SpStinet - vwpChiTiet

 

Đưa khoa học kỹ thuật vào đời sống

Đưa nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là việc không dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì qua nhiều năm để các kết quả nghiên cứu không mãi nằm trong hộc tủ.


Thành công nhờ gắn với thực tiễn
 

Rất nhiều sản phẩm tại Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Mới - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga xuất phát từ các kết quả nghiên cứu; các công nghệ được phát triển qua nhiều năm và ứng dụng thành công đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và đạt được nhiều giải thưởng như:
 

- Quy trình công nghệ vi sinh bám (Visiba) để xử lý nước thải các cơ sở công nghiệp, chế biến thực phẩm, hải sản, nước thải y tế và nước sinh hoạt được Hội đồng khoa học công nghệ Bộ Quốc phòng đánh giá đạt kết quả xuất sắc và được Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần VI (2000 - 2001), giải 3 Vifotech. Hiện nay công nghệ này đang được áp dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước như Bệnh viện Thiện Hạnh - Đăklăk, Bệnh viện Đồng Phú - Bình Phước, Bệnh viện 87 - Nha Trang, Bệnh viện 110 - Quân khu 7...

 

- Từ năm 1995, nghiên cứu thành công xử lý nước nhiễm phèn sắt bằng công nghệ Katox với các vật liệu xúc tác KAT-1, KAT-2. Công nghệ có thể áp dụng cho nguồn nước nhiễm phèn ở phạm vi rộng từ vài mg/lít đến hàng chục mg/lít. Qua 17 năm áp dụng công nghệ ở hơn 100 trạm xử lý nước trên toàn quốc như khu dân cư huyện Mỹ Lộc, Nam Định, khu dân cư Phước Kiểng, Nhà Bè, Ga Ninh Hòa, Khánh Hòa, Công ty Xăng dầu Khu vực II, Nhà máy Bia Sóc Trăng, Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Quân khu 9… các cơ sở áp dụng công nghệ rất hài lòng vì chất lượng nước sau khi xử lý tốt, vận hành dễ dàng, không phải thay thế chất liệu. Năm 1997 công nghệ này được tặng Huy chương vàng Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam, năm 1998 được giải thưởng VIFOTEC. 
 

- Nghiên cứu chế tạo thành công hàng loạt sản phẩm xử lý khí cấp, khí thải và các trang thiết bị phòng thí nghiệm. Các sản phẩm này đều có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm nhập ngoại trên thị trường về chất lượng cũng như giá cả. Hiện nay, sản phẩm đang được áp dụng cho nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học và xí nghiệp sản xuất dược phẩm như Phòng Thí nghiệm Trường Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Chợ Quán TP. HCM, Công trình Sở Y tế Hà Nội… Một số sản phẩm đã nhận được bằng khen về chất lượng như tủ hút vô trùng được huy chương vàng Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp 1997, tủ hút hóa chất HC-02, tủ cấy vi sinh TCV.02.1 được tăng huy chương vàng “sản phẩm chất lượng vì sức khỏe công đồng” do Bộ Y tế trao tặng.
 

Công nghệ xử lý nước cấp, công nghệ xử lý nước thải, công nghệ xử lý khí cấp, công nghệ xử lý khí thải, trang thiết bị phòng thí nghiệm, vật liệu mới …là những nội dung được Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Mới tập trung đầu tư từ nhiều năm qua và đến nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu phát triển.
 

Tiếp bước trên chặng đường dài

 

Ngoài việc liên tục cải tiến các nghiên cứu đã tạo những sản phẩm thành công, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Mới còn nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới. Nghiên cứu về vật liệu mới đang được thực hiện tại Trung tâm là tấm vật liệu chống phóng xạ. Hiện nay, để cản tia xạ trong các phòng X quang, CT-Scanner, MRI shielding room… thường sử dụng chì lá, vữa barit, cao su chì. Trong các loại vật liệu thì chì có tác dụng ngăn cản tia phóng xạ tốt nhất nên được ứng dụng nhiều. Tuy nhiên, chì cũng có những nhược điểm như nặng, khó thi công, làm ảnh hưởng đến kiến trúc, không gian, và có hiện tượng bị “sụt” chì, là hiện tượng chì bị giảm dần theo thời gian, làm cho khả năng cản tia bức xạ cũng bị giảm đi. Tấm vật liệu chống phóng xạ mới này được đánh giá là có khả năng chuyển giao công nghệ và đã thử nghiệm thành công tại một số bệnh viện như Bệnh viện 175, Bệnh viện Hồng Đức… Hiện nay tấm vật liệu này đã được Trung tâm sản xuất thử nghiệm cho phòng an toàn bức xạ, tủ hút chống phóng xạ.
 

Nghiên cứu đến nơi đến chốn

Theo ông Trần Văn Hả - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Mới, việc nghiên cứu cần có sự đầu tư cả về công sức lẫn thời gian một cách nghiêm túc. Ví dụ như thời gian nghiên cứu công nghệ cho một đề tài trung bình mất 24 tháng và để hoàn thiện được công nghệ ấy lại mất đến 24 tháng. Sau đó, đến bước thử nghiệm công nghệ cũng cần ít nhất 24 tháng nữa. Sau 6 năm ròng rã, lúc này chỉ mới tạm coi là đã hoàn thiện về mặt nghiên cứu một sản phẩm hay một công nghệ mới... Chi phí cho các đề tài cũng không hề rẻ, để có được một sản phẩm đơn giản cũng cần đến 400 đến 500 triệu đồng đầu tư. Tuy vậy, mỗi năm Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Mới đều có 4 đến 5 đề tài nghiên cứu ứng dụng vào đời sống. Trung tâm luôn chú trọng vào giải quyết các vấn đề tuy không lớn nhưng thiết thực, với công nghệ nâng cao và phù hợp điều kiện Việt Nam, nhất là luôn khảo sát các quốc gia khác đã làm như thế nào và đặt câu hỏi ngược lại trong điều kiện của Việt Nam thì sẽ giải quyết vấn đề đó ra sao. Làm sao ra được sản phẩm phù hợp nhất, công nghệ tốt nhất, khắc phục được các khó khăn trong nước cũng như cạnh tranh được với các thiết bị nhập ngoại là câu hỏi luôn đau đáu trong mỗi chuyên gia làm việc ở Trung tâm.
 

Dù còn không ít khó khăn nhưng Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Mới luôn mạnh dạn đi từng bước một, học hỏi và trưởng thành qua những ứng dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn. Giờ đây, hàng năm sản lượng tăng đều đặn 20 - 25% và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương tại các hội chợ và triển lãm. Ông Hả tâm sự “Nghiên cứu đến nơi đến chốn, ứng dụng thực sự để giải quyết vấn đề. Đó là lòng yêu nghề của người làm nghiên cứu”.
 

Hoàng Mi, STINFO Số 10/2012

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả