SpStinet - vwpChiTiet

 

NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI VÀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU

Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm “nhượng quyền thương mại” với “chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu” nên khi ký kết các hợp đồng giao dịch, nhất là khi đối tác là một bên nước ngoài, doanh nghiệp có thể phải chịu nhiều rủi ro khi mà nội dung giao kết không phù hợp với hình thức hợp đồng.

Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (Licence), tình huống PCWORLD thuộc tập đoàn IDG
Theo quy định tại điều 141.1 Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT)Việt Nam thì chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
Chúng ta xem xét một thí dụ: đông đảo người làm việc với máy vi tính ở Việt Nam rất quen thuộc với tạp chí “Thế Giới Vi Tính - PCWORLD VN”. Dòng PCWORLD có mặt trên khoảng 40 quốc gia trên thế giới, từ Mỹ tới Nga, Đức, Indonesia, Phippines, Hongkong, Việt Nam,… Nhãn hiệu PCWORLD là tài sản vô hình do Tập đoàn Dữ Liệu Quốc Tế (International Data Group – IDG) sở hữu. Tại mỗi quốc gia, IDG có thể cho phép một ấn phẩm nào đó về công nghệ thông tin (CNTT) được sử dụng nhãn hiệu PCWORLD với những chính sách rất khác nhau. Chẳng hạn PCWORLD ở Nga hàng năm sẽ trả cho IDG một số phần trăm nào đó từ tổng doanh thu (thường là từ 8% trở xuống), PCWORLD ở Đức thì trả cho IDG phần trăm thu nhập theo tỷ lệ đầu tư. PCWORLD Việt Nam thì theo TS. Nguyễn Trọng nguyên Tổng Biên tập PCWORLD Việt Nam (1992-2004), IDG hoàn toàn không ràng buộc bằng bất cứ quyền lợi gì. Đây là một trường hợp đặc biệt, có thể xem đó là một hỗ trợ vô giá không hoàn lại mà Tập đoàn IDG đã giành cho CNTT Việt Nam nói chung và Tạp chí Thế Giới Vi Tính nói riêng.
Nhìn chung, các thỏa thuận thuộc loại “chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu” rất mềm dẻo. Hai bên có thể tự thỏa thuận với nhau theo nguyên tắc: bên giao (chuyển quyền) thường thu lại tỷ lệ nào đó theo doanh số hoặc theo lượng sản phẩm bán được. Cũng có trường hợp họ nhìn về lợi ích lâu dài hoặc do những lý do đặc biệt mà không thu lợi nhuận. Nhìn chung, để giữ uy tín cho nhãn hiệu, bên giao luôn có những tiêu chuẩn, trong nhiều trường hợp là rất nghiêm ngặt đặt ra cho bên nhận và có những hỗ trợ nhất định (thường không nhiều) để duy trì uy tín nhãn hiệu. Đối với  hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, hợp đồng có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (Điều 148.2 Luật SHTT). Lợi ích của việc được phép gắn một nhãn nổi tiếng lên một sản phẩm là rất lớn, vì vậy người ta luôn có nhu cầu được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu từ những nhãn hiệu này. Chẳng hạn: một chiếc áo sơ mi giá bình thường chỉ cỡ 100.000 đồng, khi được gắn nhãn hiệu Pierre Cardin thì giá của nó được khách hàng toàn thế giới chấp nhận sẽ tương đương 60 – 70 USD (khoảng 1 triệu đồng). Các mặt hàng điện tử gia dụng ngày nay gần như tất cả đều là Sanyo, Toshiba, … nhưng made in China, Thailand, Malaysia, Vietnam,… phần lớn chúng được sản xuất từ các quốc gia đó nhưng được phép mang những nhãn hiệu Nhật Bản nổi tiếng. Chất lượng của những sản phẩm này nhìn chung là tốt (tuy có thể ít nhiều thua kém sản phẩm chính hãng). Nhưng người tiêu dùng cũng cần lưu ý, hiện trên thị trường có rất nhiều hàng giả gắn các nhãn hiệu nổi tiếng một cách bất hợp pháp.   

Nhượng quyền thương mại (Franchise), tình huống Phở 24 


 

Nhiều người trong chúng ta hẳn đã thấy bao nhiêu là quán “Cháo vịt Thanh Đa”, và ở đầu cầu Bắc Mỹ Thuận thì bao nhiêu là “Quán Tư Béo”, chẳng quán nào giống quán nào. Quán Cháo vịt Thanh Đa này thì “rất ngon” nhưng quán kia chỉ “ăn được” và nhiều quán thì... “nuốt không trôi”! Đó là trò lừa đảo chiếm dụng nhãn hiệu của người khác để đánh lừa khách hàng.  Nhưng lại có rất nhiều quán Phở 24 ở khắp nơi tại TP. HCM, Vũng Tàu, Hà Nội, …  rất giống nhau, từ cách trưng bày, màu sắc trang phục của nhân viên phục vụ đến mùi vị, khối lượng bánh phở, thịt,…  Đó là kết quả của việc nhượng quyền thương mại của thương hiệu Phở 24. Các quán cà phê Trung Nguyên thì nhiều hơn, nhưng những quán này chưa đủ điều kiện để trở thành hệ thống cửa hàng “nhượng quyền thương mại” vì chúng khác nhau quá.
Tại Việt Nam, theo điều 284 Luật Thương mại năm 2005, thì nhượng quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại mà bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau:
• Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo phương thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
• Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Mục đích của hoạt động nhượng quyền thương mại là phát triển rộng một hệ thống kinh doanh đã được chứng minh là thành công. Để đạt được điều này, bên nhượng quyền và bên nhận quyền thỏa thuận thông qua một hợp đồng, theo đó bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền sử dụng hệ thống kinh doanh của mình để kinh doanh những sản phẩm dịch vụ xác định và bên nhận quyền có nghĩa vụ trả phí cho quyền sử dụng này. Hệ thống kinh doanh ở đây không chỉ liên quan đến sản phẩm dịch vụ mà còn bao gồm cả nhãn hiệu hàng hóa, logo, biểu trưng…, công nghệ sản xuất sản phẩm, quy trình cung cấp dịch vụ, tiêu chuẩn sản phẩm dịch vụ, chiến lược kinh doanh, chính sách khách hàng, kế hoạch đào tạo nhân viên, hệ thống lưu trữ, chế độ kế toán, kiểm toán…
Đặc trưng của hình thức này là mối quan hệ kinh doanh toàn diện và liên tục giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền dựa trên mối tương quan chi phí-lợi nhuận. Nhượng quyền thương mại là một phương thức nhân rộng nhãn hiệu, nhân rộng mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền. Hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng rất đa dạng. Tuy nhiên thường có những quy định chính như: thời gian cho phép sử dụng quyền thương mại; bên nhận quyền trả cho bên nhượng quyền một khoản mua quyền ban đầu (lớn nhỏ thường phụ thuộc giá trị thương hiệu được nhượng quyền), hàng năm bên nhận quyền trả cho bên nhượng quyền số tiền theo doanh số hoặc theo khoán. Chẳng hạn, phí ban đầu mua quyền thương mại thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng bậc nhất thế giới McDonald’s là 45.000 USD và phí hàng tháng là 1,9% doanh số (giá 2005). Bên nhượng quyền sẽ huấn luyện nhân sự, chuyển giao công nghệ sản xuất, thiết kế cơ sở sản xuất – kinh doanh cho bên nhận quyền theo đúng quy định chung, đôi khi còn cả việc cung ứng các nguyên liệu đặc chủng cho các sản phẩm của hệ thống,…
Để xây dựng một chiến lược kinh doanh có hiệu quả với giải pháp hợp tác thương hiệu với nhiều mức độ khác nhau như trên đã nói, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ bản chất của từng nội dung muốn nhận hoặc chuyển giao quyền liên quan đến thương hiệu. Từ đó, doanh nghiệp sẽ chủ động trong đàm phán với đối tác và ký  kết hợp đồng chuyển giao phù hợp với nội dung khi tiếp nhận hoặc chuyển giao các loại quyền trong kinh doanh.

Hoàng Tố Như - Phòng SHTT - Sở KH&CN TP.HCM