SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng kiến trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Tự tin, lạc quan với “thương hiệu” của một địa chỉ đào tạo nhân lực luôn “đắt hàng”, Thầy Đỗ Chí Phi bộc lộ bí quyết để có thương hiệu ấy là những điều giản dị nhưng cần có tâm…
 

Tự tin đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp
 

Trong khi sinh viên ngành kỹ thuật nhiều nơi ra trường thường chưa làm được việc do môi trường công ty khác xa với bài vở được học thì sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng hoàn toàn tự tin làm được việc ngay mà không phải “cầm tay chỉ việc”. Không chỉ thế, sinh viên Cao Thắng ra trường hầu hết đều có việc làm ngay, thậm chí còn được nhiều doanh nghiệp chủ động liên lạc đặt hàng tuyển sinh viên Cao Thắng vào làm việc. Thầy Đỗ Chí Phi (Trưởng bộ môn Điện công nghiệp, Khoa Điện – Điện lạnh) chia sẻ, đó như là tiêu chí phấn đấu, là thương hiệu của trường Cao Thắng, quá trình đào tạo luôn bám sát thực tiễn và thay đổi phương thức đào tạo sao cho phù hợp yêu cầu doanh nghiệp.
 

 
Thầy Đỗ Chí Phi bên một sản phẩm của mình.

Mỗi năm, ngoài tuyển sinh, Trường Cao Thắng đều đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp dưới các hình thức: cử cán bộ đến đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo nâng bậc thợ, gởi sinh viên thực tập tại doanh nghiệp…Năm 2011, Trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho khoảng 500 công nhân, cán bộ kỹ thuật theo yêu cầu của 46 doanh nghiệp như: Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Tây Ninh, Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn, Cty Nhà máy Thép Nam Vinh, Cty TNHH Sản xuất Cơ khí Hiền Linh, Tổng Cty Du lịch Sài Gòn, Xí nghiệp xăng dầu Cát Lái, Cty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Cty TNHH MTV Huyndai-Vina, Cty CP Pin ắc quy miền Nam, Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, Cty Cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket…. Quan hệ tốt với các doanh nghiệp là một trong yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Trường Cao Thắng.
 

Ngoài ra, được sự tín nhiệm của nhiều đơn vị bạn, một số trường cao đẳng nghề ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM… thường xuyên hợp tác liên kết, nhờ hỗ trợ đào tạo từ phía Trường Cao Thắng. Mặt khác, một truyền thống tốt đẹp luôn được duy trì là các thế hệ sinh viên Cao Thắng thường xuyên giữ liên lạc với Trường, với các thầy để nhờ giới thiệu sinh viên thực tập hoặc giới thiệu việc làm. Các mối quan hệ này đã gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, công tác đào tạo nhờ đó bám sát và đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Thầy Phi cho biết, mỗi năm, Khoa Điện – Điện lạnh đào tạo khoảng 500 sinh viên ra trường, đều có việc làm ổn định. Ngay khi còn thực tập, các sinh viên đã được doanh nghiệp trả lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Hiện có rất nhiều sinh viên Cao Thắng là cán bộ kỹ thuật của các công ty lớn như: Intel, Unilever, PNG, Nhà máy sữa Vinamilk…

 
Sinh viên Cao Thắng được chú trọng đào tạo thực hành sát với thực tiễn.

Nhu cầu về công nhân, cán bộ kỹ thuật của các nhà máy, doanh nghiệp các ngành cơ khí, tự động hóa, điện lạnh, điện công nghiệp, dệt may, chế biến… hiện nay rất lớn, đây chính là điều kiện để tập thể trường Cao Thắng thể hiện năng lực “trồng người” và đáp lại sự tin cậy của doanh nghiệp và xã hội.
 

“Ghi công” những sáng kiến giảng dạy
 

“Tiếng lành đồn xa” của thương hiệu Cao Thắng chính là nhờ những sáng kiến thiết thực trong quá trình giảng dạy. Sinh viên Cao Thắng được chú trọng đào tạo thực hành với những mô hình, học cụ trực quan sinh động, sát với thực tế nên “vững tay nghề” khi ra trường.
 

Vừa dạy, vừa nghiên cứu, các thầy của Trường Cao Thắng đã cho ra đời nhiều mô hình thực hành để giảng dạy. Riêng Thầy Phi, suốt 15 năm đã nghiên cứu cho ra hàng trăm mô hình dạy học với các công nghệ mới theo hướng phát triển của thực tế sản xuất. 

 

Ví dụ, với cùng chức năng gắp sản phẩm, ở mô hình “lưu kho tự động”, cần cẩu sử dụng nguyên lý điện từ thì tay gắp ở mô hình “tay gắp – băng tải phân loại sản phẩm” lại được điều khiển bằng khí nén. Hay như mô hình “điều khiển động cơ vòng kín”, ứng dụng chuẩn truyền thông RS485 là kỹ thuật được sử dụng rất rộng rãi trong ngành tự động hóa hiện nay. Mô hình “băng tải phân loại sản phẩm theo màu sắc”, mô hình “máy khoan mộng gỗ hình oval tự động”… giúp sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ tự động, cơ điện tử thực hành viết chương trình điều khiển thông qua các loại PLC, rất phù hợp với tình hình thiết bị điều khiển đa dạng như hiện nay. Mô hình “bãi giữ xe tự động” mô phỏng một bãi giữ xe tự động như ở các nước phát triển: tự đưa xe vào chỗ và tự đưa xe ra theo yêu cầu. Mô hình “biến tần IG5A” là bộ biến tần điều khiển tốc độ động cơ, được chế tạo giúp sinh viên thực tập, cài đặt vận hành dễ dàng… 
 

Thầy Phi cho biết, nhiều mô hình phải mất thời gian hơn một năm lăn lộn tại các doanh nghiệp để tìm hiểu rồi mày mò nghiên cứu cho ra mô hình phục vụ công tác giảng dạy. Chưa kể, nguồn kinh phí để nghiên cứu và chế tạo các dụng cụ, mô hình dạy học không nhiều nên phần lớn các thầy cô phải tự xoay xở. Tuy nhiên, với tâm huyết cùng “duyên nghiệp” trên “mảnh đất lành”, Thầy Phi và tập thể Trường Cao Thắng vẫn luôn vững tâm với hướng đi của mình. Được xã hội đón nhận là động lực để các thế hệ thầy trò Cao Thắng vượt khó, sáng tạo, cống hiến.
 

Mỗi năm Trường Cao Thắng đều tổ chức cuộc thi “mô hình, học cụ tự chế” nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, phục vụ nhu cầu thực hành giảng dạy, học tập. Tuy vậy, Thầy Phi không dấu trăn trở về phát triển hoạt động của một trung tâm chuyển giao thiết bị công nghệ để giải quyết những vấn đề như hướng dẫn sử dụng công nghệ thiết bị theo yêu cầu doanh nghiệp; tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận công nghệ mới và nâng cao chuyên môn tay nghề; có thêm nhiều thiết bị thực hành cho sinh viên học tập nghiên cứu; là nơi trao đổi, nghiên cứu chuyển giao thiết bị máy móc, kết nối nhà trường - doanh nghiệp…

 

Lam Vân, STINFO Số 10/2012.
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả