SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở (tháng 7/2012)

Để hoạt động KH&CN thực sự đi vào đời sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chuyên trang “Hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở” giới thiệu các thông tin liên quan đến các hoạt động KH&CN, các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động KH&CN nhằm thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước về KH&CN và triển khai ứng dụng các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống trên địa bàn quận/huyện.


HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CƠ SỞ
 

Triển khai hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn Quận 10
 

Trong hai tháng vừa qua, thực hiện kế hoạch năm của Quận, phòng Kinh tế Quận 10 đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng mở lớp tập huấn về đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa tại Quận 10, tham dự lớp tập huấn có hơn 1.000 học viên là cán bộ công nhân viên Quận, 15 phường và ban điều hành khu phố. Nội dung lớp tập huấn nêu rõ các quy định của Nhà nước về quy trình và chu kỳ kiểm định đối với các phương tiện thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Phòng Kinh tế quận 10 cũng đã giao cho 15 phường băng rôn với nội dung “Nghiêm cấm kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng (Điều 8 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa)” và 5 chợ tại Quận: chợ Nguyễn Tri Phương, Hòa Hưng, Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Nhật Tảo với nội dung “Phạt từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng đối với hành vi chưa kiểm định cân trong kinh doanh, mua bán hàng hóa (Điều 8, Nghị định số 54/NĐ-CP)” nhằm nhắc nhở cơ quan chức năng tăng cường quản lý tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, các tiểu thương lưu ý về kiểm định cân trước khi sử dụng cân trên thị trường.


 


Đồng thời Phòng Kinh tế Quận 10 cũng đã tiến hành thành lập Đoàn kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Quận nhằm tăng cường kỷ cương pháp luật về việc định lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với hàng đóng gói sẵn, ngăn chặn tối đa những hành vi có thể xảy ra trong kinh doanh xăng dầu về đo lường, đảm bảo an toàn trong cháy nổ, vệ sinh môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đợt kiểm tra, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về đo lường: các cột đo xăng dầu đều có đầy đủ tem, dấu niêm phong kẹp chì, giấy chứng nhận kiểm định, trang bị đầy đủ bình đong đối chứng khi khách hàng có yêu cầu kiểm tra. Tuy nhiên cũng còn một số cơ sở sản xuất chưa nắm hết các quy định về ghi nhãn hàng hóa, chưa trang bị các loại cân kỹ thuật phù hợp để định lượng sản phẩm chính xác, các đơn vị kinh doanh hầu hết chưa trang bị cân chuyên dùng để tự kiểm tra hàng hóa do các đơn vị sản xuất giao đến.


KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ LUẬT ĐỊNH
 

Hoạt động chuyển giao công nghệ (Theo Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29/11/2006)
 

Một số khái niệm liên quan đến chuyển giao công nghệ (CGCN)
 

- Công nghệ: là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
 

- Chuyển giao công nghệ: là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền CGCN sang bên nhận công nghệ.
 

- Hoạt động chuyển giao công nghệ: bao gồm CGCN và dịch vụ CGCN.
 

- Xúc tiến chuyển giao công nghệ: là hoạt động thúc đẩy, tạo và tìm kiếm cơ hội CGCN; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ.
 

Các đối tượng công nghệ nào được chuyển giao?
 

Đối tượng công nghệ được chuyển giao là một phần hoặc toàn bộ công nghệ sau đây:
 

- Bí quyết kỹ thuật;
 

- Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu;
 

- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.
 

Đối tượng công nghệ được chuyển giao có thể gắn hoặc không gắn với đối tượng sở hữu công nghiệp.
 

Các công nghệ được khuyến khích chuyển giao
 

Công nghệ được khuyến khích chuyển giao là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:
 

- Tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao;
 

- Tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới;
 

- Tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu;
 

- Sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo;
 

- Bảo vệ sức khỏe con người;
 

- Phòng, chống thiên tai, dịch bệnh;
 

- Sản xuất sạch, thân thiện môi trường;
 

- Phát triển ngành, nghề truyền thống.
 

Các công nghệ hạn chế/cấm chuyển giao
 

Hạn chế chuyển giao một số công nghệ nhằm các mục đích: Bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc; Bảo vệ động vật, thực vật, tài nguyên, môi trường; Thực hiện quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 

Công nghệ cấm chuyển giao bao gồm các công nghệ: Không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe con người, bảo vệ tài nguyên và môi trường; Tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Không được chuyển giao theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thuộc danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 

Danh mục các công nghệ khuyến khích/hạn chế/cấm chuyển giao tham khảo Nghị định 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008.
 

Quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ
 

Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ
 

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động CGCN phục vụ nhu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
 

- Ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; phát triển nguồn nhân lực công nghệ đồng bộ với đầu tư đổi mới công nghệ.
 

- Phát triển mạnh thị trường công nghệ; khuyến khích và thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ; đẩy mạnh việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
 

- Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CGCN ở vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động CGCN ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
 

- Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hợp tác quốc tế trong hoạt động CGCN.
 

Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động CGCN
 

- Ban hành, tổ chức thực hiện và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CGCN.
 

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ.
 

- Quản lý thống nhất hoạt động CGCN.
 

- Hợp tác quốc tế về hoạt động CGCN.
 

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về CGCN; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về CGCN. 


Phổ biến chính sách, pháp luật chuyển giao công nghệ
và quyền sở hữu trí tuệ doanh nghiệp tại Sở KH&CN Tp.HCM

 

Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động CGCN:
 

- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động CGCN; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về CGCN theo thẩm quyền;
 

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ trình Chính phủ ban hành;
 

- Xây dựng danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện;
 

- Cấp, thu hồi giấy phép CGCN đối với công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng CGCN;
 

- Công bố danh mục công nghệ được tạo ra bằng ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật;
 

- Tổ chức thực hiện công tác thống kê CGCN theo quy định của pháp luật;
 

- Tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về CGCN;
 

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được Chính phủ ủy quyền hoặc phân công.
 

Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp
 

Trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động CGCN, UBND các cấp có trách nhiệm sau đây:
 

- UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động CGCN tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ;
 

- UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động CGCN tại địa phương.
 

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
 

Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ thành phố
 

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Tp. Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số: 76/2007/QĐ-UBND ngày 16/5/2007 của UBND Thành phố là tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong nước, các kết quả nghiên cứu có triển vọng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại và thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất trên địa bàn Thành phố.
 

Chính sách ưu đãi:
 

- Quỹ cho vay với lãi suất ưu đãi, tối đa bằng 50% lãi suất của ngân hàng thương mại và không cần tài sản thế chấp;
 

- Quỹ tài trợ không thu hồi cho các dự án với mức tài trợ không quá 30% tổng kinh phí thực hiện.
 

Điều kiện cho vay và tài trợ:
 

- Điều kiện cho vay: tổ chức, cá nhân không phân biệt thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố vay vốn của Quỹ để thực hiện các dự án.
 

- Điều kiện tài trợ không thu hồi: tài trợ một phần cho việc thực hiện các dự án theo tiêu chí xét chọn.
 

Hạn mức cho vay và tài trợ:
 

- Hạn mức cho vay tối đa của một dự án là 70% tổng vốn đầu tư của dự án và không vượt quá mười tỷ đồng.
 

- Hạn mức tài trợ cho mỗi dự án không quá 30% tổng kinh phí thực hiện và không quá năm tỷ đồng trong thời gian tối đa là 3 năm.

 

STINFO, Số 7/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả