SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhãn hiệu: thế mạnh kinh doanh


Nhãn hiệu là một trong những yếu tố quyết định thắng bại trong kinh doanh, nên rất nhiều vấn đề xung quanh nhãn hiệu đã làm các doanh nghiệp bận tâm.



Tranh chấp tên thương mại

Hỏi (?): Trước đây công ty tôi phân phối mặt hàng có nhãn hiệu GB chung với một công ty khác (công ty này là nhà nhập khẩu ), sau đó chúng tôi không phân phối mặt hàng này nữa và được biết mặt hàng này chưa đăng ký tên thương mại với Cục Sở hữu Trí tuệ. Tháng 12/2012, công ty tôi tự nhập mặt hàng cũng với nhãn hiệu GB, nhưng trên bao bì tên nhà nhập khẩu là công ty chúng tôi. Hiện nay công ty trước đây nhập hàng thông báo là họ đã đăng ký tên GB với Cục SHTT vào tháng 10/12. Như vậy với lượng hàng đã nhập chúng tôi phải xử lý như thế nào để không phạm luật.
• Trả lời: Câu hỏi chưa đủ thông tin để khẳng định nhà nhập khẩu trước kia đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền đối với nhãn hiệu "GB" chưa nên chưa thể tư vấn hướng xử lý hàng hóa đã nhập. Vì có thể xảy ra các tình huống sau:

Thứ nhất, nếu công ty trước đây mới đăng ký vào tháng 10/2012 thì chắc chắn chưa được cấp bằng độc quyền và như vậy quyền của họ chưa phát sinh nên chưa thể khiếu kiện.

Thứ 2: nếu họ được cấp bằng vào tháng 10/2012 thì chủ sở hữu có quyền khiếu nại. Nhưng chủ sở hữu là ai? Bên nhập hàng chung hay của nhà sản xuất đăng ký? Trường hợp nếu là của nhà sản xuất đăng ký thì có thể cả hai cùng nhập khẩu đều không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vì đều nhập hàng của chính chủ. Trường hợp nhà nhập khẩu trước lấy nhãn GB của nhà sản xuất đi đăng ký thì là vấn đề khác. Vì vậy, để có được tư vấn chính xác, đề nghị liên hệ Phòng Sở hữu Trí tuệ - Sở KH&CN TP. HCM, địa chỉ: 79 Trương Định, Q.1, TP.HCM Tel: (08) 38 298217, Fax: (08) 38 244609.
 

Đăng ký nhãn hiệu

? Công ty tôi đang chuẩn bị thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi cần được cung cấp thêm thông tin về đăng ký nhãn hiệu.

1/ Cơ quan nào có chức năng cấp giấy đăng ký nhãn hiệu?

2/ Trình tự thủ tục như thế nào? (Ví dụ như hồ sơ gồm những gì, thời gian chờ cấp giấy chứng nhận, thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận, lệ phí…).

3/ Nếu muốn tìm hiểu thêm các nhãn hiệu cùng loại đã đăng ký độc quyền chưa, có thể tìm những thông tin ấy ở đâu?


1. Theo quy định tại Điều 118 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

2. a. Theo quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 108 của Luật Sở hữu trí tuệ và Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, các tài liệu bắt buộc phải có để đơn được tiếp nhận gồm:

(i) Tờ khai đăng ký;

(ii) Thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký, cụ thể: đối với đơn đăng ký nhãn hiệu là mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

(iii) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Nếu thiếu một trong các tài liệu nói trên, Cục Sở hữu Trí tuệ có quyền từ chối tiếp nhận đơn.

b. Ngày nộp đơn là ngày đơn được Cục Sở hữu Trí tuệ tiếp nhận ghi trong dấu nhận đơn đóng trên tờ khai. Thời hạn thẩm định hình thức là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ. Thời hạn thẩm định nội dung đơn được xác định là 06 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với đơn đăng ký đăng ký nhãn hiệu.

c. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn (có thể gia hạn)

d. Lệ phí nộp đơn được thu theo quy định Thông tư 22/2009/TT-BTC ngày 04/02/2009 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

3. Những thông tin về các nhãn hiệu cùng loại đã đăng ký tra cứu tại thư viện số sở hữu công nghiệp (IP Lib) (http://iplib.noip.gov.vn/IPDL_EXT/WEBUI/wlogin.php).
 

Bị cạnh tranh bởi hàng nhái nhãn hiệu

? Công ty chuyên sản xuất nguyên phụ liệu ngành may mặc, cụ thể là các loại dây treo nhãn, kéo bấm chỉ,…,là những sản phẩm được Nhà nước khuyến khích đầu tư và phát triển. Thế nhưng gần đây chúng tôi gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện có nhiều sản phẩm cùng chủng loại, cùng quy cách, cùng nhãn hiệu nhưng chất lượng kém được nhập qua đường tiểu ngạch, đóng thuế không đầy đủ mà đa số chủ hàng là người Trung Quốc tự nhập và bán tràn lan trên thị trường Việt Nam. Các hàng hóa bị xâm phạm nhãn hiệu ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của chúng tôi. Cho biết hướng giải quyết vấn đề trên và liên hệ với các cơ quan hữu quan nào để công ty chúng tôi có thể tiếp tục duy trì sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Hiện nay, vấn đề hàng giả, hàng gian là bức xúc nhiều doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang nỗ lực hết sức để hạn chế hàng nhập lậu, trốn thuế, kém chất lượng để ổn định hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố. Đề nghị phía công ty cung cấp các thông tin liên quan và các mặt hàng hàng nhái, hàng giả kém chất lượng đến cơ quan Quản lý thị trường Thành phố (trực thuộc Sở Công thương) để đơn vị có căn cứ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các đối tượng vi phạm.
 

Nộp thuế khi sử dụng công nghệ và nhãn hiệu chuyển giao từ nước ngoài

? Công ty chúng tôi có ký hợp đồng với đối tác nước ngoài về chuyển giao công nghệ sản xuất có kèm theo việc sử dụng thương hiệu của họ tại Việt Nam. Theo đó, ngoài tiền chuyển giao công nghệ phải trả một lần lúc đầu thì hàng năm chúng tôi phải trả tiền quyền sử dụng thương hiệu của họ dựa trên số lượng và doanh số của hàng hóa do chúng tôi sản xuất và bán ra dưới thương hiệu của họ. Đối tác nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không thực hiện theo chế độ kế toán Việt Nam. Do vậy công ty chúng tôi sẽ thực hiện việc khấu trừ và nộp thay thuế nhà thầu cho phía nước ngoài. Về thuế GTGT nhà thầu:

- Theo điểm 2.2 mục III Phần B của Thông tư 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 thì “Thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT là thuế suất quy định tại Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

- Theo điểm 21 mục II Phần A của Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 thì “Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ…” sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Chúng tôi xin được hỏi là: nếu hàng năm chúng tôi chuyển trả tiền tác quyền cho đối tác nước ngoài thì chúng tôi có phải khấu trừ lại tiền thuế GTGT để nộp thay nhà thầu hay không?


Căn cứ Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT; Căn cứ Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế nhà thầu; Trường hợp công ty ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài (nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu) để chuyển giao công nghệ sản xuất kèm sử dụng thương hiệu của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam thì khi thanh toán tiền cho bên nước ngoài, công ty phải khấu trừ, kê khai và nộp thuế nhà thầu như sau:

- Về thuế GTGT: chuyển giao công nghệ: không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT

- Về thuế TNDN: Thuế TNDN = Doanh thu chịu thuế TNDN x Tỷ lệ (%) thuế TNDN (10%)

Lưu ý: chuyển giao công nghệ được xác định theo Bộ Luật Dân sự, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, trường hợp không thuộc dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định thì doanh thu này phải chịu thuế GTGT, tỷ lệ (%) GTGT là 50% và thuế suất thuế GTGT là 10%, đồng thời tỷ lệ (%) thuế TNDN là 5%.


Nguyễn Hoàng (Tổng hợp), STINFO số 5/2013
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả