Ở Việt Nam có chăng thì chỉ vài người có bạc tỷ nhờ thương mại hóa thành công những ý tưởng khoa học – công nghệ sau khi đã dày công biến chúng thành các sản phẩm có giá trị. Chúng ta cũng có những người giàu đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến khoa học – công nghệ, nhưng nói chung họ làm kinh doanh, làm dịch vụ không phải trên những sản phẩm khoa học – công nghệ của họ hay công ty họ tạo ra. Một số khác thì đang làm kinh doanh, làm dịch vụ trên chính những sản phẩm khoa học – công nghệ của họ. Tuy nhiên phần lớn họ thua nhiều mà thắng ít, nghèo nhiều mà không ai giàu! Chắc hẳn giàu có chẳng phải là mục đích cao nhất của họ nhưng nếu nó không bao giờ đến với bất cứ khối óc sáng tạo nào trong khoa học – công nghệ thì lại là một câu chuyện khác.
Hãy đến gần vài người trong số họ, những người mà qua báo chí bấy lâu nay thì tưởng chừng đã được ung dung trên con đường khoa học – công nghệ dẫu biết rất gian truân.
TIẾN SỸ MỸ HẠNH VỚI PHÒNG THÍ NGHIỆM - LÀNG TRE PHÚ AN (BÌNH DƯƠNG)
Tốt nghiệp tại Pháp, TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh về nước năm 1975 rồi được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Cây có dầu (Thuộc Bộ Công nghiệp). Một buổi chiều năm 1999, đạp xe quanh quê hương Phú An ngắm những rặng tre quanh làng, một ý tưởng hiện lên với chị “cần và có thể xây dựng một khu bảo tàng tre ở Phú An”.
Ngay hôm sau, chị ngẫm nghĩ viết một diễn văn kêu gọi mọi người trong làng cùng đoàn kết góp sức thực hiện ý tưởng này. Những lời từ trái tim đã lay động lòng người. Nhiều cụ ông, cụ bà nghe những dòng tâm huyết của chị mà nước mắt rưng rưng. Mọi người trong làng đều nhiệt tình ủng hộ kế hoạch. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương hưởng ứng dự án này và giao 10 ha cho chị thực hiện. Năm 2000, TS. Hạnh xin nghỉ ở Viện, chuyển sang giảng dạy tại Đại học Khoa học Tự nhiên để có nhiều điều kiện gắn bó hơn với đứa con tinh thần của mình.
Thoạt đầu, chỉ có cách nhờ bạn bè, bà con trong làng. Chị nhờ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Phú An bắt tay thực hiện chương trình bằng một đêm “hát cho dân tôi nghe”. Một buổi văn nghệ ấm tình nghĩa của dân Phú An được chị lên ý tưởng và đạo diễn. Chị lấy tre làm những chiếc lồng đèn lấp lánh cho buổi văn nghệ. Hơn 200 người đến dự là bạn bè thân thiết của chị. Mọi người ăn bánh xèo, nghe hát cây nhà lá vườn và ủng hộ dự án. TS. Hạnh thật sự hạnh phúc cho biết chị đã có được 10 triệu đồng từ tấm lòng mọi người hôm ấy. Ngay lập tức, chị dùng 10 triệu đồng này chuẩn bị mặt bằng 10 ha được giao. Hiển nhiên để thực hiện một bảo tàng tre, một khu nghiên cứu dành cho sinh viên thì 10 triệu đồng như muối bỏ bể. TS. Hạnh tiếp tục chặng đường thứ hai. Chị liều gõ cửa Lãnh sự quán Pháp với mong muốn được hỗ trợ chút ít, cỡ 1.000 Quan gì đó (tương đương 20 triệu đồng). Tuy nhiên, dù ít nhiều thì cũng phải làm đúng thủ tục. Lãnh sự quán yêu cầu chị gửi dự án tiền khả thi sang vùng Rhones Alpes. Chị đã tìm cách khăn gói một mình sang Pháp thuyết trình dự án. TS. Hạnh tâm sự “Ban đầu tôi run lắm. Ngày trước có học ở bên đó nhưng chưa bao giờ vào những cơ quan nhà nước. Sợ nhất là những câu hỏi liên quan đến chính trị. Cuối cùng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì buổi thuyết trình được hội đồng vùng vốn khó tính vỗ tay hưởng ứng”. Năm 2003, TS. Hạnh vô cùng bất ngờ khi Hội đồng vùng Rhones Alpes quyết định tài trợ cho dự án 600.000 EUR (khoảng 13 tỷ đồng) trong 6 năm (2003-2008), một số tiền khá lớn để làm khoa học ở Việt Nam.
Mười hecta “khu bảo tàng tre và bảo tồn thực vật Phú An” được chia làm hai phần.
Một phần là bảo tàng, trưng bày các các sản phẩm, nhạc cụ từ tre như đàn prông, đàn tơrưng... Cùng với sản phẩm nghệ thuật từ tre là mê cung tre, một màu xanh ngát của những rặng tre lạ, quý, những thảm cỏ mịn màng. Một sa bàn Việt Nam hình chữ S uốn lượn xung quanh khu bảo tàng, được kết nên bởi những cây họ đậu có khả năng cải thiện đất. Mỗi vùng trên sa bàn được tạo hình đồi núi và trồng các loại tre đặc trưng.
Phần còn lại của công trình là khu bảo tồn thực vật, in đậm phong cách và bóng dáng của vị nữ tiến sĩ say mê nghiên cứu. Đó là một khu dành cho sinh viên, các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tre, cách thức gieo trồng và nhân giống tre… Nơi đây còn bảo tồn một số loài thực vật có tên trong sách đỏ của vùng Đông Nam bộ, nhiều loại thực vật có khả năng hút chất độc từ đất… Đây là địa điểm lý tưởng cho sinh viên nghiên cứu. Hiện TS. Hạnh đang hướng dẫn hai học trò làm thạc sỹ, bốn sinh viên làm khóa luận về tre. Chủ nhật hàng tuần thầy trò lại xuống Phú An nghiên cứu. Mảnh đất hoang rộng 10ha ngày nào, giờ trở thành một trung tâm nghiên cứu tre đồ sộ với trên 1.500 bụi tre của 17 giống với 300 mẫu tre khác nhau. Bộ sưu tập được chị công phu phân chia theo từng khu vực: Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc bộ… Trên mỗi bụi tre được đánh dấu tên gọi địa phương, tên khoa học, tọa độ tìm thấy, thời gian và tên người sưu tầm. Tận mắt chứng kiến làng tre Phú An mới cảm hết tâm và lực của TS. Hạnh.
Một chuyên gia Pháp, đại diện của Hội Đồng vùng Rhones Alpes, được cử sang khảo sát dự án trước khi quyết định đầu tư. Đến Việt Nam, anh băn khoăn, chưa tin. Nhưng khi đến Phú An, tiếp xúc với người dân, tận mắt chứng kiến ý tưởng đầy tâm huyết được dân chúng ủng hộ của TS. Hạnh, mọi nghi ngờ đã xóa hết. Anh đã giúp đỡ chị nhiều trong việc thuyết phục Hội đồng vùng đồng ý tài trợ cho dự án làng tre Phú An. Bạn bè nói đùa rằng “bộ đội ta có đặc công, TS. Hạnh cũng có, nhưng là đặc công Tây”.
Tháng 11 năm 2007, nữ sinh viên Julie Logel bị thuyết phục bởi dự án của TS. Hạnh, đã tình nguyện sang Việt Nam giúp đỡ dự án của chị từ những việc nhỏ như dọn dẹp, sơn tre hay tổ chức mọi công việc hàng ngày cho trung tâm trong 8 tháng. Mới đây, cô Pauline (22 tuổi) cũng tới làng tre Phú An để thực tập và làm tình nguyện viên.
“Vua chế tạo cơ khí” VÕ HOÀNG LIỆT
Năm 1979 chàng trai trẻ chân quê Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp Võ Hoàng Liệt đón tin vui được vào Trường Đại học Bách Khoa, Khoa Cơ khí. Ra trường năm 1983, Võ Hoàng Liệt nhận quyết định về nhà máy bột ngọt Thiên Hương, làm việc ở bộ phận kỹ thuật của phân xưởng cơ điện. Ngày ngồi 2 giờ trên xe cơ quan đưa đón công nhân. Với Võ Hoàng Liệt thì suốt mấy năm ở Thiên Hương, đó là 2 giờ tự học quý giá. Trên những chuyến xe đưa đón công nhân ấy, anh kiếm một góc để đọc và tự học, chẳng cần biết gì khác, kể cả đến… Tây Thi nếu có trên xe thì anh cũng chẳng hay! Năm 1989, bột ngọt Thiên Hương khó khăn trong sản xuất. Ít việc, CB – CNV nhà máy mạnh ai nấy ngược xuôi tìm việc để mưu sinh. Biết Võ Hoàng Liệt là kỹ sư cơ khí có chí, năm 1990 một nhóm bạn cùng anh chung sức góp vốn thành lập cơ sở sản xuất do anh chủ đạo về kỹ thuật. Sản phẩm đầu tiên là dây chuyền sản xuất mì ăn liền, made in Việt Nam, được làm ra tại một cơ sở sản xuất nhỏ ở Bến Vân Đồn, bên con kênh ở quận 4. Sản phẩm đầu tay do anh thiết kế, chế tạo gây tiếng vang khắp cả nước thời bấy giờ. Sản phẩm tung ra thị trường được tiêu thụ mạnh từ Nam chí Bắc. Vì đó là những dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ mà từ trước đến nay Việt Nam hoàn toàn phải nhập khẩu với giá “cắt cổ”, nhiều nhà đầu tư trong nước không dám mơ tưởng.
Thành công đầu tiên như một làn gió lành thổi vào một lĩnh vực khá mới lạ, chưa mấy ai dám nghĩ tới chứ đừng nói là bắt tay làm. Đó là lĩnh vực chế tạo các dây chuyền cơ khí khép kín, tự động hóa.
Năm 1991 Cơ sở thiết bị (LIDUTA) chính thức được thành lập. Mười tám năm qua, sản phẩm của Võ Hoàng Liệt – LIDUTA liệt kê khó hết:
Dây chuyền chiết rót vô chai đóng nắp chai.
Hệ thống sấy bột nhẹ liên tục tự động.
Các loại máy đóng gói bao bì tự động.
Máy định lượng vô lon tự động chất bột.
Dây chuyền lấy thịt nghêu tự động.
Băng tải xích, băng tải lưới inox.
Hệ thống hút bụi khói khí độc.
Máy nướng, cán, xé khô mực tự động.
Hệ thống nghiền siêu mịn các loại.
Dây chuyền pha chế sản xuất thuốc trừ sâu.
Máy trộn thùng khuấy các loại.
Dây chuyền sản xuất bột cá tự động.
Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan.
Dây chuyền sản xuất kẹo sôcôla, máy nấu kẹo.
…
Cùng với những sản phẩm thì danh sách những tưởng thưởng, tôn vinh, khen tặng cũng dày thêm mãi, với gần 40 giấy khen, bằng khen của các cấp từ TW đến địa phương. Thư khen của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ngày 07/01/2003 có đoạn viết: “Tôi biểu dương thành tích đã đạt được của ông cùng tập thế cán bộ, công nhân viên Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị. Tôi mong rằng trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của ông, trung tâm tiếp tục phấn đấu và đạt nhiều thành tựu hơn nữa trên lĩnh vực phát triển công nghệ và thiết bị mới, góp phần cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, mẫu mã đẹp và phù hợp với điều kiện Việt Nam, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Gặp lại PHAN TRÍ DŨNG
Trong số báo trước, STINFO đã có bài về anh với một thành công đáng chú ý về thiết bị xử lý chất thải bệnh viện. Trong chương trình Người Đương Thời trên VTV1 đêm chủ nhật 14/3/2009, chúng ta thấy Phan Trí Dũng với Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ PETECH như một biểu tượng thành công điển hình trong thương mại hóa các sản phẩm bắt nguồn từ những nghiên cứu của anh và đồng nghiệp. Từ tay trắng cách đây khoảng 10 năm, giờ anh đã tích lũy được một tài sản hữu hình tới khoảng 30 tỷ đồng cùng khoảng 50 tỷ tài sản vô hình do anh ước tính. Đó là nền tảng phục vụ các kế hoạch nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh của anh. Thành công điển hình được nhắc tới là hệ thống xử lý nhà vệ sinh trên tàu hỏa. Anh cho biết thành công này là kết quả của 3 năm nghiên cứu và 5 năm tìm đường lên những con tàu Việt Nam.
Mẫu số chung của PETECH, LIDUTA, LÀNG TRE PHÚ AN, và...
Cái mà ai cũng thấy được ở TS. Mỹ Hạnh, KS. Võ Hoàng Liệt, KS. Phan Trí Dũng là sự thành công đáng nể của những trí tuệ sắc sảo, của sự dũng cảm đáng khâm phục, của lòng kiên trì đến kỳ lạ!
Nhưng còn điều ít người biết là con đường họ đi khó khăn lắm, chông gai hơn những hoạt động kinh doanh khác rất nhiều. Khi biên tập viên, người dẫn chương trình VTV1 Tạ Bích Loan hỏi anh Phan Trí Dũng về khó khăn của việc kinh doanh những sản phẩm khoa học – công nghệ do anh sáng tạo, Phan Trí Dũng đã dè dặt nói về sợi dây chông chênh mà những nhà “nghiên cứu - chế tạo - bán hàng” Việt Nam đang phải liều vượt qua như các “diễn viên xiếc”. Họ phải biết giữ thăng bằng, nghiêng một chút bên này thì ngã vì luật pháp, một chút bên kia thì ngã vì phá sản! Thì ra trí tuệ, dũng cảm, kiên gan không đủ, họ còn phải cực kỳ khôn khéo. Tiếc thay, người làm khoa học – công nghệ hội đủ những tính ấy thật ít, chẳng những ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Võ Hoàng Liệt thành công là thế, nhìn qua thì thấy như mơ mà vẫn tâm tư: “Thầy của tôi gặp tôi và ông thất vọng. Ông nói 15 năm về trước em đã gần như hôm nay! Đến giờ vẫn thế, vẫn sản xuất nhỏ, manh mún. Không phát triển được có nghĩa là mình đi xuống. Bản thân tôi vừa nghiên cứu, chế tạo máy vừa tiếp thị kinh doanh, làm kinh tế nên thật lúng túng. Tôi chỉ biết làm máy chứ không biết bán máy. Tôi có thể làm ra được nhiều sản phẩm nhưng tôi không biết bán ở đâu, tổ chức bán như thế nào”.
Phòng thí nghiệm - Làng Tre Phú An đang thực hiện nhiều ý tưởng khoa học. Làng tre hiện đã có 300 mẫu nhưng mới chỉ định danh được 60 mẫu. Để định danh và thực hiện các nghiên cứu khác, rất nhiều các đặc tính thực vật của tre như thân ngầm, mô, cành, lá phải được “mã hóa và xử lý” trong phần mềm vi tính XPER2, do Giáo sư Régine Vignes Lebbe của ĐH Jussieu Paris VI viết (trong chương trình hợp tác nghiên cứu với TS. Mỹ Hạnh). Đây có thể sẽ là công trình nghiên cứu có giá trị khoa học đáng kể. TS. Mỹ Hạnh cùng các học trò đang ấp ủ nhiều đề tài về tre như: ứng dụng tre để hấp thu chì, kim loại nặng để giải phóng đất bị ô nhiễm; nghiên cứu loài tre nào có thể dùng sợi tre để làm bio-composite thay thế cho composite thông thường; nghiên cứu sử dụng cellulose của tre để làm nguyên liệu chống thấm nước, chế tạo ra các loại vải, túi nylon sinh học, thay thế cho mặt hàng nylon nhựa… Cùng với ý nghĩa khoa học, dự án đương nhiên có thể xây dựng Phú An thành một khu du lịch sinh thái, một điểm văn hóa về cây tre Việt Nam. Du khách đã đến Phú An, khách ngoại giao quốc tế cũng đã thăm Phú An. Sinh viên, nghiên cứu sinh thì làm việc ở đây như phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu. Vùng Rhones Alpes đánh giá đây là dự án thành công nhất mà họ hợp tác với nước ngoài. Ấy vậy nhưng TS. Mỹ Hạnh vẫn không hiểu rồi Làng Tre sẽ đi về đâu khi nhiều lối đi, nhiều con đường đã bị cỏ dại chen mọc. Từ tháng 7/2008 nguồn kinh phí của vùng Rhones Alpes cấp đã hết. Sẽ có người nói rằng, đã đến lúc TS. Hạnh phải tạo ra nguồn thu để duy trì và phát triển. Nếu vậy, có thể nói khá chắc chắn rằng Phòng thí nghiệm – Vườn tre – Điểm du lịch Phú An sẽ mau chóng trở lại là những lũy tre làng ngàn đời kẽo kẹt gió đưa.
Có lẽ ít người dám mơ tới những thành công như Phan Trí Dũng, Võ Hoàng Liệt, Diệp Thị Mỹ Hạnh, Đinh Tiến Sơn (STINFO số 1/2009) trên con đường thương mại hóa các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu sáng tạo của họ. Nhưng còn xa lắm các nhà nghiên cứu – chế tạo Việt Nam mới đứng vững chứ chưa nói bén gót những gương sáng đã tạo ra những người khổng lồ IBM, Microsoft, HP, Apple, Intel, Ford, Toyota, Pfizer,… bằng những sáng tạo của con người.
Khó có doanh nhân nào bắt tay lâu dài với các nhà nghiên cứu – chế tạo của ta hiện nay nếu họ muốn kiếm lời. Lý do đơn giản là thành tựu của các nhà nghiên cứu của ta là đáng khâm phục, nhưng chưa đến mức sản xuất công nghiệp, đồng tiền kiếm được quá bấp bênh, không bền vững. Kinh doanh trên các sản phẩm, dịch vụ khoa học – công nghệ quốc tế đã ở quy mô công nghiệp mới chắc thắng. Chỉ có Nhà nước mới có thể biến sợi dây chòng chành thành chiếc cầu vững chắc cho các nhà khoa học – công nghệ Việt Nam yên tâm đi qua chặng đường gian nan từ ý tưởng đến sản phẩm rồi tới thị trường. Khi mà hàng ngàn, hàng vạn người đã đi qua chiếc cầu đó thì may ra mới có người theo gót Bill Gate.
BÍCH HẰNG – UYÊN MY