SpStinet - vwpChiTiet

 

Các văn bản pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực môi trường

 

Các nội dung cơ bản của một số văn bản pháp luật về lĩnh vực môi trường mới ban hành trong 3 tháng đầu năm 2015.
 


Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
 

Ngày ban hành: 14/02/2015
 

Ngày có hiệu lực: 01/04/2015
 

Nghị định hướng dẫn các nội dung liên quan đến cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất; Bảo vệ môi trường làng nghề; Bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Xác nhận hệ thống quản lý môi trường; Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường.
 

 

Nghị định số 03/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường
 

Ngày ban hành: 06/01/2015
 

Ngày có hiệu lực: 01/03/2015
 

Nghị định này quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trong các trường hợp:


- Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng;


- Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng;


- Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái;


- Loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.


Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường căn cứ vào chi phí khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái để đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường đất; chi phí để phục hồi hệ sinh thái và loài được ưu tiên bảo vệ về bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu.


Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường dựa trên các dữ liệu, chứng cứ đã được thu thập, ước tính, thẩm định theo quy định tại Nghị định này. Thiệt hại đối với môi trường của một khu vực địa lý bằng tổng thiệt hại đối với từng thành phần môi trường của khu vực địa lý đó.


Nghị định này không áp dụng đối với các trường hợp thiệt hại đối với môi trường do một trong các nguyên nhân: do thiên tai gây ra; gây ra bởi trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết phải tuân theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; trường hợp khác theo quy định của pháp luật.


Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.


Nghị định này thay thế cho Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010 của Chính phủ về xác định thiệt hại đối với môi trường.

 


Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường


Ngày ban hành: 14/02/2015


Ngày có hiệu lực: 01/04/2015


Nghị định áp dụng với các đối tượng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo hai cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.


Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tổ chức dịch vụ khi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải có cán bộ thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đáp ứng điều kiện quy định; có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn được xác nhận đủ điều kiện thực hiện đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích mẫu về môi trường phục vụ việc đánh giá.

Khi thực hiện quá trình đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có trình độ đại học trở lên và phải có chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường đúng chuyên ngành.

 


Thông tư số 06/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định kỹ thuật công tác điều tra, đánh giá địa chất môi trường khu vực có khoáng sản độc hại


Ngày ban hành: 25/02/2015


Ngày có hiệu lực: 15/04/2015


Theo đó, khoảng sản độc hại được phân loại thành 2 nhóm:


- Nhóm I, bao gồm: khoáng sản phóng xạ và khoáng sản chứa các nguyên tố phóng xạ (urani, thori, khoáng sản khác có chứa các nguyên tố phóng xạ).


- Nhóm II, bao gồm: thủy ngân, arsen, asbest và khoáng sản khác có thành phần đi kèm là thủy ngân, arsen, asbest.


Tùy thuộc vào loại khoáng sản độc hại, phương pháp kỹ thuật được sử dụng là tổ hợp các phương pháp sau:


1. Lộ trình địa chất môi trường.


2. Đo gamma môi trường.


3. Đo khí phóng xạ môi trường.


4. Đo phổ gamma môi trường.


5. Đo hơi thủy ngân.


6. Lấy mẫu môi trường (mẫu đất, mẫu đá, mẫu nước, mẫu thực vật).


7. Phân tích mẫu môi trường (mẫu đất, mẫu đá, mẫu nước, mẫu thực vật).


8. Công tác trắc địa.

 


Thông tư số 03/2015/TT-BTNMT và Thông tư số 04/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định về thăm dò và phân cấp trữ lượng, cấp tài nguyên khoáng sản vàng gốc và Quy định về thăm dò và phân cấp trữ lượng, cấp tài nguyên khoáng sản chì - kẽm


Ngày ban hành: 13/02/2015


Ngày có hiệu lực: 01/04/2015


Theo đó, tài nguyên khoáng sản vàng gốc và chì - kẽm được phân làm 02 nhóm: tài nguyên xác định và tài nguyên dự báo. Nhóm tài nguyên xác định phân thành 2 loại: trữ lượng và tài nguyên.


Loại trữ lượng được phân thành 3 cấp, gồm: cấp trữ lượng 111, 121 và 122; loại tài nguyên được phân thành 6 cấp, gồm: cấp tài nguyên 211; 221; 222; 331; 332 và 333.


Nhóm tài nguyên dự báo phân thành 2 cấp, gồm: cấp tài nguyên 334a và cấp tài nguyên 334b.


Nhóm mỏ thăm dò được phân chia 4 nhóm: nhóm mỏ đơn giản; nhóm mỏ tương đối phức tạp; nhóm mỏ phức tạp; nhóm mỏ rất phức tạp.


Hai Thông tư cũng quy định về công tác thăm dò. Theo đó, phải thăm dò từ khái quát đến chi tiết, từ trên mặt xuống dưới sâu, mạng lưới thăm dò từ thưa đến dày, đo vẽ bản đồ địa chất từ tỷ lệ nhỏ đến bản đồ tỷ lệ lớn; thu thập đầy đủ các thông tin, số liệu, tài liệu địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa chất môi trường và điều kiện khai thác mỏ phục vụ cho việc lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản và thiết kế mỏ. Đồng thời, trình tự thăm dò phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với mức độ phức tạp về cấu trúc địa chất, quy mô trữ lượng và giá trị kinh tế mỏ; công tác thăm dò phải được thực hiện trên toàn bộ diện tích và chiều sâu tồn tại của thân quặng trong ranh giới được lựa chọn trong đề án thăm dò khoáng sản.


MINH THÔNG, STINFO số 5/2015

Tải bài này về tại đây.
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả