Nếu ví TPM như là một tòa nhà thì nguyên tắc 5S là nền móng và 8 nội dung thực hiện là trụ cột của ngôi nhà đó.
Nguyên tắc 5S bao gồm: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng. 5S tạo sự thông thoáng, an toàn, ngăn nắp cho nơi làm việc, đỡ mất thời gian cho việc tìm kiếm vật tư, hồ sơ cũng như tránh sự nhầm lẫn.
8 trụ cột TPM bao gồm: 1. Bảo trì tự quản (Autonomous Maintenance): người vận hành máy nhận chuyển giao một số công việc của bộ phận bảo trì để biết sửa chữa, bảo trì máy và nhận diện các hư hỏng ở một mức độ nhất định. Như vậy đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên sẽ có thời gian thực hiện các công việc khác phức tạp hơn, giảm lãng phí nhân lực.
2. Bảo trì có kế hoạch (Planned Maintenance): nhằm thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để tránh dừng máy đột ngột, tránh các lỗi lặp đi lặp lại, tăng tuổi thọ máy, giảm thời gian sửa chữa khắc phục và chi phí bảo trì.
3. Quản lý chất lượng (Quality Management): xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng tốt, kiểm soát chất lượng từ khâu đầu tiên đến khâu phân phối và hậu mãi, có hệ thống khắc phục và phòng ngừa. Đồng thời phân tích quá trình thiết bị sản xuất sản phẩm để tìm ra các điểm dễ xảy ra lỗi và tiến hành khắc phục.
4. Cải tiến có trọng điểm (Focus Improvement): ưu tiên tập trung cải tiến những vấn đề có tính quan trọng then chốt trước. Bên cạnh đó vẫn khuyến khích những sáng kiến cải tiến nhỏ của từng cá nhân hoặc từng bộ phận trong công ty.
5. Huấn luyện và đào tạo (Training & Education): nếu không có quá trình đào tạo đúng và chuẩn hóa, TPM và hệ thống bảo trì nói chung, sẽ không thành hiện thực. Việc đào tạo không chỉ là tham dự các khóa học mà còn phải hiểu rõ những gì được truyền đạt.
6. An toàn và sức khoẻ (Safety & Health): nhằm không có tai nạn lao động, không có bệnh nghề nghiệp, không tác động đến môi trường. Đặc biệt nội dung này nhấn mạnh đến an toàn của người vận hành thiết bị.
7. Hệ thống hỗ trợ (Support Systems): các hoạt động TPM của bộ phận hành chính, cung ứng, bán hàng và hậu mãi rất quan trọng… vì nhiệm vụ của họ là thu thập, xử lý, cung cấp thông tin cũng như phục vụ các nhu cầu khác của sản xuất.
8. Quản lý từ đầu (Initial Phase Management): xem xét mọi giai đoạn của sản xuất từ đầu đến cuối và tìm cách cải thiện các điểm yếu ngay từ đầu.
Chỉ số đo mức độ hiệu quả của TPM Hiệu quả hoạt động của máy móc được tính toán dựa trên 03 chỉ số sau:
Mức hữu dụng (Availability) - lượng thời gian một thiết bị có thể hoạt động tối đa sau khi đã trừ đi thời gian dừng máy bắt buộc;
Mức hữu dụng = ((tổng số thời gian sản xuất có thể - thời gian chết) × 100) / (tổng số thời gian sản xuất có thể)
Hiệu suất thực hiện (Performance efficiency) - sản lượng thực tế của máy khi hoạt động so với năng suất thiết kế tối đa hay sản lượng tối đa trong điều kiện hoạt động liên tục.
Hiệu suất (%) = (số sản phẩm sản xuất được × 100) / (số sản phẩm có thể sản xuất)
Chất lượng của sản phẩm - Chất lượng của sản phẩm là tỷ lệ sản phẩm chấp nhận được trên tổng số sản phẩm được sản xuất (bao gồm cả sản phẩm hỏng)
Chất lượng (%) = ((số sản phẩm sản xuất - số khuyết tật) × 100) / (số sản phẩm sản xuất)
Có rất nhiều chỉ số để đo lường hiệu quả của TPM. Chỉ số quan trọng hay sử dụng là OEE (Mức hữu dụng thiết bị toàn phần) dựa trên cả ba tiêu chí: mức hữu dụng, hiệu suất thực hiện và chất lượng.
OEE = Mức hữu dụng x Hiệu suất x Chất lượng
Ví dụ: nếu mức hữu dụng là 100%, hiệu suất thực hiện là 75%, và chất lượng là 75% thì: OEE = 100% x 75%x75% = 56%.
Như vậy, ngay cả khi máy móc hoạt động với 100% thời gian nhưng nếu hiệu suất và chất lượng của sản phẩm không tốt thì OEE cũng không tốt.
Ngoài ra, để đo lường hiệu quả của TPM, người ta còn sử dụng một chỉ số khác là TEEP (Tổng mức hữu dụng thiết bị). TEEP đo mức độ hữu dụng của thiết bị trong cả năm gồm 24 giờ một ngày và 365 ngày một năm.
TEEP = Mức hữu dụng cả năm x OEE
Mức hữu dụng cả năm là tỉ lệ thời gian thiết bị thực sự vận hành trên 24 giờ và 365 ngày. Ví dụ: trong năm thiết bị chạy 300 ngày, một ngày 20 tiếng thì
Mức hữu dụng cả năm = (20 x 300) / (24 x 356) = 68,5%
Khi phân tích các mất mát có thể xảy ra với OEE, TEEP, nhiều công ty sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng còn rất nhiều khả năng để tăng sản lượng trên từng thiết bị cụ thể. Một công ty thường có OEE khoảng 50%. Điều đó có nghĩa là thiết bị chỉ được sử dụng ở ½ năng suất thiết kế. Nếu áp dụng TPM thành công thì ngay cả những thiết bị cũ kỹ và hay hỏng hóc cũng có thể cho một chỉ số OEE đáng ngạc nhiên. Đo lường giá trị OEE rất có ích trong việc xác định các nguồn gây ách tắc (mức hữu dụng, hiệu suất hay chất lượng), ra các quyết định đầu tư thiết bị và giám sát tính hiệu quả của các chương trình tăng năng suất thiết bị. Nhiệm vụ của TPM là thông qua các nhóm hành động, tiến hành các cải tiến để giảm thiểu các mất mát, do đó nâng cao mức hữu dụng thiết bị toàn phần.
Làm sao để áp dụng TPM trong công ty? Để thực hiện TPM cần 12 bước, được chia thành 4 giai đoạn.
Giai đoạn chuẩn bị: từ bước 1 đến bước 5. Giai đoạn này rất quan trọng vì nó đặt nền móng cho ngôi nhà TPM.
Bước 1: lãnh đạo cao nhất giới thiệu TPM để đạt sự quyết tâm và đồng thuận áp dụng TPM trong toàn công ty. Quá trình chuẩn bị cho TPM chính thức được bắt đầu khi tuyên bố được đưa ra.
Bước 2: đào tạo về TPM cho nhân viên công ty.
Bước 3: hoạch định các tổ chức tiến hành thực hiện TPM. Các tổ chức này có cấu trúc đa cấp, có nghĩa là trưởng nhóm ở dưới sẽ là thành viên của nhóm trên một bậc. Ban lãnh đạo cao nhất cũng là một nhóm nhỏ. Hệ thống này rất hiệu quả trong việc đưa các chính sách và mục tiêu từ các lãnh đạo xuống toàn hệ thống. Các tổ chức này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của dự án TPM, đặc biệt là bảo trì tự quản và cải tiến có trọng điểm. Cần có một bộ phận chuyên trách về TPM trong công ty. Bộ phận này sẽ chuẩn bị kế hoạch TPM, cập nhật các hoạt động, thông tin.
Bước 4: thiết lập các chính sách cơ bản và các mục tiêu của TPM.
Bước 5: trình bày kế hoạch phát triển TPM để đi đến quyết định hoạt động nào sẽ được tiến hành để đạt các mục tiêu của TPM.
Giai đoạn giới thiệu TPM: Bước 6: quá trình thực hiện TPM được tiến hành, ban lãnh đạo cấp cao nhất sẽ nhắc lại quyết tâm thực hiện TPM và trình bày bản kế hoạch và các công việc đã thực hiện.
Giai đoạn thực hiện: từ bước 7 đến bước 11. Các bước này dựa trên 8 cột trụ của TPM. Tùy vào tình huống cụ thể mà thứ tự, thời gian, nội dung hoạt động sẽ được vạch ra khác nhau.
Bước 7: cải tiến hiệu suất của mỗi thiết bị trong dây chuyền sản xuất
Bước 8: tổ chức công việc bảo trì.
Bước 9: thực hiện công việc bảo trì có kế hoạch trong bộ phận bảo trì.
Bước 10: đào tạo để nâng cao các kỹ năng bảo trì và vận hành.
Bước 11: tổ chức công việc quản lý thiết bị.
Giai đoạn củng cố: Bước 12: thực hiện hoàn chỉnh TPM ở mức độ cao hơn. Ngay cả khi mục tiêu của TPM đã đạt được, công ty cũng cần phải phấn đấu để giữ vững các mục tiêu ấy và dần dần tiến lên các mục tiêu cao hơn phù hợp với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của công ty.
Việc áp dụng thành công phương pháp quản lý mới sẽ đem lại những kết quả ngoạn mục mà không tốn kém nhiều như đầu tư nhà xưởng và trang thiết bị. TPM là một công cụ tốt để cải tiến sản xuất. Áp dụng TPM sẽ nâng cao ưu thế cho các quá trình và thiết bị hiện có, giúp doanh nghiệp có các ưu thế để cạnh tranh trên thị trường. Khả năng áp dụng TPM vào thực tế của các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể nếu lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được lợi ích lâu dài của nó, quyết tâm và kiên trì thực hiện.
MỘT SỐ ĐƠN VỊ TƯ VẤN, ĐÀO TẠO VỀ TPM Trường Đào Tạo Nghiệp Vụ & Kỹ Thuật MTC: hiện tại có mở lớp, ngoài ra nhận đào tạo riêng từ 15 người trở lên.
Địa chỉ: 209Bis Nguyễn Văn Thủ, P. Đakao, Q.1, TP. HCM
Điện thoại: 08. 3822 4470 ; Fax: 08. 3822 3051
Email:
[email protected] ; Website: www.mtc.edu.vn
Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC): hiện tại chưa mở lớp nhưng có nhận đào tạo từ 10 người trở lên
Địa chỉ: 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Lầu 5, Phòng 501), Q.3 , TP. HCM
Điện thoại: 08.3930 7987 ; Fax: 08.3930 7992
Email:
[email protected] Trung tâm Bảo trì toàn diện MachCare: hiện tại chưa mở lớp nhưng có nhận đào tạo từ 10 người trở lên
Địa chỉ: 27/49B Hậu Giang, P.4, Q. Tân Bình, TP. HCM
Điện thoại: 08. 3842 9329 - 3890 8381 ; Fax: 08. 3811 2750