Tìm hiểu về cung và cầu ngành công nghiệp phụ trợ tại buổi triển lãm
cung cầu công nghiệp phụ trợ lần 5.
Tại sao chi phí sản xuất tại Việt Nam lại cao hơn một số quốc gia khác?
Ở nước ta hiện nay, dù mức lương của người lao động thấp hơn so với một số nước trong khu vực, nhưng tổng chi phí sản xuất lại cao hơn. Ví dụ lương cơ bản của lao động Việt Nam làm cho các doanh nghiệp Nhật Bản là 123USD, còn lao động Thái Lan được trả 286USD, hơn gấp hai lần. Tuy nhiên, tổng chi phí sản xuất tại Việt Nam lại cao hơn Thái Lan. Sao lại có nghịch lý như vậy?
Một trong những lý do cho nghịch lý này là tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn thấp. Theo phản hồi của hơn 4.000 doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đầu tư ở châu Á trong cuộc điều tra do JETRO thực hiện vào tháng 9/2011, kết quả cho thấy so với các doanh nghiệp Nhật Bản ở các quốc gia khác, các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam có tỉ lệ nội địa rất thấp. Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện nguyên vật liệu của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam chỉ đạt mức 28,7%. Trong khi Trung Quốc là 59,7%, Hàn Quốc 54,8 %, Thái Lan 53%, Indonesia 41%, Malaysia 39,3%...
Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu linh kiện nên dù mức lương của người lao động thấp so với một số nước trong khu vực, nhưng tổng chi phí sản xuất lại cao hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp cung cấp linh kiện hiện nay ở Việt Nam chủ yếu cũng là các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản, Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam. Theo JETRO thì các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này thấp cả về tỷ trọng và số lượng doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp cho rằng làm công nghiệp phụ trợ lợi nhuận thấp cho nên họ cũng không mặn mà trong lĩnh vực này. Tuy nhịên hiện nay tình hình đã thay đổi. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp đã tìm đến ngành công nghiệp phụ trợ nhiều hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam làm ngành phụ trợ: không thiếu việc
Ngày 4/10/2012, Công ty Reed Tradex, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cùng với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã khai mạc Triển lãm cung cầu công nghiệp phụ trợ lần thứ 5 tại Trung tâm triễn lãm Sài Gòn, TP.HCM. Có hơn 100 công ty Nhật và 50 công ty Việt Nam trong các lĩnh vực tự động hóa, sản xuất linh kiện điện tử, bao bì… tham gia triễn lãm này để tìm kiếm cơ hội mua hoặc bán các linh kiện phụ tùng. Điều này theo Ban Tổ chức là một bất ngờ vì ngay từ đầu, họ không nghĩ rằng triễn lãm này sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến vậy.
Công nhân của một công ty Nhật Bản sản xuất
các sản phẩm công nghiệp phụ trợ tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa cho biết hiện Công ty đang cung cấp các mặt hàng bao bì cho nhiều đối tác là các doanh nghiệp lớn trong nước như Unilever, Uni President, Coca Cola... và xuất khẩu bao bì qua các nước như Úc, Pháp, Nhật với giá cả cạnh tranh so với các công ty cung cấp bao bì bản xứ. Do đó dù kinh tế thế giới hiện đang có nhiều biến động, Bao bì Biên Hòa vẫn có những đơn hàng ổn định. Ông cho biết hiện có nhiều nhà sản xuất tại các quốc gia lớn đang tìm nguồn cung cấp bao bì giá rẻ nhưng chất lượng tốt ở các quốc gia khác.
Bà Nguyễn Thị Phương Chi, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Cơ khí Đồng Tiến chuyên cung cấp chi tiết máy cho biết hiện Đồng Tiến đang có rất nhiều đơn hàng. Ngoài cung cấp cho các công ty trong các khu chế xuất, Đồng Tiến còn còn xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, Đức trong hơn bốn năm nay.
Bà Trương Vân Tiên, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh chuyên về sản xuất các thiết bị phụ tùng cơ khí cho biết hiệu quả sản xuất kinh doanh của Duy Khanh tăng đều đặn 20 đến 30% mỗi năm. Điều này cho thấy lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đang còn trống, còn có thể khai thác được. Bà Tiên cho biết đến nay, Duy Khanh đã là nhà cung ứng cho trên 200 khách hàng nước ngoài, trong đó nhiều nhất là các công ty Nhật.
Thời cơ để doanh nghiệp Việt đầu tư ngành phụ trợ đã chín mùi?
Nhà nước hiện nay đã có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ. Quy định số 34/2007/QĐ-BCN, ngày 31/7/2007 đề cập đến các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ; Thông tư số 96/ 2011/TT-BTC, ngày 4/7/2011 về chính sách ưu đãi đối với công nghiệp phụ trợ quy định các ưu đãi về xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế đối với một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng liên kết với Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư thông qua các buổi hội nghị, hội thảo, triễn lãm, nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp đúc khuôn kim loại là ngành công nghiệp phụ trợ trọng điểm tập trung đầu tư trong năm 2012. Hiện đã có 110 doanh nghiệp Việt Nam được nằm trong danh sách được hỗ trợ.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tìm nguồn cung cho các sản phẩm phụ trợ như ông Tamotsu Mizuhashi, cố vấn bộ phận điều phối Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, chỉ tiêu tăng số lượng nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam cho Canon đến năm 2014 là 140 so với 120 hiện nay. Bà Tôn Thất Nguyên Lộc, phụ trách kiểm soát sản xuất của Công ty Tanaka Sangyo Vietnam cũng cho biết Công ty đang tìm kiếm nhà cung cấp túi giấy tại Việt Nam thay thế cho việc nhập từ Trung Quốc và Nhật trước đây để giảm chi phí.
Tuy nhiên ông Kyoshiro Ichikawa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam chia sẻ rằng muốn đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Nhật, doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch lâu dài, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, chịu khó tiếp thị năng lực sản xuất, cung cấp sản phẩm có chất lượng ổn định, giá thành hợp lý và phải lấy chữ tín làm đầu.
Minh Nhật, STINFO Số 11/2012