SpStinet - vwpChiTiet

 

Đam mê Biodiesel

Là dân ngoại đạo với chuyện làm ra nhiên liệu từ cây trồng nhưng anh Nguyễn Bá Phượng đã “lăn” vào vì quá tin và yêu cây Jatropha - nguyên liệu sản xuất Biodiesel.

HUY ĐỘNG VỐN BẰNG LÒNG TIN
Tốt nghiệp đại học Kinh tế TP.HCM, chàng trai Nguyễn Bá Phượng hăm hở nộp đơn vào một cơ quan nhà nước. Chưa kịp vui khi được nhận vào làm, anh đã vội buồn bã, chán nản. Học kinh tế vốn năng động là thế, nay được xếp vào chân thủ thư bó chân, bó gối. Sau 5 năm kiên trì làm việc, anh phải nộp đơn xin nghỉ.
Từ đây, anh bắt đầu “cuộc chiến” xin việc đầy trắc trở. Thoạt đầu, anh xin vào làm giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP.HCM. Chưa đầy một tháng thử việc, không khí tĩnh lặng của môi trường giáo dục một lần nữa không giữ chân được chàng thanh niên đang muốn bay nhảy. Sau đó là một kỳ tích: 18 lần nộp đơn xin việc vào các công ty khác nhau là 18 lần bị từ chối. Buồn bã, anh giam mình trong nhà, gặm nhấm cái thất nghiệp! Trong cái rủi lại có cái may. Thời gian thất nghiệp giúp anh đọc được nhiều sách và gặp gỡ bạn bè nhiều hơn. Trong một cuộc đàm đạo của nhóm bạn với đủ ngành nghề, anh được nghe về cây Jatropha, loài cây có thể sản ra Biodiesel – thứ nhiên liệu thiên nhiên vừa kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Nhiên liệu sinh học, một cái gì đó thật lạ lẫm và có lẽ vì thế mà cuốn hút. Phải thử sức!
Con đường từ ý tưởng đến thực tiễn luôn đầy thử thách và nhiều chông gai. Khó khăn lớn nhất với anh là vốn. Công nghệ thì có thể tìm trong sách, trong các tài liệu và học thầy, học bạn. Nhưng tiền thì không thể có bằng cách đó. Anh vẫn không giấu niềm xúc động khi nhắc về ngày đầu gian lao “Tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để thuyết phục người thân, bạn bè tin và ủng hộ cho dự án của mình”. Để mọi người hiểu cái anh muốn làm, anh liều giải thích rằng, dù biết rằng rất khập khiễng: Nước ta tốn gần 3 tỉ USD để xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất mới sản xuất được dầu. Trong khi đó, đầu tư vào nhiên liệu sinh học chúng ta chỉ mất vài trăm triệu để cũng “lọc ra dầu” từ những loại cây bà con ta vẫn trồng tỉa! Nguồn nhiên liệu này có lợi thế cả về kinh tế cả về môi trường. Các nước trên thế giới đều ưu tiên phát triển nhiên liệu này. Việt Nam trong tương lai cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Dĩ nhiên bấy nhiêu lập luận … thô sơ chưa đủ thuyết phục để mọi người chịu đầu tư cho anh. Vậy anh có bí quyết gì? Không bí quyết gì ngoài sự chân thành và tạo uy tín với mọi người ngay trong cuộc sống hàng ngày. Khi đã hứa điều gì là nhất quyết làm bằng được và làm hết mình. Anh kể lại, ngày học đại học, anh có nhiệm vụ hướng dẫn, tập luyện cho các em khóa dưới môn Taekwondo. Nhà xa, đi bằng xe đạp nhưng dù trời nắng, trời mưa anh cũng đến đúng giờ. Chính sự nghiêm túc của anh khiến các em khóa dưới nể trọng và không dám lười. Còn trong mắt mọi người anh là người trung thực, dứt khoát và có tài dự đoán xu thế kinh tế. Đây là yếu tố quyết định khiến họ đã tin tưởng giao cho anh ít vốn liếng để lập ra một công ty với mục tiêu sản xuất ra nhiên liệu Biodiesel từ cây Jatropha. Dù không phải là người có vốn nhiều nhất nhưng mọi người tin anh, giao cho anh điều hành công ty.
Đứa con tinh thần ra đời, đứa con mang bao tâm huyết, ghi dấu bao đêm trăn trở, suy tư của anh. Có những lúc khó khăn anh muốn đầu hàng, ngừng bước nhưng những hạt Jatropha, hàng cây Jatropha rì rào trong gió như thì thầm với anh “Hãy cố gắng lên”. Hình như với anh, loài cây này mang một sức hút diệu kỳ. Mỗi lần xuống địa phương thực tế, đi giữa hàng cây xanh mướt kiên cường sống giữa đất cát sỏi đá, anh như được tăng lên sức lực và ý chí.
Sản xuất Biodiesel là việc làm còn mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng anh tự tin “mình chưa có kinh nghiệm có thể đi chậm hơn nhưng mình nghĩ con đường mình đi là chính xác”. Thực tế cho thấy, từng bước, anh đã tạo dựng được danh tiếng của công ty trong ngành công nghệ sinh học.
LÀM BẠN VỚI BÀ CON NÔNG DÂN
Muốn có nguyên liệu ép dầu, phải có vùng nguyên liệu ổn đinh vì thế việc đầu tiên cần làm là phải phát triển cây Jatropha. Từ Bắc, Trung, Nam nơi nào có cây Jatropha anh đều đến tìm hiểu. Thật thú vị! Trong những nơi anh đến, vùng đất nắng gió Ninh Thuận, Bình Thuận lại là nơi mọc nhiều hơn cả. Người dân dùng làm hàng rào xung quanh nhà. Loại cây sinh dầu này không kén chọn sống trên đất tốt mà chúng sống trên cát, đất khô cằn. Thấy điều kiện sống của cây đơn giản, anh mừng lắm vì như thế sẽ đỡ khoản chi phí cho chăm sóc, phân bón. Anh cẩn thận khảo sát năng suất hạt của mỗi cây bằng cách tính số hạt của cây đang dùng làm hàng rào, số hạt của cây đứng một mình và hỏi thêm kinh nghiệm của các lão nông nơi đây. Từ đó tích lũy kinh nghiệm để đưa cây vào trồng trong thực tế sao cho đạt năng suất cao nhất.
Để có nguồn nguyên liệu bền vững, anh Phượng đã kiến tạo quan hệ hợp tác cùng nông dân. Anh cung cấp giống, phân bón cho bà con những vùng trồng Jatropa. Khi thu hoạch hạt, nông dân bán hạt cho công ty. Tiền cho nông dân vay mua phân bón và giống sẽ được trừ dần vào mỗi vụ thu hoạch. Như vậy là cả hai bên cùng có lợi. Chủ trương hợp lý hợp tình này của anh đã được chính quyền và các hộ nông dân nơi đây hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, công ty anh đã trồng được 60 ha cây Jatropha trên 4 xã thuộc hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong của tỉnh Bình Thuận. Diện tích này dự tính sau khi thu hoạch sẽ cho khoảng 8 tấn quả và ép được 2 tấn dầu. Số lượng mặc dù còn khiêm tốn nhưng là nguồn động viên to lớn đối với anh. Nó chứng tỏ ý tưởng của anh đã gần thành hiện thực.
NIềM HY VọNG
Hiện nay, ngoài đầu tư trồng cây Jatropha, công ty anh còn sản xuất dầu Biodiesel, bán hạt giống, bán công nghệ sản xuất Biodiesel. Khi nguồn nguyên liệu chưa thể tự cấp, công ty anh thu thập mua mỡ cá tra, cá basa để sản xuất dầu Biodiesel. Nhờ chăm chỉ học hỏi và áp dụng các công nghệ trong nước và nước ngoài về sản xuất dầu sinh học, công ty anh đã sản xuất thành công Biodesel. Hiện công ty sản xuất 10-20 tấn dầu/tháng. Anh cam kết với các đối tác cung cấp sản phẩm an toàn, đảm bảo hoàn tiền nếu xảy ra sự cố do dầu sinh học gây ra với động cơ máy. Vì thế bước đầu anh đã tạo được lòng tin nơi khách hàng. Tuy nhiên, anh vẫn trăn trở “khó khăn với công ty là hiện ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào về Biodiesel. Công ty tôi khó có thể cung cấp dầu cho các đối tác lớn, tiềm lực mạnh. Khách hành chủ yếu của tôi là các công ty nhỏ, các chủ ghe tàu.”
Việt Nam vốn là quốc gia nông nghiệp, sản phẩm của nông nghiệp là đầu vào cho công nghệ sinh học nên dù công ty mới đi vào hoạt động nhưng cũng giúp anh Phượng vững lòng tin ở tương lai. Lô hàng xuất khẩu hạt giống sang Lào vừa qua càng củng cố niềm tin cho anh.
Vị giám đốc trẻ tuổi đam mê tiềm năng của cây Jatropha thường xuyên đi về giữa công ty (TP.HCM) và vùng nguyên liệu (Bình Thuận). Mỗi tháng, trung bình anh đi 2-3 lần. Anh cười đùa “từ năm 2006 đến giờ tôi đi không biết bao nhiêu lần về Bình Thuận, đến nỗi các bác tài xe đò và cả phụ xe đều quen mặt”. Bà con nông dân hai huyện Bình Thuận nơi anh đầu tư trồng Jatropha ai cũng biết và đều yêu mến vị giám đốc trẻ tuổi nhiệt tình, thân thiện, cởi mở. Anh bảo “nông dân nơi đây khổ cực vô cùng, tôi hi vọng sẽ làm được điều gì đó giúp cải thiện cuộc sống của họ.”
Nhắc đến anh Phượng, nhân viên cũng là những bạn bè thân thiết của anh đều thán phục “anh có tầm nhìn xa. Anh không bao giờ đặt đồng tiền lên trên công việc, chữ tín luôn đặt lên hàng đầu trong quan hệ với đối tác, khách hàng”.
Nhiều người nói “thương trường là chiến trường”, anh Phượng thì nói rằng “kinh doanh là tìm kiếm bạn bè. Tìm được một đối tác tốt chính là có thêm một người bạn tốt.” Anh chia sẻ “hiện tôi đã gặp được một số đối tác cùng chí hướng với tôi. Chúng tôi đã bắt tay cùng thực hiện dự án dài hơi khác. Trong năm 2009, diện tích trồng Jatropha sẽ tăng nhiều hơn nữa. Mạng lưới các đại lý thu gom hạt Jatropha cũng được mở rộng khắp các tỉnh đảm bảo nguồn giống ổn định, chất lượng cao”.
Cầu mong cho cái “Dung Quất nông dân” của anh chân cứng đá mềm, để rồi bao nhiêu tàu ghe, xe cộ sẽ dùng nhiên liệu Jatropha của anh và các bạn anh.
 

Bích Hằng