Trong thực tế sản xuất kinh doanh, khi cần các loại giấy phép theo quy định, doanh nghiệp thường đối mặt với hàng trăm câu hỏi: thủ tục như thế nào, cần những giấy tờ gì, ở đâu, cơ quan nào cấp,... Xin giới thiệu một số câu hỏi từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp về vấn đề xin giấy phép, với sự tham gia trả lời của các chuyên gia ở các ban ngành liên quan.
Giấy phép Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)
• Theo quy định, công ty cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP từ Sở Công thương. Vậy có quy định nào về thời hạn kể từ lúc thành lập và trong bao lâu thì phải có giấy chứng nhận VSATTP không?
* Về cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh: Ngày 05/10/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BCT về việc quy định cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Theo đó:
a. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của Bộ Công Thương: Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 7 của Thông tư 29: Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở kinh doanh trực thuộc thương nhân sản xuất thực phẩm có quy mô và mặt hàng sản xuất theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 7 (đối với các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế: rượu từ 3.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên; bia: từ 50.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên; nước giải khát: từ 20.000.000 sản phẩm/năm trở lên; sữa chế biến: từ 20.000.000 sản phẩm/năm trở lên; dầu thực vật: từ 50.000.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; bánh kẹo: từ 20.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; bột và tinh bột: từ 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng các sản phẩm trên).
Nếu quý công ty kinh doanh bán lẻ trực thuộc công ty sản xuất có quy mô như trên thì Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) sẽ thụ lý hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh.
b. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của Sở Công Thương: Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 7 của Thông tư 29: Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm của thương nhân kinh doanh bán buôn hoặc đại lý bán lẻ bán buôn trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở bán lẻ thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố đó. Nếu quý công ty thuộc nhóm đối tượng này sẽ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đến Sở Công Thương TP.HCM.
Về thời hạn kể từ khi thành lập cơ sở phải có Giấy chứng nhận ATTP: Hiện nay, trong các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương chưa có quy định nào về thời hạn. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm khi bắt đầu kinh doanh đã phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 3, Luật An toàn thực phẩm: “Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm”.
Đối với quy định về lĩnh vực an toàn thực phẩm, quý công ty có thể tham khảo thêm một số văn bản quy phạm pháp luật: Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trường hợp cần thêm thông tin, liên hệ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, số điện thoại: 04.22205500. Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương.
Giấy phép nhập phế phẩm để tái chế
• Muốn nhập phế phẩm nhựa (polyethylene resin) từ nước ngoài về Việt Nam để tái chế phải xin những giấy phép gì và ở đâu? Nếu được phép nhập thì áp mã nào?
* Điều kiện đối với thương nhân nhập khẩu phế liệu và điều kiện đối với phế liệu nhập khẩu được quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 của liên Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, phế liệu mà doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Phụ lục I về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Thông tư số 01/2013/TT-BCT ngày 28/01/2013 của Bộ Công Thương quy định về phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất. Đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu các văn bản nói trên để thực hiện.
Việc xác định mã HS của một mặt hàng dựa vào tính chất, thành phần cấu tạo của hàng hóa và thực tế hàng hóa nhập khẩu. Do đó, chúng tôi không có đủ cơ sở để đưa ra câu trả lời mà chỉ hướng dẫn để doanh nghiệp tham khảo cách tra cứu.
Trường hợp mặt hàng nhựa “polyethylene resin” đề nghị doanh nghiệp tham khảo Chương 39, căn cứ vào thực tế tính chất, công dụng, cấu tạo hàng hóa nhập khẩu và áp dụng 06 (sáu) quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để xác định mã HS chi tiết phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu. Nếu còn chưa rõ, vui lòng liên hệ với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục hải quan để được hướng dẫn cụ thể.
Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
• Công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải xếp dỡ và dịch vụ vận tải bằng đường bộ, sở hữu nhiều loại phương tiện vận tải xếp dỡ và công nhân. Hiện nay, có doanh nghiệp muốn thuê lại 03 công nhân lành nghề để vận hành phương tiện trong vòng 03 tháng. Hỏi trong trường hợp này Công ty có phải đăng ký thủ tục để được cấp "Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động" theo quy định tại nghị định 55/2013/NĐ-CP hay không?
* Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động nhưng không trực tiếp sử dụng mà cung ứng người lao động của mình sang làm việc tạm thời cho người sử dụng lao động khác. Và, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP “việc cho thuê lại chỉ được thực hiện đối với các công việc nằm trong Danh mục và bảo đảm quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, các doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện cho thuê lại lao động đối với những công việc thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động; khi hoạt động phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP và làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP.
MINH ANH, STINFO số 3/2015
Tải bài này vê tại đây.