Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho các hoạt động R&D cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng KH&CN trong quá trình tái cấu trúc.
Tập trung ba lĩnh vực
Tại hội thảo “Kết nối nhà tư vấn – DN thực hiện tái cấu trúc” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc thường trực Sở KH&CN TP. HCM) cho biết, Sở KH&CN được UBND TP. HCM giao nhiệm vụ là đầu mối triển khai thực hiện chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc DN. Sở đã xây dựng khung chương trình cho các DN nhà nước (DNNN), trong đó năm 2014 tập trung ba lĩnh vực chính là rà soát, thống kê toàn bộ tài sản trí tuệ hiện có tại các DNNN, đề xuất giải pháp quản lý và bảo vệ đối với tài sản trí tuệ; xác định mức tiêu hao năng lượng của các DNNN, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ nhằm cắt giảm tiêu hao năng lượng; khảo sát thu thập dữ liệu về năng suất lao động, đề xuất mức tăng năng suất lao động cụ thể. Ba lĩnh vực này nằm trong 13 chương trình hỗ trợ ứng dụng KH&CN trong DN được Sở KH&CN TP. HCM thực hiện hàng năm.
Ba lĩnh vực này do các đơn vị thuộc Sở KH&CN TP. HCM là Phòng Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực tiếp triển khai thực hiện.
Bà Huỳnh Thị Thu Hằng chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp tăng năng suất lao động
trong DN, tại hội thảo “Kết nối nhà tư vấn – DN thực hiện tái cấu trúc”
do Sở KH&CN TP. HCM tổ chức ngày 14/10/2014. Ảnh: LV.
Nội dung ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc DN gồm đổi mới công nghệ, thiết bị; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng suất tổng hợp; nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa sản phẩm; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Về chương trình hỗ trợ DN xây dựng hệ thống quản lý tài sản trí tuệ, theo bà Hoàng Tố Như (Phòng Sở hữu trí tuệ), tài sản trí tuệ rất quan trọng nhưng chưa được doanh nghiệp quan tâm, khai thác phát triển và quản lý đúng mức. Trong quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa, tài sản trí tuệ - loại tài sản vô hình có khi có giá trị lớn hơn nhiều lần những tài sản hữu hình của DN. Ở giai đoạn một, chương trình sẽ hướng dẫn DN rà soát, thống kê tài sản trí tuệ và xây dựng kế hoạch quản lý và bảo vệ để tránh thất thoát tài sản và duy trì giá trị khi thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc DN trên địa bàn TP. HCM. Bên cạnh việc giúp DN nhận thức rõ vai trò của tài sản trí tuệ, chương trình sẽ có chuyên gia hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ DN rà soát, phân loại, đánh giá tổng giá trị của loại tài sản này để xây dựng kế hoạch quản lý, đăng ký xác lập quyền cho các tài sản gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của từng DN. Phòng Sở hữu trí tuệ là đầu mối thực hiện chương trình này, có thể hướng dẫn cụ thể để các DN nhận biết và đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến 3 lĩnh vực là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh), quyền đối với giống cây trồng.
Về nội dung nâng cao năng suất lao động tại các DN, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. HCM là đầu mối triển khai và hỗ trợ các DN áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ năng suất như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, HACCP; các công cụ nâng cao năng suất chất lượng (5S, Kaizen, TQM, LEAN); chứng nhận công bố hợp chuẩn – hợp quy (hỗ trợ các DN có sản phẩm thuộc các ngành điện, điện tử, cơ khí, hóa nhựa, vật liệu xây dựng…). Đặc biệt, hỗ trợ đào tạo tuyên truyền áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, áp dụng công cụ năng suất, chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn.
Với chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, DN sẽ được hỗ trợ tư vấn thực hiện kiểm toán năng lượng; xác định suất tiêu hao năng lượng, xác định mục tiêu đổi mới công nghệ; các giải pháp TKNL, giải pháp quản trị năng lượng ISO 50001, xác định các giải pháp đầu tư công nghệ TKNL, cắt giảm chi phí năng lượng, tăng năng suất.
Ứng dụng KH&CN trong DN- yêu cầu cấp thiết
Trước bối cảnh hội nhập, những yêu cầu về năng lực cạnh tranh, ưu thế chất lượng và giá cả sản phẩm ngày càng trở nên quyết liệt để DN có thể tồn tại và phát triển bền vững. Điều này buộc DN, nhà quản lý trong hoạt động của mình phải nhận thức đến hiệu quả tổng thể, mà con đường tất yếu chính là đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN trong sản xuất, kinh doanh. Theo bà Huỳnh Thị Thu Hằng (Công ty Liksin), mục tiêu của DN là luôn hướng đến thỏa mãn nhu cầu khách hàng về chất lượng, số lượng, thời gian, giá cả sản phẩm. Đáp ứng yêu cầu này, một trong những yếu tố quan trọng là đảm bảo năng suất lao động, sử dụng tối ưu các nguồn lực của DN để sản xuất sản phẩm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, để tăng năng suất lao động, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình DN thì các giải pháp khoa học, kỹ thuật luôn được tính đến là áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, nâng cao trình độ quản lý bằng cách áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến.
Lĩnh vực quan trọng khác DN cần phải tính đến là chi phí năng lượng. Chi phí năng lượng đang là bài toán thách thức, đặc biệt là với các DN sản xuất lớn. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp DN cắt giảm chi phí cũng là một con đường để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM), hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 có thể giúp DN quản trị tốt việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng, có khả năng giúp tiết kiệm đến 30% năng lượng tiêu thụ. Mặt khác, một số giải pháp đổi mới công nghệ sẽ mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng rõ rệt. Ví dụ ngành đông lạnh thủy hải sản nếu sử dụng cụm máy lạnh dùng máy nén trục vít hiệu suất cao kết hợp biến tần và thay tủ đông tiếp xúc bằng dàn cấp đông IQF có khả năng tiết kiệm 15-20% năng lượng tiêu thụ; ngành giấy sử dụng máy nghiền thủy lực thay cho máy nghiền côn, sẽ cho năng suất cao hơn 15-20%; ngành vải sợi, sử dụng máy dệt khí thay cho máy dệt thoi và máy dệt kiếm nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, đồng thời có khả năng tiết kiệm 15-20% năng lượng tiêu thụ.
Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị TKNL là một trong những giải pháp hiệu quả
giúp DN cắt giảm chi phí năng lượng. Ảnh: LV.
Một số DN lớn đã sớm xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh và bước đầu gặt hái những thành công. Có thể kể đến Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO). Ông Trần Hưng Thành (Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, SAWACO) cho biết, mục tiêu chung đến 2025 của SAWACO là quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa, nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước cho TP. HCM với chất lượng nước uống trực tiếp tại vòi nước khách hàng. Để thực hiện mục tiêu này, SAWACO xem việc đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật là yêu cầu then chốt. Các lĩnh vực tập trung đổi mới, nâng cấp gồm đổi mới công nghệ hệ thống quản lý nguồn nước; đổi mới công nghệ xử lý nước, hệ thống thiết bị xử lý nước; đổi mới công nghệ truyền tải và phân phối nước; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực. Hiện SAWACO đã có những đề tài nghiên cứu được ứng dụng thành công như nghiên cứu các giải pháp cải thiện công nghệ xử lý nước Nhà máy nước Tân Hiệp nhằm giảm thiểu sự hình thành sản phẩm phụ khử trùng; nghiên cứu sử dụng đan lọc HPDE; nghiên cứu công nghệ lọc sinh học UBCF; ứng dụng phần mềm kế toán SAP (nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, kế toán, tiền lương); ứng dụng phần mềm thủy lực WaterGems (phân tích, thiết kế, mô hình hóa và phát hiện vị trí rò rỉ).
Bà Phạm Thị Kim Loan chia sẻ kinh nghiệm của Đức Phúc
tại hội thảo quản trị tài sản trí tuệ và các công cụ quản trị
do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tổ chức tại TP. HCM. Ảnh: LV.
Một minh chứng khác cho việc phát triển DN từ KH&CN là sự trưởng thành của Hệ thống Đức Phúc. Hệ thống Đức Phúc gồm hệ thống phòng khám Đức Phúc, Trung tâm Nghiên cứu Đức Phúc và DN KH&CN Ngân Hà. Bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, người đại diện của Đức Phúc cho biết, Đức Phúc là DN thiên về nghiên cứu, trưởng thành từ định hướng ứng dụng KH&CN phục vụ con người. Đức Phúc đã khai thác tốt những sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người từ các sáng chế. Các dòng sản phẩm chăm sóc cột sống của Đức Phúc có thương hiệu DOCTORLOAN đang được cung cấp rộng rãi trên thị trường. Để đưa sản phẩm ra thị trường, DN có những bước đi bài bản từ nghiên cứu sản xuất - ứng dụng – thương mại hóa sản phẩm. Đặc biệt là chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hiện Đức Phúc sở hữu 17 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 8 bằng sáng chế, 50 bằng độc quyền sáng chế đang xét đơn, 4 quyền tác giả và 5 nhãn hiệu đăng ký tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Bà Loan cho hay, thành công của Đức Phúc là nhờ luôn ưu tiên đưa sản phẩm từ các sáng chế để phục vụ con người. Tuy nhiên, bà Loan cũng chia sẻ về khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là kinh phí cho việc đăng ký bảo hộ sáng chế. Với các loại bằng hiện có, DN đã phải chi khoảng hơn 10 tỷ đồng cho quá trình đăng ký cấp bằng ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Với những chương trình hỗ trợ hiện nay và sắp tới, hy vọng các DN có thể tiếp cận tốt nhất để ứng dụng KH&CN, phát huy thế mạnh của mình.
LAM VÂN, STINFO Số 11/2014
Tải bài này về tại đây.