Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) là con đường tất yếu để đảm bảo sức cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu uy tín và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập. Nhưng đường đi còn lắm gập ghềnh!
Phát triển doanh nghiệp KH&CN
Theo Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN), tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN, tập trung tại TP. Hà Nội (30), TP. HCM (24), Thanh Hóa (9), Bình Dương (6), Quảng Ninh (5),... DN KH&CN hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên theo Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hóa và công nghệ môi trường. Ngoài ra, một số DN KH&CN còn chú trọng đầu tư vào các hoạt động KH&CN như: thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Một số DN còn hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu cũng như nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Nhiều DN KH&CN tham gia thực hiện các đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh, cấp quốc gia. Với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN KH&CN không chỉ tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập mà còn tạo ra làn sóng khuyến khích các DN nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng được DN KH&CN chú trọng trong việc xây dựng phương án thương mại hóa các sản phẩm KH&CN.
Công ty TNHH Nhà nước MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
(BUSADCO) là một trong những DN KH&CN có nhiều công trình khoa học
đã được ứng dụng thực tế. Ảnh: VN.
Mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, DN trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Nhờ chiến lược đúng đắn, các sản phẩm của DN KH&CN tiếp cận được thị trường và đạt doanh thu, lợi nhuận cao. Theo báo cáo của 61/204 DN KH&CN, tổng doanh thu năm 2014 đạt hơn 11.369 tỷ đồng (chiếm 0,29% GDP cả nước), với số lao động trung bình mỗi DN KH&CN khoảng 87 người và thu nhập bình quân 6,2 triệu đồng. Tại TP. HCM, theo báo cáo năm 2014, tổng doanh thu của 10 DN KH&CN đạt hơn 900 tỷ đồng. Hầu hết các DN này đều tập trung mạnh vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo ra các sản phẩm trên nền tảng kết quả nghiên cứu đã đạt được. DN KH&CN đã sử dụng nguồn vốn được ưu đãi (miễn giảm thuế thu nhập DN, miễn tiền thuê đất, Nhà nước hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN) để tăng cường kinh phí đầu tư cho các hoạt động KH&CN, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường.
Trở ngại trong hình thành và phát triển DN KH&CN
Phát triển DN KH&CN, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả KH&CN của DN còn gặp nhiều khó khăn. Theo phân tích của Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN, khó khăn trước hết nằm ở vấn đề công nhận sản phẩm mới. Pháp luật quy định một số ngành nghề kinh doanh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá và cấp phép mới được lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, sản phẩm KH&CN luôn được đổi mới, sáng tạo; nhiều sản phẩm mới chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nên cơ quan quản lý lúng túng trong quá trình xem xét, cấp phép lưu hành khiến DN gặp khó khi đưa sản phẩm ra thị trường, mặc dù đã có đối tác sẵn sàng thương mại hóa. Chính việc thiếu các quy định đánh giá, công nhận sản phẩm mới khiến kết quả KH&CN mới chậm được đưa ra thị trường; khi có quy định điều chỉnh thì tính cạnh tranh của sản phẩm đã giảm đi phần nào. Trường hợp Công ty CP Công nghệ Việt Séc (DN KH&CN của Bà Rịa – Vũng Tàu, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cano, tàu thuyền và phương tiện nổi) là một minh chứng. Nghiên cứu sản xuất tàu thuyền, công trình nổi bằng vật liệu mới PPC (Polypropylene Copolymer), Việt Séc được trao tặng nhiều giải thưởng về KH&CN nhưng sản phẩm lại không thể triển khai thương mại hóa do chưa được cấp đăng kiểm vì chưa có quy phạm áp dụng cho vật liệu PPC.
Một số sản phẩm của VIET SEC được giới thiệu tại Tech Demo 2015. Ảnh: VN.
Mặt khác, rất nhiều sản phẩm KH&CN mới được tạo ra trong nước dù chất lượng tốt, giá thành rẻ, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, trao tặng các giải thưởng KH&CN nhưng vẫn khó cạnh tranh với hàng ngoại do tâm lý e ngại của người tiêu dùng và công tác truyền thông đến công chúng còn hạn chế. Ví dụ, dòng sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung của Công ty Thiên Dược (Bình Dương), sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao của Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long (Bắc Kạn),… đều là những sản phẩm KH&CN mới nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thương mại hóa.
Ở góc độ quản lý, theo báo cáo của Sở KH&CN TP. HCM tại Hội nghị Phát triển Doanh nghiệp KH&CN ngày 25/11/2015, việc xác định lĩnh vực của đối tượng thành lập DN KH&CN cũng còn khó khăn, nhất là những lĩnh vực rộng như công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường,… Mặt khác, việc chứng minh DN sở hữu hoặc sử dụng kết quả KH&CN cũng là bài toán khó cho hội đồng thẩm định, khi kết quả KH&CN do chính DN tự đầu tư, trình tự và hồ sơ nghiên cứu không thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN KH&CN chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, như chính sách ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm, ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư,… Những DN KH&CN mới thành lập có nhu cầu vốn rất cao để phát triển công nghệ hình thành từ kết quả nghiên cứu, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn vẫn là một thách thức đối với DN; hệ quả thiếu vốn khiến qui mô và hạ tầng triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh còn manh mún, nhỏ lẻ.
Câu chuyện từ doanh nghiệp
Công ty TNHH Hải Nam, được vinh danh Top 100 DN thủy sản hàng đầu Việt Nam, là một trong những DN đầu đàn trong ngành chế biến thủy sản tại tỉnh Bình Thuận với sản lượng xuất khẩu hàng năm lên tới 6.000 tấn, có mặt tại các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Úc,...với tổng kim ngạch khoảng 35 triệu USD. Để có những thành quả ấn tượng như trên, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, Hải Nam rất chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngành. Bên cạnh việc sở hữu chuỗi cung ứng tối ưu từ khâu nguyên liệu - chế biến - lưu trữ - vận chuyển - xuất khẩu và cung cấp đến tay người tiêu dùng nội địa, Hải Nam còn đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), phòng kiểm nghiệm với đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đạt chuẩn ISO, HACCP,… để phục vụ sản xuất. Tất cả các mặt hàng của Hải Nam được sản xuất, chế biến theo quy trình HACCP. Hệ thống nhà máy của Hải Nam được NAFIQAD (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cũng như cơ quan kiểm dịch của Liên minh châu Âu cấp giấy chứng nhận xuất khẩu vào thị trường châu Âu; được Tổ chức TUV của Đức chứng nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, Hải Nam cũng luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ lao động đến công tác quản lý và quy hoạch chiến lược phát triển dài hạn dựa trên nguồn nhân lực có trình độ; quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc (Tổng Giám đốc Hải Nam) chia sẻ, tuy những năm gần đây ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam phải đương đầu với không ít khó khăn từ hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt ở các nước nhập khẩu, Hải Nam vẫn nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, từng bước đổi mới phương thức kinh doanh và tiếp tục tìm kiếm, ứng dụng những công nghệ hiện đại, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Với Công ty CP Nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa), con đường phát triển DN bằng KH&CN đã được nhận thức sớm và rõ ràng. Ngay từ khi thành lập (năm 1995), Tiến Nông đã xác định KH&CN là nền tảng phát triển DN. Khi đó, Tiến Nông cũng là đơn vị tư nhân đầu tiên sản xuất thành công phân lân nung chảy bằng quy trình nhiệt lò cao. Từ một xưởng sản xuất nhỏ với vài chục lao động, đến nay Tiến Nông đã có 4 nhà máy với trên 500 lao động; từ sản phẩm đầu tiên là phân lân nung chảy, dãy sản phẩm đã mở rộng (phân bón NPK chuyên dùng, phân bón NPK đa dụng, phân lân nung chảy, phân bón trung – vi lượng,…) với công suất lên đến 200.000 tấn/năm, có mặt khắp cả nước và được xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan,… Tiến Nông là DN KH&CN đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và cả nước trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng. Phòng thí nghiệm trung tâm của công ty được chứng nhận thuộc hệ thống phòng thí nghiệm quốc gia với số hiệu VILAS 849. Đây chính là những nền tảng quan trọng giúp DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành DN dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển, ThS. Nguyễn Hồng Phong (Tổng Giám đốc Tiến Nông) cho biết, Tiến Nông khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới để sản xuất phân lân nung chảy. Suốt chặng đường phát triển sau đó, Tiến Nông luôn coi trọng thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó là xây dựng đội ngũ nhân lực KH&CN giỏi chuyên môn và giàu bản lĩnh. Tuy nhiên, cũng như những DN KH&CN khác hiện nay, Tiến Nông vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi đối với DN KH&CN. Ví dụ, các cơ quan hữu quan cần hướng dẫn cụ thể để DN thực hiện chuyển đổi đồng bộ, phù hợp với các điều kiện được hưởng ưu đãi; việc chứng nhận ban đầu yêu cầu các sản phẩm của Tiến Nông phải chứa hàm lượng silic dễ tiêu thì mới được công nhận là sản phẩm KH&CN chưa hợp lý, vì thực tế không phải loại cây trồng nào cũng cần bổ sung nguyên tố này,…Do vậy, tỷ trọng các sản phẩm KH&CN của Tiến Nông chưa chiếm đa số trong tổng cơ cấu sản phẩm của DN. Tiếp tục con đường phát triển DN KH&CN, Tiến Nông xác định tầm nhìn trở thành đơn vị sáng tạo, dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam với hàm lượng KH&CN cao. Công ty sẽ tiếp tục triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, hướng đến mục tiêu 100% sản phẩm dinh dưỡng cây trồng của Tiến Nông được công nhận là sản phẩm KH&CN.
VÂN NGUYỄN, STINFO số 1&2/2016
Tải bài này về tại đây.