với vận tốc 0,78 bl/s (robot thông thường chỉ bơi được vận tốc 0,7 bl/s) và có thể chạy trên những con dốc cao.
Ngoài ra các con robot mềm này còn có thể kết hợp làm việc nhịp nhàng với nhau để cầm nắm đồ vật. Chúng có thể cầm những thứ dễ vỡ như trứng, cũng như có thể nâng được vật nặng trên 10kg.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đang cố gắng cải thiện để tạo ra những con robot có thể di chuyển nhanh hơn và mạnh hơn để sử dụng trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, trong dây chuyền sản xuất công nghiệp.…
Diệu Huyền (CESTI) - Theo Techxplore.com