SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ: con đường đột phá cho doanh nghiệp

 

 


Trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) muốn phát triển bền vững và có bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, không có con đường nào khác là phải đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN). Con đường đi tới thành công của Công ty Thiên Dược là một trong những minh chứng rõ nét cho nhận thức này.
 


Ứng dụng kết quả nghiên cứu trong sản xuất kinh doanh

Bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu hiện nay đòi hỏi sản phẩm – dịch vụ mang thương hiệu Việt không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn có khả năng cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế. Muốn vậy, con đường tất yếu doanh nghiệp Việt Nam là phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.

Với nhận thức cần đầu tư đổi mới công nghệ nhằm khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu trong nước, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả, Công ty TNHH Thiên Dược (một DN KH&CN có trụ sở chính đặt tại Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương) đã tập trung nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Trước khi cái tên Thiên Dược được biết đến, có lẽ nhiều người đã không xa lạ với thảo dược dân gian có tên trinh nữ hoàng cung. Câu chuyện về một nhà khoa học nữ với chặng đường dài đưa cây trinh nữ hoàng cung thành “thần dược” cũng đã được báo chí đăng tải nhiều. Song, bên cạnh sức mạnh của niềm đam mê, sự nhiệt tâm của Tiến sĩ – Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Giám đốc Công ty Thiên Dược), không thể phủ nhận sức mạnh của khoa học. TS. Trâm từng chia sẻ trên Báo Bình Dương: “Nếu không có KH&CN thì không thể đổi mới, không thể tạo ra được những sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Trong hàng ngàn cây thảo dược ở Việt Nam, để chọn được cây thảo dược có công dụng chữa các bệnh khối u dù lành tính hay ác tính đều không phải là dễ. DN chúng tôi đã tự tạo vốn từ kết quả nghiên cứu khoa học để xây dựng được cơ ngơi như hôm nay. Đầu tiên là sản phẩm dưới dạng trà, sau đó đến xây dựng nhà máy chế biến viên nang”.
 

Vùng trồng trinh nữ hoàng cung đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Ảnh: VN.


Bà Trâm cũng cho biết, công ty có được những kết quả vượt bậc trong sản xuất kinh doanh là nhờ việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm. Thiên Dược đã tiếp nhận công nghệ mới về chiết xuất và bào chế của “cụm công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam Crinum latifolium L.” (Đã được nhận giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010) để tạo ra dòng sản phẩm thuốc mới điều trị bệnh ung bướu từ dược thảo Việt Nam có chất lượng ngang tầm với những sản phẩm được sản xuất từ các nước có nền khoa học tiên tiến. Từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Phát triển nguồn gen cây trinh nữ hoàng cung để có nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung”, Thiên Dược đã phát triển được vùng trồng dược liệu trinh nữ hoàng cung có diện tích 20 ha (tại Long Thành – Đồng Nai) được nuôi trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản theo tiêu chuẩn GACP – WHO, đạt hàm lượng hoạt chất sinh học ổn định.
 


Công đoạn thu hái, chế biến nguyên liệu cũng đảm bảo tiêu chuẩn nguyên liệu sạch. Ảnh: VN.


Đây cũng là vùng trồng dược liệu đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO và là nơi cung cấp nguyên liệu cho Thiên Dược sản xuất thuốc Crila điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung và các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh khối u lành tính và ác tính.


Xây dựng thương hiệu sản phẩm đủ sức cạnh tranh

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Crila và tạo nên sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài nước, Bộ KH&CN đã phê duyệt Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước “Hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất hoạt chất từ cây trinh nữ hoàng cung để sản xuất viên nang điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt”.

Từ kết quả nghiên cứu của dự án, Thiên Dược đã áp dụng công nghệ mới về chiết xuất, bào chế và loại tạp chất để tạo ra sản phẩm Crila với hàm lượng alkaloid 1,25mg có chất lượng cao điều trị bệnh u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Kết quả thử nghiệm lâm sàng đã đánh giá hiệu quả điều trị của Crila đối với bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt đạt 89,18% và u xơ tử cung đạt 79,5%. Ngoài ra, Crila còn có khả năng cạnh tranh với các thuốc nhập ngoại về giá và chất lượng.

Nhờ áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, doanh thu dòng sản phẩm từ trinh nữ hoàng cung của Thiên Dược tăng từ 3,37 tỷ đồng (năm 2005) lên 37,52 tỷ đồng (năm 2012). Để sản phẩm Crila có sức cạnh tranh lớn hơn, đồng thời nâng công suất nhà máy, đáp ứng xuất khẩu, Thiên Dược đã đầu tư thiết bị máy móc, hợp lý hóa sản xuất và nghiên cứu đổi mới công nghệ. Năm 2012, Thiên Dược thực hiện dự án trọng điểm cấp Nhà nước “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila® forte đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”. Đến năm 2015 dự án sẽ hoàn thành đảm bảo đủ thuốc xuất khẩu và phục vụ sức khỏe cộng đồng.


 


Sản phẩm từ kết quả NCKH của Thiên Dược đã được cung cấp ở thị trường nội địa
và bước đầu xuất sang Mỹ. Ảnh: VN.


Bà Trâm cho biết, trong năm 2012, từ kinh phí sự nghiệp khoa học kết hợp với kinh phí tự có của công ty đã đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ và tạo được sản phẩm Crila® forte có chất lượng cao và bắt đầu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với ba sản phẩm có tên Crila for Prostate, Crila Uterine Health, Crila for Menopause.

Chưa dừng lại với những thành công đó, để sản phẩm sản xuất từ trinh nữ hoàng cung Việt Nam có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, Bộ KH&CN đã phê duyệt cho Thiên Dược thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN theo Nghị định thư giữa Việt Nam – Bungaria “Nghiên cứu khả năng kích thích hệ miễn dịch chống ung thư của các alkaloid và flavonoid được chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư”. Với nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Thiên Dược sẽ sản xuất ra viên Crilin T là sản phẩm được bào chế từ các nhóm hoạt chất có hoạt tính sinh học, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào khối u, có khả năng kích thích miễn dịch, giúp cho các bệnh nhân ung thư kéo dài sự sống.


Có thể thấy con đường xuyên suốt trong thành công của Thiên Dược là ứng dụng kết quả nghiên cứu và đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, Thiên Dược đã tạo được vùng trồng dược liệu sạch, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe con người; tạo sản phẩm mới từ nguồn dược liệu sạch, chủ động nguồn nguyên liệu làm thuốc, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đưa sản phẩm thuốc mang thương hiệu Việt Nam tham gia vào thị trường dược phẩm quốc tế... Đó là con đường phát triển bền vững cho DN với những tác động tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội và môi trường. 

 

VÂN NGUYỄN, STINFO số 9/2013

 
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả