SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở (tháng 12/2012)

(Phối hợp thực hiện: Phòng Quản lý KH &CN Cơ sở - Sở KH&CN Tp. HCM)
 

Để hoạt động KH&CN thực sự đi vào đời sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chuyên trang “Hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở” giới thiệu các thông tin liên quan đến các hoạt động KH&CN, các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động KH&CN nhằm thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước về KH&CN và triển khai ứng dụng các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống trên địa bàn quận/huyện. 
 

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ LUẬT ĐỊNH
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG

(Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa)

 

Nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Căn cứ vào kế hoạch và diễn biến chất lượng hàng hóa trên thị trường, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường theo các nội dung sau:
 

• Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa cần kiểm tra; thông tin, cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của hàng hóa;
 

Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.
 

Sau khi kiểm tra các yêu cầu theo quy định hoặc xét thấy có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng thì tiến hành thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định. Tổ chức đánh giá sự phù hợp phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.
     

Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
 

• Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 39 và xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 40 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra phải thông báo các nội dung không phù hợp và thời gian khắc phục các nội dung không phù hợp cho người bán hàng. Tất cả các nội dung không phù hợp phải được khắc phục trước khi tiếp tục bán hàng và người bán hàng phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra.
 

• Trong trường hợp phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 40 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, mức độ và quy mô ảnh hưởng, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định thông báo trên đài phát thanh hoặc truyền hình địa phương hoặc trung ương, phương tiện thông tin đại chúng khác.
 

• Khi phát hiện vi phạm cần xử lý vi phạm hành chính, cơ quan kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra biết việc xử lý và kết quả xử lý để theo dõi.
 

Việc xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Nghị định 54/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. 
 

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KH&CN
TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ, KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

 

Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
 

Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở trung ương là các tổng cục, cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
 

Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương là cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương tiến hành việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn quản lý theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
 

Căn cứ vào yêu cầu cụ thể, bộ quản lý ngành, lĩnh vực, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và thống nhất với Bộ Nội vụ về biên chế lực lượng kiểm soát viên chất lượng của đơn vị thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định.
 

Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp
 

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:
 

• Ban hành các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng và thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của địa phương;
 

• Tổ chức thực hiện quy định của Chính phủ, các bộ, ngành về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo phân cấp quản lý;
 

• Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa của địa phương;
 

• Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn. Định kỳ hằng quý, sáu tháng, hằng năm và đột xuất tổng hợp báo cáo gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình và kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thành phố để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 

• Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng;
 

• Thanh tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật;
 

• Chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp tại địa phương theo quy định của pháp luật.
 

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương; làm đầu mối tổng hợp, báo cáo tình hình chất lượng tại địa phương cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ.
 

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan trực tiếp giúp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.


Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:
 

• Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật;
 

• Tham gia hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa theo thẩm quyền;
 

• Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tại địa phương;
 

• Giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật.
 

Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:
 

• Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
 

• Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn theo phân cấp quản lý;
 

• Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
 

Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa địa phương
 

• Xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý.
 

• Chủ động tổ chức và thực hiện việc kiểm tra và xử lý các vấn đề về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 

• Định kỳ hằng quý, sáu tháng, hằng năm và đột xuất tổng hợp, báo cáo về việc kiểm tra gửi bộ quản lý ngành, lĩnh vực, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Sở Khoa học và Công nghệ. 
 

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
CUNG CẤP THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHO DOANH NGHIỆP


 

• Phục vụ thông tin trực tuyến trên các hệ thống thông tin KH&CN: Mạng thông tin KH&CN - STINET, Chợ CN&TB trực tuyến - Techmart Online, Chợ tư vấn KH&CN online.
 

• Hỗ trợ cập nhật thông tin và tiếp cận các công nghệ tiên tiến có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực qua các chương trình “Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ”.
 

• Tổ chức giới thiệu, phổ biến và kết nối mua bán công nghệ và thiết bị thông qua triển khai các mô hình chợ Công ngệh và Thiết bị - Techmart.
 

• Đào tạo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp khai thác sử dụng thông tin KH&CN trong sản xuất, kinh doanh.
 

• Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hệ thống đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền TP tại địa chỉ: http://www.doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn. vận hành 24/7 (24 giờ trong 7 ngày) để giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại TP.HCM.
 

• Tổ chức các dịch vụ thông tin phục vụ doanh nghiệp: Dịch vụ Hỏi-Đáp, Dịch vụ cung cấp thông tin trọn gói..
 


 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả