Thành công nhờ chủ động đầu tư đồng bộ về nhân lực và ứng dụng khoa học và công nghệ nhưng VietBam cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại của một doanh nghiệp công nghệ Việt. Thách thức lớn nhất là tâm lý e ngại của người tiêu dùng đối với sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam”.
Nỗ lực cho hướng đi riêng
Đi vào hoạt động từ năm 2003, ngay từ những ngày đầu, Công ty TNHH Điện tử VENR (VietBam) đã xác định hướng đi riêng với tiêu chí “Hoàn hảo là không giới hạn” và từng bước hướng đến mục tiêu trở thành nhà máy lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử và máy tính uy tín trong khu vực. Chuyên về thiết kế, sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin (CNTT), hệ thống sản phẩm và dịch vụ của VietBam phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, từ máy tính để bàn (cho doanh nghiệp, sinh viên, hoặc chuyên game) đến thiết bị ngoại vi (chuột, bàn phím, loa máy tính); đầu chiếu phim HD; cụm linh kiện máy tính; tư vấn máy tính và quản trị hệ thống.
Nhà máy của VietBam với công suất hơn 600.000 sản phẩm/năm. Ảnh: LV.
Trên thị trường hiện nay, sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài của các thương hiệu lớn như HP, Samsung, Dell,… được sự ủng hộ của khách hàng, tuy nhiên giá thành khá cao. Do vậy, nhóm sản phẩm có chất lượng tốt nhưng nếu có giá thành thấp sẽ có nhiều tiềm năng khai thác thị phần từ dân số trẻ, đam mê ứng dụng công nghệ vào học tập và sản xuất, kinh doanh. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức cho VietBam trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển sản phẩm thương hiệu công nghệ Việt.
Nắm bắt điều này, VietBam luôn nỗ lực lựa chọn những nguyên liệu, sản phẩm hàng đầu trong lĩnh vực CNTT, điện tử trên thế giới và các công nghệ hiện đại tham gia vào khâu thiết kế để sản xuất ra những sản phẩm thương hiệu VENR mang các lợi ích tốt nhất đến với khách hàng. Nhà máy của VietBam đặt tại TP. HCM có công suất hơn 600.000 sản phẩm/năm, là nhà máy sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử và các thiết bị CNTT trên dây chuyền khép kín hiện đại, đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008/TCVN và ISO 14001:2004 về hệ thống quản lý môi trường. Đội ngũ cán bộ, nhân viên luôn được đào tạo, huấn luyện trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, mang đến những sản phẩm chất lượng ngày càng cao.
Sản phẩm VENR ở triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần 2
tại TP.HCM. Ảnh: LV.
Tuy nhiên, VietBam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, bởi sản xuất, lắp ráp máy tính phụ thuộc vào khâu thiết kế vi mạch, khó tìm nhà cung ứng linh kiện cho sản xuất; giá thành gia công board mạch trong nước còn cao so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân do các nhà máy FDI chủ yếu sản xuất linh kiện cung ứng cho các đơn vị trong khu vực FDI; nguồn tài chính có hạn, không đủ đáp ứng việc đầu tư nghiên cứu, thiết kế khuôn mẫu, sản xuất thử nghiệm và đưa sản phẩm vào sản xuất thương mại. Mặt khác, thách thức lớn mà các doanh nghiệp công nghệ Việt luôn trăn trở là khách hàng vẫn còn tâm lý e ngại, hoài nghi khi tiếp cận các sản phẩm Việt. Do đó, VietBam luôn nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nắm bắt và đón đầu những thay đổi nhanh chóng của ngành CNTT để đảm bảo khả năng cạnh tranh của mình.
Cạnh tranh từ thế mạnh sản phẩm
Với nỗ lực và hướng đi riêng, VietBam đã nội địa hóa dần các thiết bị để có thể sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm linh phụ kiện, máy tính thương hiệu VENR chất lượng tương đương với các thương hiệu lớn của quốc tế với giá thành thấp hơn, mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng nhóm đối tượng khách hàng.
Một trong những sản phẩm mang lại lợi thế cạnh tranh cho VietBam hiện nay là máy tính All In One - VENR® (VENR® AIO). Đây là sản phẩm mới, có thiết kế độc đáo, dễ sử dụng, màn hình rõ nét với nhiều chế độ làm việc và giải trí cho người dùng. VENR® AIO thiết kế mỏng, dễ lắp đặt, có thể treo trên tường, treo trên đế di động, dễ dàng di chuyển qua các phòng, với màn hình cảm ứng đa điểm, chất lượng hình ảnh đẹp, sắc nét, rõ ràng, chống chói nhòe do ánh sáng; công nghệ làm mát tiên tiến giúp máy giữ nhiệt độ ở mức ổn định bất kể thời gian vận hành lâu, tùy chọn hệ điều hành Windows/Android giúp người dùng dễ dàng trải nghiệm. Sản phẩm rất thích hợp để sử dụng trong giảng dạy như một máy tính bảng đa phương tiện, người dùng có thể tương tác trực tiếp lên màn hình mà không cần máy chiếu hay các thiết bị khác. Sản phẩm có kích thước lên đến 75 inch, giúp mang đến những giờ học sinh động cho học sinh, thuận lợi trong chuẩn bị bài giảng của giáo viên. VENR® AIO cũng sử dụng tốt trong việc thuyết trình, trình bày dự án, bản thiết kế kỹ thuật,…Tuy mới ra mắt từ tháng 1/2015 nhưng đến nay VietBam đã sản xuất, đưa ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm VENR® AIO, được khách hàng đánh giá tốt về chất lượng, giá cả phù hợp.
VENR® AIO, sản phẩm mới nhất của VietBam. Ảnh: LV.
Với những nỗ lực của mình, VietBam đã được trao tặng nhiều danh hiệu như Cúp vàng chất lượng hội nhập; Chứng nhận Giải thưởng sản phẩm/dịch vụ Thương hiệu Việt hội nhập WTO; Chứng nhận Đơn vị cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống CNTT hàng đầu Việt Nam; Top 500 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam; Huy chương bảo vệ người tiêu dùng;...
Hiện VietBam đang phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và chế tạo thử nghiệm phần cứng điều khiển và phần cứng nguồn cung cấp màn hình LED” nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong màn hình LED thiết kế, sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VietBam cũng đầu tư nghiên cứu sản xuất thiết bị sử dụng chip do ICDREC thiết kế vào các ứng dụng điện kế điện tử, quản lý trường học, bãi giữ xe,... để sản xuất các sản phẩm có tính bảo mật cao cho thị trường Việt Nam. Thời gian tới, công ty sẽ nghiên cứu nhiều ứng dụng để cài sẵn vào sản phẩm, giúp người tiêu dùng sử dụng và chia sẻ tài nguyên thông tin dễ dàng; sản xuất các sản phẩm sử dụng linh kiện do các công ty tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất.
Tuy nhiên, để tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, VietBam mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn để phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất, đầu tư máy móc công nghệ cao để làm ra các sản phẩm chất lượng ngang bằng thế giới. Đồng thời, Nhà nước cần duy trì và tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách để doanh nghiệp thực sự tiếp cận được các kênh hỗ trợ, từ đó đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm Việt và xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự chung tay hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan, ban ngành để người tiêu dùng có sự nhìn nhận tích cực và ưu tiên lựa chọn sản phẩm công nghệ Việt.
LAM VÂN, STINFO số 9/2015
Tải bài này về tại đây.