Quản lý kho hàng là một trong những bộ phận quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy các vấn đề liên quan đến kho hàng luôn được các nhà quản lý quan tâm để đưa ra các quyết định có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Thành lập kho chứa hàng khác địa bàn cần những thủ tục gì?
* Hỏi: Công ty có trụ sở tại TP. HCM, hiện bán hàng trên cả nước thông qua hệ thống các nhà phân phối. Chúng tôi muốn thành lập các kho chứa hàng tại ba khu vực miền Tây, miền Trung, miền Bắc để chủ động trong việc giao và bán hàng. Hiện nay công ty đang tiến hành ký kết hợp đồng thuê kho ở các địa phương và đã tiến hành in phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, vậy chúng tôi cần làm thêm thủ tục gì để việc hoạt động của các kho thuộc công ty phù hợp với quy định của pháp luật?
• Trả lời: Việc thành lập chi nhánh tại tỉnh vui lòng liên hệ Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi dự định đăng ký hoạt động chi nhánh để được hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký. Sau khi được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, doanh nghiệp tiến hành thủ tục bổ sung thông tin của chi nhánh lên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tham khảo mẫu bổ sung thông tin của doanh nghiệp trên Website Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ http://www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/đăng ký doanh nghiệp/Công ty …/ thủ tục bổ sung thông tin… Hồ sơ nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư địa chỉ 32 Lê Thánh Tôn, quận 1.
Kinh doanh không đúng trên giấy phép
* Là doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài, năm 2011, công ty có đăng ký lại trên giấy phép mở thêm 01 kho hàng, nhưng tại địa chỉ kho hàng công ty lại sử dụng làm xưởng sản xuất. Năm 2012 công ty mở xưởng tại KCN An Xá, Nam Định, xưởng đã hoạt động được 14 tháng nhưng chưa xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Công ty đã vi phạm quy định gì của pháp luật Việt Nam?
• Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định như sau: “Nghĩa vụ của doanh nghiệp: Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.”
Khoản 4 Điều 33 Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp ngày 15 tháng 4 năm 2010 quy định như sau: “Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.”
Do thông tin công ty cung cấp chưa đầy đủ, vì vậy để có cơ sở trả lời và hướng dẫn, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Tổ Hướng dẫn – Phòng Đăng ký Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, số 32, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh để được hướng dẫn chi tiết.
Thủ tục đăng ký kho hàng
* Là doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm công nghệ thông tin, trụ sở chính đặt tại Quận 3, TP. HCM. Chúng tôi đang có kế hoạch thuê một địa điểm tại Quận 12 để làm kho chứa hàng, không phát sinh bất kỳ hoạt động mua bán, kinh doanh gì tại địa điểm này. Chúng tôi có phải đăng ký thành lập kho hàng với Sở Kế hoạch - Đầu tư hay không, hay chỉ cần thông báo việc thuê kho hàng cho cơ quan thuế mà thôi?
• Trường hợp công ty có thể làm thủ tục đăng ký hoạt động kho chứa hàng dưới hình thức chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh công ty tại phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế họach - Đầu tư.
Công ty có thể tham khảo thêm chi tiết về hồ sơ thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh trên trang Web Sở Kế hoạch và Đầu tư mục Tiếng Việt/Thủ tục cấp đăng ký doanh nghiệp và biểu mẫu chi tiết/Công ty …/đăng ký hoạt động chi nhánh. Hồ sơ nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư địa chỉ 32 Lê Thánh Tôn, quận 1.
* Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, trực thuộc Cục thuế TP. HCM. Hiện tại trụ sở chính của công ty tại Quận Bình Thạnh, kho hàng thuê tại Quận 9. Xin cho hỏi về thủ tục đăng ký kho hàng.
• Khoản 2 điều 33 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định như sau: Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được đặt địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo nơi đặt địa điểm kinh doanh tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Nội dung thông báo gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh);
c) Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh.
d) Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh;
đ) Họ, tên, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 24 Nghị định này của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Công ty vui lòng nộp hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh (không gắn dự án đầu tư) tại Phòng Đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, 32 Lê Thánh Tôn, Q1 để được giải quyết. Thủ tục chi tiết, công ty tham khảo tại website:
http://www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/vie/DKDT_bieumau/DTNN/CapMoi/cm_6.htm
Thay đổi phương pháp tính giá trị hàng tồn kho
* Trước đây công ty áp dụng phương pháp tính giá trị hàng tồn kho: bình quân gia quyền cuối kỳ. Nay do yêu cầu của ngành dược, công ty dự định thay đổi phương pháp tính giá trị hàng tồn kho: "Đích danh" kể từ đầu năm 2013. Xin hỏi công ty có cần làm thủ tục báo cơ quan thuế quản lý không? Nếu có thì sử dụng mẫu gì?
• Theo quy định chuẩn mực kế toán số 1 “Chuẩn mực chung” ban hành kèm theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì nguyên tắc nhất quán như sau: “ 07. Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm. Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính”. Đề nghị Công ty thực hiện theo hướng trên, nếu còn vướng mắc liên hệ Vụ chế độ Kế toán - Kiểm toán Bộ Tài chính để được hướng dẫn theo thẩm quyền.
NGUYỄN HOÀNG (Tổng hợp), STINFO Số 10/2013